Đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế

Thứ Hai, 24/09/2018 | 17:56

Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương đã có Kết luận số 67/KL-TU về tiếp tục phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ (QL) 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Đây được xem là động lực để Bạc Liêu phát huy thế mạnh này và đưa kinh tế biển trở thành “trụ cột thứ 5” trong tăng trưởng kinh tế.

 * Ngư dân huyện Đông Hải trúng mùa cá. Ảnh: Kim Trung
 * Xây dựng khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C

TỔ CHỨC, QUY HOẠCH LẠI SẢN XUẤT

Theo đó, Bạc Liêu đã đề ra mục tiêu chung là: Tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển toàn diện, đồng bộ vùng phía Nam QL 1A; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và ven biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo hiệu quả cao và phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng được các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các mô hình sản xuất và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích; xác định các mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao (nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao), các giải pháp khoa học - công nghệ mới, tiên tiến, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mô hình mẫu, tạo điểm nhấn, đột phá trong tái cơ cấu ngành Thủy sản. Phấn đấu xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước...

Để hoàn thành mục tiêu này, Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đó là tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU, ngày 24/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam QL 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển Đông, hải đảo, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, vùng ven biển cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn, có trách nhiệm hơn trong việc phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam QL 1A; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, năng lực quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp, các ngành và thực hiện xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường.

Cùng với công tác tuyên truyền, Bạc Liêu tập trung hoàn thành xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”; tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); phát huy lợi thế nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh; xác định mô hình nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao là điểm nhấn; đồng thời phát triển ổn định, bền vững mô hình nuôi tôm sạch (tôm - rừng). Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (thủy lợi, giao thông, lưới điện, chợ thủy sản đầu mối) phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhất là các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh và vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh quy mô trên 25.000ha; ứng dụng rộng rãi nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (ASC, MSC, CoC, GlobalGAP, BMP...) vào các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng; xúc tiến đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao (quy mô diện tích khoảng 870ha vào năm 2020 và 2.070ha vào năm 2025) gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thành phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Đối với hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản, Bạc Liêu sẽ cơ cấu hợp lý đội tàu khai thác vùng lộng, tăng năng lực khai thác vùng khơi, phát triển số lượng tàu có công suất lớn đánh bắt dài ngày và các vùng biển sâu; hướng dẫn chuyển đổi một số nghề khai thác gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản sang đánh bắt xa bờ hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác; phát triển sản xuất trên biển theo mô hình kinh tế tập thể (tổ, đội khai thác hải sản) nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác đánh bắt hải sản, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là các loại hình dịch vụ trên biển để giảm chi phí sản xuất; tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 89/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định 67/NĐ-CP.

Về lâm nghiệp, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Kế hoạch số 40/KH-TU ngày 20/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến, quán triệt Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp đến tận người dân, chủ rừng. Thực hiện quản lý, sử dụng bền vững diện tích đất lâm phần và diện tích có rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng; chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Về diêm nghiệp, tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành muối trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi một số diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và nuôi Artemia; chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen truyền thống sang phương thức sản xuất muối trắng, trải bạt trên nền sân kết tinh; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập cho diêm dân; ưu tiên đầu tư xây dựng vùng sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất muối…

CHỦ ĐỘNG LÀM GIÀU TỪ ĐẠI DƯƠNG

Cùng với tổ chức, quy hoạch lại sản xuất, Bạc Liêu xác định phát triển nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học - công nghệ; tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học

- công nghệ; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, tạo bước đột phá về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao.

Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin, dịch vụ; xây dựng các vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước vào các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp. Tăng cường mối quan hệ với các viện, trường đại học trong và ngoài nước về hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; đồng thời, tích cực tham gia hội chợ, triển lãm khoa học - công nghệ để tiếp thu các công nghệ mới có thể áp dụng vào thực tế sản xuất ở địa phương.

Đặc biệt, Bạc Liêu sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và dân cư ven biển như: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án tuyến đê biển Đông, các dự án thuộc Chương trình 667, các công trình kè chống sạt lở; các dự án thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; kho dự trữ muối quốc gia tại xã Điền Hải; dự án khu dân cư tái định cư rừng phòng hộ tỉnh Bạc Liêu; các khu neo đậu tránh trú bão cảng cá, bến cá; triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là hạ tầng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh), vùng sản xuất giống thủy sản tập trung quy mô lớn; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư hệ thống âu thuyền trên kênh Cà Mau - Bạc Liêu (thuộc TX. Giá Rai và TP. Bạc Liêu) nhằm cung cấp nước phục vụ nuôi thủy sản vùng phía Nam QL 1A; đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nuôi tôm - rừng của huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP. Bạc Liêu; đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tích cực mời gọi, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tốt để đầu tư vào khu này, đảm bảo các mục tiêu đề ra. Đồng thời, quan tâm đầu tư các công trình ven biển phải kiên cố, kết hợp với làm nơi tránh trú bão cho người dân khi có thiên tai. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III và các dự án điện gió, điện mặt trời khác theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư các công trình lưới điện theo quy hoạch; mời gọi, xúc tiến đầu tư xây dựng Cảng biển Gành Hào; nâng cấp, mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, hình thành cụm công nghiệp, khu sản xuất muối ăn xuất khẩu; tiếp tục khảo sát và mời gọi đầu tư cảng nước sâu; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng huyện Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, phấn đấu từng bước đạt các tiêu chí nâng lên thị xã theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-TU, ngày 31/7/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV. Đẩy mạnh phát triển du lịch, quan tâm đến du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch xanh gắn với xây dựng các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các điểm, khu du lịch như: Nhà thờ Tắc Sậy, Quán âm Phật đài, Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu, chùa Hưng Thiện, khu B nhà Công tử Bạc Liêu, tuyến du lịch Nhà Mát - Cái Cùng...; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các công trình, sản phẩm du lịch, các khu vui chơi, giải trí chất lượng, khách sạn hiện đại; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn để sớm đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng của tỉnh như: đường Cao Văn Lầu; đường Giá Rai - Gành Hào (giai đoạn 2); tuyến Bạc Liêu - Hưng Thành; đường vào Chùa Hưng Thiện; kè 2 bên bờ sông TP. Bạc Liêu; khởi công xây dựng mới đường Hộ Phòng - Gành Hào; dự án xây dựng, nâng cấp đê biển Đông và các hệ thống cống qua đê cấp bách chống biến đổi khí hậu; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng khu hành chính mới huyện Đông Hải (tại xã Điền Hải); chuẩn bị nguồn lực để xây dựng Đề án phân loại đô thị cho thị trấn Hòa Bình (đô thị loại IV), đô thị Cái Cùng (đô thị loại V) thuộc huyện Hòa Bình.

Song song với phát triển kinh tế là kết hợp với quốc phòng - an ninh. Cụ thể sẽ gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; bảo đảm việc đầu tư phát triển các chương trình, dự án về kinh tế - xã hội phải góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh vùng biển và ven biển của tỉnh. Quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang, nòng cốt là lực lượng bộ đội biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự trị an vùng biển và ven biển của tỉnh; kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng thủ, tác chiến sát với quy hoạch phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển của tỉnh; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân; giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc, các tầng lớp nhân dân trong việc bảo đảm an ninh trật tự khu vực ven biển…

Với những nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra rất cụ thể và sát với thực tiễn, việc tập trung thực hiện tốt Kết luận này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều đường hướng cho kinh tế biển Bạc Liêu tăng tốc và chủ động làm giàu từ đại đương.

TRUNG DŨNG

(trích Kết luận số 67/KL-TU)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.