Phát triển công nghiệp chế biến: Nâng cao giá trị nông sản

Thứ Tư, 09/09/2020 | 16:01

Với thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp chế biến hàng nông - lâm và thủy sản. Song, thế mạnh này vẫn còn là tiềm năng và chưa được đầu tư khai thác theo chiều sâu.

Rau cần nước của HTX 8/3 Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) giá trị tăng lên hơn 2 lần sau khi được sơ chế và đóng gói đưa vào Siêu thị Co.opmart. Ảnh: K.T

Nhìn lại sản xuất công nghiệp trong những năm qua cho thấy, chỉ số, giá trị sản xuất đều tăng về quy mô và chất lượng (chỉ số công nghiệp năm 2015 tăng từ 5,69% lên 13,04% năm 2020). Đặc biệt, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, với hệ thống 23 nhà máy chế biến có tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 135.000 tấn/năm và cho tổng sản lượng chế biến đạt hơn 100.740 tấn/năm. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh như: chế biến tôm xuất khẩu, gạo, sản xuất bia, điện công nghiệp, may mặc…

Riêng các mặt hàng nông - lâm và thủy sản khác phát triển không nhiều và gần như chưa được quan tâm. Cụ thể, đối với mặt hàng rau - củ - quả, hiện nay chủ yếu nông dân thu hoạch và bán thô chứ chưa qua sơ chế hay đóng gói; hoặc các mặt hàng thủy sản được khai thác từ biển như: cá, mực, bạch tuộc, cua, ghẹ… cũng nằm trong tình trạng tương tự. Trong khi đó, các sản phẩm này nếu qua sơ chế và đóng gói thì giá trị sẽ tăng thêm từ 1 - 2 lần so với bán sản phẩm thô. Như cây rau cần nước của xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), sau khi sơ chế, đóng bao bì và gắn nhãn hiệu, giá bán trong các siêu thị hơn 20.000 đồng/kg, nếu bán bên ngoài chỉ có giá khoảng 8.000 đồng/kg. Hay ở sản phẩm con ruốc, qua chế biến đóng hộp đưa vào siêu thị có giá trên 100.000 đồng/kg, trong khi bán ruốc thô chỉ có giá khoảng 20.000 đồng/kg…

Từ những ví dụ cụ thể trên cho thấy, việc quan tâm phát triển công nghiệp chế biến đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản ngoài con tôm ở Bạc Liêu là rất cần thiết. Bởi việc làm này không chỉ giúp các sản phẩm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh, mà trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới thì việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ là yêu cầu mang tính bắt buộc.

Bạc Liêu đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), thì việc phát triển công nghiệp chế biến phải đi trước một bước. Cụ thể, trong 26 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh thì 100% đều qua dây chuyền chế biến. Đơn cử như: khô cá đù một nắng của Công ty Hải Tuyền (huyện Đông Hải), cá thát lát rút xương của cơ sở Bảy Lãnh (huyện Phước Long), khô cá kèo của cơ sở Xuân Thảo (huyện Vĩnh Lợi), bánh đậu xanh Hương Sen của cơ sở sản xuất Hương Sen (TP. Bạc Liêu)… Tất cả các sản phẩm trên đều được chế biến và đóng gói gắn với việc thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã xuất bán ở các siêu thị trong, ngoài nước, với tổng doanh thu gần 4 tỷ đồng/năm (như bánh đậu Hương Sen).

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, Bạc Liêu sẽ phát huy giá trị từ nhiều nguồn lợi nếu như có chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp chế biến, nhất là các mặt hàng thủy - hải sản khai thác từ biển, cũng như các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch.

Giải quyết bài toán công nghiệp chế biến hàng nông - lâm - thủy sản còn phải tính đến yếu tố phù hợp với quy hoạch và các định hướng phát triển của tỉnh. Cụ thể về hạ tầng, ngoài Khu công nghiệp Trà Kha (TP. Bạc Liêu) cơ bản được lấp đầy, Khu công nghiệp Láng Trâm (TX. Giá Rai) đã được bổ sung vào quy hoạch Khu công nghiệp quốc gia, Khu công nghiệp Ninh Quới (huyện Hồng Dân) đang có một số doanh nghiệp tiếp cận đầu tư, thì còn có 3 cụm công nghiệp khác gồm Vĩnh Mỹ (huyện Hòa Bình), Chủ Chí (huyện Phước Long) và Vĩnh Lợi (huyện Vĩnh Lợi) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tất cả các khu công nghiệp này sẽ là mảnh đất màu mỡ để thu hút đầu tư, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vào phát triển công nghiệp chế biến.

Xét ở góc độ nào đó, phát triển công nghiệp chế biến hàng nông - lâm - thủy sản còn là tiền đề trong thực hiện và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp - thực phẩm khép kín, từng bước hiện đại, quản trị tốt theo chuẩn quốc tế. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh và hướng đến phát triển nền sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo mô hình “từ cánh đồng đến nhà máy” và “từ nhà máy đến bàn ăn”. Song, để phát triển công nghiệp chế biến thì rất cần những chính sách hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và một mô hình quản trị hiện đại.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.