Năm 2019: Tiếp tục vượt khó để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng

Thứ Hai, 07/01/2019 | 17:23

Năm 2018 khép lại, với việc Bạc Liêu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, GRDP tăng 8,36% so với năm 2017, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức và chưa thật sự bền vững.

Chế biến tôm xuất khẩu ở TP. Bạc Liêu.

Nông dân huyện Phước Long thu hoạch lúa. Ảnh: L.D

NHẬN DIỆN KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC...

Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, năm qua Bạc Liêu đã xác định được “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, việc hiện thực hóa “5 trụ cột” này nhìn chung vẫn còn chậm. Điều đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng trưởng nhanh, nhất là việc tập trung thực hiện mục tiêu đưa Bạc Liêu đứng vào tốp của các tỉnh khá trong khu vực và trung bình khá của cả nước.

Những bất cập và khó khăn trên gần như tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể về xúc tiến đầu tư, nhiều dự án chưa đạt được như mong muốn, tiến độ triển khai còn chậm, đa số các dự án đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục, chưa đủ điều kiện triển khai thi công, còn vướng giải phóng mặt bằng… nên chưa thật sự mang lại chuyển biến lớn trong đóng góp tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh. Hay trong sản xuất nông nghiệp, việc phát triển giá trị ngành thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, do thị trường biến động khó lường, giá nguyên liệu, giá xuất khẩu không ổn định, trong khi giá thành nuôi tôm vẫn còn cao so với các nước. Tiến độ triển khai chuỗi giá trị ngành tôm còn chậm, chưa bền vững, các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm khó tiếp cận được các chương trình tín dụng; tình hình bơm chích tạp chất vào tôm vẫn còn xảy ra ở mức độ ngày càng tinh vi, gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu; nguy cơ ô nhiễm môi trường trong một số mô hình nuôi siêu thâm canh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của ngành tôm. Đây chính là những trở ngại rất lớn mà nếu không có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì việc thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước” và kim ngạch xuất khẩu con tôm Bạc Liêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2020 sẽ rất khó.

Hay trong thành lập mới doanh nghiệp, năm 2018 vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra là phát triển 500 doanh nghiệp và chỉ đạt khoảng 80%. Kinh tế tập thể phát triển chậm; liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã chưa chặt chẽ, thiếu và chưa hình thành nên những liên kết bền chặt, nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Hoặc trong phát triển du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; lao động trong lĩnh vực này còn thiếu và yếu; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong du lịch còn chưa kịp thời; tình trạng mất vệ sinh môi trường và chèo kéo khách ở một số khu, điểm tham quan vẫn còn xảy ra. Công tác giải quyết việc làm trong tỉnh còn hạn chế; công tác xuất khẩu lao động, giảm nghèo tuy đạt kết quả khá tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững và khả năng tái nghèo còn cao. Việc triển khai định hướng y tế, giáo dục chất lượng cao còn chậm, chưa đồng bộ, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Công tác cải cách hành chính tuy có chuyển biến tích cực nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, chưa trở thành động lực cho phát triển. Các trung tâm hành chính công (cấp tỉnh và cấp huyện) triển khai chậm; chỉ số PCI của tỉnh năm 2017 tiếp tục giảm đã ảnh hưởng đến hình ảnh của tỉnh trong công tác cải cách hành chính...

Mạnh dạn nhìn nhận những khó khăn, hạn chế này để thấy rằng, ngoài những nguyên nhân khách quan như các dự án điện gió chậm do phải mất 12 tháng để đo gió mới được triển khai; hay Bạc Liêu đến nay vẫn là một tỉnh nghèo, quy mô và tích lũy đầu tư từ nội bộ nền kinh tế còn nhỏ; kết cấu hạ còn thiếu và chưa đồng bộ, chịu tác động và bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; nguồn vốn đầu tư cho phát triển chưa đáp ứng kịp nhu cầu; thu nhập trong dân cư còn thấp, khả năng tích lũy và huy động vốn đầu tư xã hội trên địa bàn còn hạn chế… thì vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân mang tính chủ quan khác. Đó là một số đơn vị, địa phương chưa có sự chủ động chuẩn bị, đánh giá về tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương mình nên còn lúng túng trong thực hiện; một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, trách nhiệm trong thực thi công vụ nên chưa có quyết tâm và nỗ lực đúng mức làm ảnh hưởng đến công việc chung…

...TẬP TRUNG HÓA GIẢI

Để hóa giải các khó khăn, thách thức này và đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, năm 2019 Bạc Liêu sẽ tập trung vào nhiều nhiệm vụ và giải pháp.

Về sản xuất nông nghiệp, sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng GRDP, tạo sự chuyển biến rõ nét thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, gắn với thực hiện Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, tổ chức thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên từng sản phẩm, nhất là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm; tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Đồng thời quan tâm phát triển lúa gạo (cả về sản lượng, giá thành sản xuất, cơ cấu giống lúa lẫn yếu tố thị trường tiêu thụ), đảm bảo ổn định trồng trọt và chăn nuôi. Phấn đấu tăng trưởng ngành Nông nghiệp tăng 4,5% trở lên. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, phấn đấu đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư và đưa vào khai thác Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Tạo điều kiện thuận lợi, xem xét cấp phép đầu tư cho các công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện để đầu tư vào khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm tăng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh. Hình thành và nhân rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh theo nhiều quy trình, nuôi tôm sạch, nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng và bảo vệ rừng; mở rộng, phát triển bền vững mô hình tôm - lúa ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A. Xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc. Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất tôm giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín của vùng ĐBSCL…

Song song đó, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, chú trọng phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí, nhằm đưa Bạc Liêu trở thành Trung tâm sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của khu vực ĐBSCL. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế tập thể, hợp tác xã, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, gắn với đó là các chính hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế…

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.