Huyện Vĩnh Lợi: Cần thay đổi mô hình tăng trưởng để phát triển

Thứ Hai, 04/11/2019 | 16:57

Huyện Vĩnh Lợi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài vị trí là huyện cửa ngõ của tỉnh, Vĩnh Lợi còn nằm giáp với trung tâm TP. Bạc Liêu và được kết nối với tuyến Quốc lộ 1A. Tuy nhiên, trải qua nhiều nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế của huyện vẫn chưa tạo được những đột phá và xếp vào nhóm địa phương chậm phát triển.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa.

Du khách tham quan chùa Hưng Thiện (xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: L.D - H.T

CỞI TRÓI KHỎI SỰ RÀNG BUỘC VÀO CÂY LÚA

Huyện Vĩnh Lợi (cũ) được tách ra thành huyện Vĩnh Lợi và huyện Hòa Bình đi vào hoạt động từ tháng 10/2005. Thế nhưng, trải qua gần 3 qua nhiệm kỳ, tăng trưởng kinh tế của huyện đến nay vẫn xếp vào nhóm tăng trưởng chậm, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm chỉ đạt hơn 6%. Tổng thu ngân sách chỉ đạt khoảng 40 tỷ đồng/năm, trong khi tổng chi trên 240 tỷ đồng/năm. Đây thật sự trở thành nỗi trăn trở của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tăng trưởng kinh tế của huyện Vĩnh Lợi đạt thấp trong nhiều nhiệm kỳ là do quy mô của nền kinh tế còn nhỏ và thiếu những chính sách, dự án động lực để Vĩnh Lợi “cởi trói” bởi sự ràng buộc vào cây lúa. Hiện nay, thế mạnh kinh tế của huyện Vĩnh Lợi vẫn là sản xuất nông nghiệp mà cây lúa chính là thế mạnh kinh tế chủ lực. Trong tổng diện tích tự nhiên của huyện hơn 25.000ha, diện tích trồng lúa đã chiếm 17.000ha. Với việc sản xuất lúa từ 2 - 3 vụ/năm, mỗi năm huyện Vĩnh Lợi cung cấp cho thị trường khoảng 245.000 tấn lúa hàng hóa. Qua đó cho thấy, sản lượng, giá trị mang lại từ hạt lúa không nhiều, không thể tạo nên sức bật để Vĩnh Lợi bứt phá dù Đảng bộ và nhân dân trong huyện rất nỗ lực phấn đấu.

Một nguyên nhân khác dẫn đến Vĩnh Lợi chậm phát triển là thiếu về nguồn lực, hay nói cách khác huyện chưa thu hút được những dự án động lực như các địa phương khác. Tuy nằm giáp với trung tâm TP. Bạc Liêu, nhưng huyện Vĩnh Lợi vẫn chưa thu hút được dự án lớn. Ngoài Nhà máy sản xuất và gia công hàng may mặc của Công ty TNHH MTV PINETREE - Hàn Quốc (tọa lạc ở xã Châu Hưng A), huyện có khoảng 200 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ.

Thiếu ngoại lực và yếu về nội lực chính là những nguyên nhân cơ bản làm cho huyện Vĩnh Lợi chậm phát triển và chưa phát huy, khai thác được lợi thế vốn có.

PHÁT HUY TỐI ĐA CÁC TIỀM NĂNG LỢI THẾ

Để giải quyết những khó khăn mang tính nội tại và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến tăng trưởng nhanh, bền vững và chủ động hội nhập, thiết nghĩ huyện Vĩnh Lợi cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng.

Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung khai thác, phát huy lợi thế của tuyến Quốc lộ 1A và vị trí của huyện cửa ngõ; đặc biệt là thực hiện kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc xây dựng huyện Vĩnh Lợi trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng hàng hóa cho TP. Bạc Liêu.

Trong định hướng phát triển chung, TP. Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm du lịch của tỉnh nên cần một không gian và môi trường sạch để phát triển. Do vậy, không thể để tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nằm đan xen trong khu dân cư vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn giao thông.

Việc di dời các cơ sở sản xuất CN-TTCN ra khỏi nội ô thành phố về huyện không chỉ giúp TP. Bạc Liêu giải quyết được khó khăn, mà còn giúp huyện Vĩnh Lợi phát huy lợi thế của huyện cửa ngõ, tranh thủ và phát huy được vị trí giao thông nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, thuận tiện cho sản xuất, giao thương.

TP. Bạc Liêu hiện có gần 1.000 cơ sở sản xuất CN-TTCN và khu công nghiệp Trà Kha không đủ diện tích để giải quyết khó khăn này. Mặt khác, các cơ sở CN-TTCN trên địa bàn thành phố có nhiều loại hình sản xuất khác nhau, cách xử lý môi trường và rác thải cũng khác nhau nên không thể đưa vào Khu công nghiệp Trà Kha khi một trong những tiêu chí vào đây là sản xuất sạch.

Điều đáng quan tâm là khu vực nuôi tôm công nghệ cao của TP. Bạc Liêu chủ yếu tập trung ở tuyến ven biển. Trong khi tuyến ven biển này lại được quy hoạch cho phát triển du lịch sinh thái gắn với các công trình điện gió, nuôi trồng các loại thủy sản ven bờ và cả việc đưa các mô hình nuôi tôm công nghệ cao vào phục vụ khách du lịch. Đây là lý do không thể xây dựng nhà máy chế biến hay áp dụng mô hình từ “cánh đồng đến nhà máy” ở khu vực này (vì yếu tố môi trường). Và để giải quyết khó khăn này, chỉ có huyện Vĩnh Lợi mới đảm nhận được. Đó là nếu TP. Bạc Liêu là trung tâm sản xuất tôm, thì Vĩnh Lợi sẽ là trung tâm chế biến tôm. Xu thế này là tất yếu, vì các khu chế xuất hoặc công nghiệp trong và ngoài nước hiện nay đều nằm ngoài thành phố. Vả lại, đất đô thị sẽ là “đất vàng” nên ưu tiên dành cho các dự án động lực và phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch…

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Lợi cũng cần nghiên cứu phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn và homestay từ việc khuyến khích nông dân phát triển vườn cây ăn trái, nuôi cá, trồng rau sạch… gắn với khai thác các điểm du lịch văn hóa tâm linh, mà chùa Giác Hoa và chùa Hưng Thiện là trọng tâm.

Phát triển nhanh và chủ động tránh tụt hậu là “khát vọng” của Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Lợi. Tuy nhiên, để “khát vọng” ấy trở thành hiện thực, cũng cần thay đổi tư duy của người trồng lúa sang phát triển thương mại, dịch vụ, nhằm hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng gắn với đổi mới; bổ sung lại quy hoạch sản xuất và xây dựng chiến lược; biết tận dụng, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của mình.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.