Huyện Đông Hải: Tiếp tục phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu, 29/03/2019 | 15:55

Với việc tập trung triển khai tốt các giải pháp phát triển sản xuất nên hoạt động khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn huyện Đông Hải trong quý 1/2019 tiếp tục giữ vững và tăng trưởng khá. Hiện huyện Đông Hải đang khuyến khích ngư dân và nông dân đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất, nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Ngư dân phấn khởi

Hoạt động đánh bắt thủy sản từ đầu năm đến nay khá thuận lợi, thời tiết ít diễn biến thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác dài ngày trên biển. Cùng với đó, giá thu mua nguyên liệu thủy sản tương đối cao và ổn định nên phần lớn ngư dân đều có lãi.

Ngư phủ vận chuyển thủy sản lên bờ sau chuyến ra khơi ở Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải).

Riêng hoạt động NTTS tiếp tục được giữ vững và phát triển. Đến nay, nông dân đã thả tôm nuôi hơn 39.387ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh - bán thâm canh trên 3.905ha, quảng canh cải tiến kết hợp 35.398ha và các loại thủy sản khác khoảng 84ha. Trong 3 tháng đầu năm, bà con đã thu hoạch trên 14.755 tấn, đạt 19,17% kế hoạch và tăng 105,2% so với cùng kỳ.

Phát huy kết quả từ các mô hình liên kết trong nuôi tôm trước đây, năm nay nông dân và các doanh nghiệp tiếp tục nhân rộng với tổng diện tích thực hiện liên kết, tiêu thụ tôm nguyên liệu theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện 1.109ha, gồm 354 hộ tham gia; tập trung đông ở ấp Cây Giá (xã Định Thành) với 237 hộ. Từ đầu năm đến nay, Công ty Thiên Phú đã thu mua gần 3 tấn tôm nguyên liệu của bà con, tùy từng loại mà giá mua cao hơn thị trường từ 15.000 - 30.000 đồng/kg.

Ngoài mô hình nuôi tôm vi sinh ít thay nước gắn với liên kết chuỗi, huyện Đông Hải còn duy trì và phát triển mạnh các mô hình như: Mô hình tôm - rừng ở xã Long Điền Đông có 95 hộ tham gia trên diện tích 496ha, đã được công nhận tiêu chuẩn Organic (tôm hữu cơ); xã An Phúc với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp ít thay nước theo chuỗi liên kết đã phê duyệt gồm 122 hộ trên diện tích 371ha, đến nay, sau 3 - 3,5 tháng thả nuôi, một số hộ đã bắt đầu thu hoạch tôm...

Nhìn chung, đạt được những kết quả trên là nhờ vào việc chủ động chỉ đạo phát triển sản xuất của UBND huyện, Phòng NN&PTNT và các địa phương đã làm tốt công tác phối hợp trong việc đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, thông báo lịch thời vụ sản xuất, dự báo thời tiết, ngư trường khai thác và các giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất giúp bà con chủ động trong khai thác trên biển và NTTS. Đặc biệt, quan tâm tuyên truyền, thông tin kịp thời về công tác phòng chống các dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, kế hoạch ứng phó hạn bảo vệ sản xuất nông nghiệp và NTTS trên địa bàn huyện đã góp phần hạn chế được các rủi ro, thiệt hại trong sản xuất.

Bên cạnh đó, cùng với việc thi công các công trình thủy lợi - thủy nông nội đồng phục vụ sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới cho nông dân. Đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT về phòng chống dịch bệnh...

Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình sản xuất từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả chưa cao. Một số mô hình có hiệu quả nhưng nguồn vốn đầu tư tương đối cao, nên việc nhân rộng trong dân gặp khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong cải tạo ao, thải chất thải, nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, nhất là đối với mô hình nuôi siêu thâm canh. Sự gắn kết giữa các hộ nuôi tôm chưa chặt chẽ, việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi còn nhiều hạn chế, chưa mang tính cộng đồng trong sản xuất cũng như việc bán sản phẩm sau thu hoạch. Tiến độ thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn chậm, chưa phù hợp với tiềm năng của vùng. Tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và sử dụng tôm có chứa tạp chất để chế biến, xuất khẩu vẫn còn xảy ra. Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không nằm trong danh mục vẫn được buôn bán trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả NTTS…

Nông dân huyện Đông Hải thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: L.D

Để sản xuất tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả, trong quý 2/2019, huyện Đông Hải sẽ tập trung làm tốt công tác chỉ đạo và thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đó là thông báo đến bà con tình hình thời tiết (theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Bạc Liêu), tình hình triều cường, công tác phòng chống dịch bệnh khẩn cấp đối với một số bệnh nguy hiểm xảy ra trên cây trồng - vật nuôi và một số thông báo khác để chủ động trong sản xuất.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật mới gắn với xem xét lựa chọn một số mô hình, chuyên đề làm ăn hiệu quả triển khai tập huấn nhân rộng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của việc ô nhiễm môi trường để có ý thức giữ gìn bảo vệ. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý những hộ cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường…

Song song đó, phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát diện tích chuyển đổi, thường xuyên kiểm tra diện tích nuôi tôm đang có giống, hướng dẫn bà con chủ động phòng ngừa dịch bệnh, quản lý tốt môi trường ao nuôi. Theo dõi mô hình quảng canh cải tiến - kết hợp sử dụng vi sinh, chuỗi liên kết ở các xã; tuyên truyền khuyến khích bà con NTTS bám sát lịch thời vụ thả giống; hướng dẫn bà con sản xuất chủ động trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp. Phối hợp với UBND các xã: Định Thành, An Phúc, Long Điền Đông… thường xuyên theo dõi quá trình thu mua tôm của Công ty Thiên Phú và Công ty tôm Miền Nam; cử cán bộ tham dự các buổi họp định kỳ của tổ hợp tác để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi liên kết nuôi tôm ở các xã, thị trấn.

Về hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản, tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã…

Hoàng Bảo

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.