Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19: Cần điều chỉnh những quy định, tiêu chí chưa hợp lý

Thứ Hai, 06/07/2020 | 16:50

Để thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải hoàn thành các hồ sơ, thủ tục vào cuối tháng 6/2020. Tuy nhiên, việc chi trả đến nay vẫn chưa đứt điểm và phát sinh nhiều bất cập cần được tháo gỡ.

Lao động nghề biển - một trong những nhóm lao động tự do không có hợp đồng lao động cần được hỗ trợ. Trong ảnh: Lao động tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải).

PHÁT SINH ĐỐI TƯỢNG

Phải khẳng định rằng, Bạc Liêu là một trong những tỉnh của khu vực ĐBSCL thực hiện khá tốt chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, 4 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo đã được hỗ trợ dứt điểm vào cuối tháng 5/2020, với tổng số tiền trên 85 tỷ đồng và Bạc Liêu được Bộ LĐ-TB&XH xếp thứ 11/63 tỉnh, thành về hoàn thành công tác hỗ trợ này.

Riêng việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, thì tính đến cuối tháng 6/2020 vẫn chưa thẩm định xong. Hiện Sở LĐ-TB&XH đã nhận được hơn 25.190 hồ sơ, nhưng đến nay chỉ thẩm định được khoảng 9.850 hồ sơ và còn trên 15.300 hồ sơ chưa thẩm định. Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Nguyên nhân thẩm định hồ sơ chậm, ngoài việc các địa phương báo cáo về trễ còn do phải thẩm định thật kỹ và đúng quy trình, đặc biệt bộ phận thẩm định hiện nay chỉ có 3 người”.

Dự kiến trong thời gian tới, số hồ sơ trên sẽ tiếp tục phát sinh, vì hiện nay một số địa phương vẫn chưa làm xong công tác báo cáo số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong khi đó, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành hồ sơ và báo về Sở LĐ-TB&XH tổng hợp vào giữa tháng 6/2020! Cụ thể, đến cuối tháng 6/2020 vẫn còn huyện Đông Hải và huyện Hồng Dân chưa gửi hồ sơ thẩm định về Sở LĐ-TB&XH trong việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Điều đáng nói, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động bị chấm đứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm… thì có địa phương đã thực hiện công tác thống kê và thẩm định, nhưng cũng có địa phương đến nay vẫn chưa có đối tượng để hỗ trợ?! Như huyện Đông Hải, ngoài 4 nhóm đối tượng thuộc diện chính sách được nhận hỗ trợ, còn các đối tượng lao động khác gần như không có, trong khi Đông Hải là một trong những địa phương thu hút nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh và lao động sống bằng nghề biển. Hay ở TX. Giá Rai đến nay vẫn chưa có hồ sơ đề nghị thẩm định danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động của các công ty, xí nghiệp hoặc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mặc dù địa phương này tập trung đông công nhân làm nghề chế biến xuất khẩu - vốn là ngành nghề bị tác động nhiều nhất từ dịch COVID-19.

Một trong những bất cập đáng được quan tâm hiện nay là ngoài các đối tượng lao động được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, vẫn còn rất nhiều lao động khác không nằm trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ mặc dù họ là những người trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: thợ hồ, phụ hồ, hớt tóc, bảo vệ, tiếp thị, chạy đò máy, lao động ở các làng nghề truyền thống…

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 43.960 lao động thuộc nhóm đối tượng này và Sở đã có tờ trình xin chủ trương UBND tỉnh để hỗ trợ các đối tượng.

Vận tải - nghề chịu tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, nhưng lao động lại chưa được hưởng hỗ trợ (xe buýt của HTX vận tải Đại Thắng). Ảnh: K.T

VẪN CÒN GẶP KHÓ

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ chưa kịp thời, kéo dài, ngoài nguyên nhân khách quan thì còn “bị vướng” do chính các thủ tục và quy định tạo ra.

Theo ông Hứa Minh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ vận tải Đại Thắng II (huyện Vĩnh Lợi): “Trong đợt dịch bệnh COVID-19 vừa qua, hoạt động vận tải phải ngưng hoạt động nhưng người lao động của HTX không được nhận chính sách hỗ trợ với lý do không có hợp đồng lao động. Do HTX là hoạt động đặc thù nên tài xế vừa là người lao động nhưng cũng vừa là thành viên của HTX nên không phải ký kết hợp đồng lao động”. Xuất phát từ bất cập này mà người lao động của HTX Đại Thắng được đưa vào nhóm lao động phát sinh và chờ chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh.

Một vấn đề khác cũng vướng phải thủ tục hành chính mà khả năng là việc thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ khó khả thi. Cụ thể, trước khi có Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch COVID-19, Bạc Liêu đã chủ động hỗ trợ 750 ngàn đồng/người/tháng cho các hộ bán vé số. Trong khi đó, theo quy định là phải hỗ trợ 1 triệu đồng/lao động bán vé số. Do vậy, người bán vé số sẽ được hỗ trợ thêm 250 ngàn đồng/người.

Thế nhưng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ thêm 250 ngàn đồng này là khó khả thi. Theo bà Đỗ Ái Lam - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: “Phần lớn lao động bán vé số trên địa bàn là lao động nhập cư từ các địa phương khác vào sinh sống và ở trong các nhà trọ. Muốn nhận thêm 250 ngàn đồng hỗ trợ theo đúng quy định thì các lao động này phải quay về địa phương làm hồ sơ và xin xác nhận. Nếu vậy, chi phí để hoàn thành thủ tục và đi lại sẽ tốn kém rất nhiều nên nhiều hộ bán vé số cho biết sẽ không nhận khoản hỗ trợ này”.

Một nghịch lý khác cũng liên quan đến thủ tục hành chính từ gói hỗ trợ doanh nghiệp 16.000 tỷ đồng để doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động với lãi suất bằng 0. Theo đó, gói hỗ trợ này có quy định: doanh nghiệp “đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc”. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và doanh nghiệp không có nguồn thu.

Với quy định trên thì chẳng có doanh nghiệp nào tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ này. Bởi khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, không tạo được nguồn thu cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp gần như bị phá sản thì có còn lao động đâu mà cần vay vốn để trả lương?! Cũng như quy định doanh nghiệp “không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng”, trong khi phần nhiều doanh nghiệp đều phát sinh nợ xấu nên muốn có một hồ sơ “sạch” để vay vốn là khó khả thi, vì chuyện chậm thanh toán nợ trong giao dịch với ngân hàng là chuyện rất bình thường, chỉ cần doanh nghiệp chậm trả lãi một ngày là ngân hàng đã đưa vào danh sách nợ xấu?!

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, còn một bất cập nữa chính là quy định “muốn tiếp cận chính sách hỗ trợ này phải có từ 20% hoặc 30% số người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên”. Nếu thực hiện đúng quy định này và để vay được số tiền hỗ trợ thì không còn con đường nào khác ngoài việc doanh nghiệp phải sa thải hơn 20% nhân viên của mình. Trong khi các địa phương lại khuyến khích doanh nghiệp giữ chân người lao động, nhằm giúp người lao động có việc làm và thu nhập. Và doanh nghiệp phải chủ động nguồn lao động có sẵn khi dịch COVID-19 được khống chế, nếu không thì lấy đâu công nhân làm việc?! Đây chính là nguyên nhân mà đến nay cả tỉnh chưa có doanh nghiệp nào được tiếp cận chính sách hỗ trợ; và chính sách này theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện đến ngày 31/7/2020.

Từ những khó khăn và bất cập trên, các bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung và bỏ đi những quy định, tiêu chí chưa hợp lý. Hy vọng với những điều chỉnh và ban hành những quy định mới, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sẽ sát với thực tiễn, góp phần giúp doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn. 

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.