Đề ra giải pháp để tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt ít nhất là 6,7%

Thứ Hai, 02/04/2018 | 17:07

Sáng 2/4, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 năm 2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2018. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý 1/2018 tăng 7,38%, tăng cao nhất trong 10 năm qua, và cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ của năm 2017 tăng 5,15%, đây là điều hiếm thấy trong tăng trưởng kinh tế ở nước ta.

Động lực chính của tăng trưởng là ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), ngành chế biến chế tạo, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9%. Ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ cũng phát triển khá ấn tượng, lần lượt tăng hơn 4% và tăng 6,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ là 6,4%). Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh một số việc quan trọng được thực hiện trong tháng 3. Trong đó, nổi bật nhất là Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với đó, có ba hội nghị lớn vừa diễn ra thành công là Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6; Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10; Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai.  

Về các kết quả phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đánh giá một số nét nổi bật của nền kinh tế trong tháng 3 và quý 1 vừa qua, đó là: Lạm phát được kiểm soát. Tổng cầu hàng hóa tiếp tục phục hồi tốt. Thời báo tài chính Nikkei của Nhật Bản ra sáng 2/4 đã công bố Chỉ số mua hàng của Việt Nam trong tháng 3 là hơn 50 điểm, là một trong hai nước cao nhất Đông Nam Á. Điều này chứng tỏ rằng cung cầu hàng hóa của nền kinh tế đang rất tốt.

Đặc biệt là trong quý 1, nhập siêu từ Trung Quốc đã giảm, nền kinh tế Việt Nam xuất siêu hơn 1,3 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành đạt khá, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tới 41,9%, tăng 16,9%. Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 đạt hơn 4,2 triệu người, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất từ trước tới nay. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VN index đã vượt đỉnh (1.170 điểm), cao nhất 11 năm qua. “Nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào thị trường đầu tư của Việt Nam nên chỉ sau một vài phiên giảm điểm dịp sau Tết, chứng khoán đã lại tăng mạnh trở lại”, Thủ tướng phân tích.

Thủ tướng cũng vui mừng nhận thấy, các lĩnh vực về lao động việc làm, an sinh xã hội tiếp tục chuyển biến tốt. Quý 1, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi chỉ còn 2,2%. Các hộ thiếu đói giảm đến gần 40%, do tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua nhìn chung đều được mùa.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề của quý 1, cần phải được tập trung bàn thảo để đề ra giải pháp đó là: Việc thành lập mới doanh nghiệp tăng chưa cao (có 26.785 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017). Số doanh nghiệp kinh doanh khó khăn còn cao (có 20.337doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động). Cụ thể là số ngừng sản xuất. Cần phân tích nguyên nhân, đề ra các giải pháp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thu hút vốn FDI cần tiếp tục được quan tâm. Trong đó, cần các giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn vốn FDI, khi trong quý 1 vốn FDI đăng ký mới giảm 27,3%. Vừa qua, lạm phát đã được kiểm soát tương đối tốt, nhưng vẫn có nguy cơ tăng cao do xu hướng là giá dầu thô tăng, giá hàng hóa cơ bản cũng tăng... Do đó, các bộ, ngành cần đề ra và thực hiện tốt các giải pháp để kiểm soát lạm phát.

Công nghiệp chế biến chế tạo những tháng cuối năm khó có thể duy trì tăng như cuối năm trước, do quý 4/2017 và quý 1/2018 vừa qua đã tăng rất cao. Vì vậy, Bộ Công thương cần có giải pháp để thúc đẩy chế biến chế tạo những tháng cuối năm.

Vấn đề thương mại toàn cầu có những khó khăn do nguy cơ của cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Mỹ đã có những động thái bảo hộ thương mại, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nên đã gây khó khăn nhất định cho việc xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng,  Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kịch bản và dự báo khả năng tăng trưởng của năm 2018. Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế năm nay cố gắng đạt và vượt mục tiêu 6,7% để tạo đà cho năm 2019 và những năm tiếp theo.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an báo cáo việc phòng chống cháy nổ khi trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy, trong đó có vụ cháy chung cư Carina rất nghiêm trọng làm 13 người chết; Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo giải pháp bảo đảm an toàn giao thông...

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ thảo luận về một số dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật nhà ở; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

QUANG PHƯƠNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.