Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở tỉnh Bạc Liêu là gì?

Thứ Sáu, 07/02/2020 | 16:38

Một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu mà hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (2015 - 2020) đã biểu quyết thông qua để quyết tâm thực hiện, đó là trụ cột nông nghiệp - mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Xác định 5 trụ cột (trong đó có trụ cột nông nghiệp) thực chất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại (hay xác định lại trên cái nền đã có) nền kinh tế Bạc Liêu nhằm làm cho nền kinh tế tăng trưởng.

Chế biến tôm xuất khẩu là một trong những thế mạnh của Bạc Liêu. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Tôm miền Nam. Ảnh: H.T

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Bạc Liêu đang phấn đấu trở thành “tỉnh khá trong khu vực và tỉnh trung bình khá so với cả nước” trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thì việc xác định thế mạnh, tiềm năng để khai thác, phát triển là điều không thể không làm. Nếu không, Bạc Liêu sẽ mãi chấp nhận là tỉnh tụt hậu, “bị bỏ lại phía sau” khi cả khu vực vượt lên phía trước.

Vậy thì Bạc Liêu phải tăng tốc trong phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế là gì? Đó là quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế. Nó là quá trình biến đổi cả về lượng và chất của nền kinh tế. Phát triển kinh tế là tăng trưởng kinh tế gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư. Phát triển kinh tế gồm: Gia tăng thu nhập của nền kinh tế (biến đổi về lượng) là điều kiện cần để nâng cao chất lượng; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tiến bộ (Đây là tiêu chí phản ánh sự biến đổi về chất của nền kinh tế); Gia tăng năng lực nội sinh của nền kinh tế; Nâng cao chất lượng cuộc sống. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế là phát triển toàn diện cho con người, xóa bỏ sự nghèo đói, nâng cao mức sống, thực hiện bình đẳng xã hội.

Để thực hiện được điều đó, trong điều kiện của Bạc Liêu (có lẽ cũng như các tỉnh trong khu vực) là phải có kế hoạch chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hay đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là xác lập, định hướng cách thức vận hành, hay hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn.

Bạc Liêu cũng đang thực hiện quá trình tái cơ cấu một số ngành, lĩnh vực, nhằm phát triển tốt nhất cho toàn bộ nền kinh tế. Tái cơ cấu là quá trình thực hiện dịch chuyển, quá trình thay đổi của kinh tế cũ bằng một cơ cấu kinh tế mới phù hợp hơn. Cụ thể là trước đây, thập niên 90 và 2000 - kinh tế Bạc Liêu chủ yếu là tập trung cho cây lúa - thì nay, trụ cột nông nghiệp đã xác định là tập trung cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - chú ý đặc biệt đến con tôm mà theo quyết định của Chính phủ: Bạc Liêu phải trở thành thủ phủ tôm cho cả vùng và cả nước. Cây lúa không phải chỉ để đảm bảo an ninh lương thực mà phải là lúa hàng hóa, chất lượng cao để tham gia vào quá trình xuất khẩu, đem ngoại tệ làm giàu cho tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Cũng như vậy, các ngành kinh tế khác được tập trung tái cơ cấu. Trong đó, ngành công nghiệp - cụ thể là công nghiệp năng lượng: Điện gió, điện khí… là lĩnh vực tiên phong, đã và đang có nhiều dự án đi vào hoạt động và đang trong quá trình hoàn thiện. Kinh tế biển cũng trong quá trình quy hoạch, hoạch định nhằm phát huy tối đa tiềm lực hiện có, khai thác có hiệu quả các lĩnh vực trong chuỗi tiềm năng, lợi thế của ngành này. Du lịch, dịch vụ - một lĩnh vực được xác định là mũi nhọn kinh tế cũng đã và đang cơ cấu lại một cách thích hợp để phát huy, khai thác một cách triệt để ngành “công nghiệp xanh”, đóng góp cho ngân sách tỉnh một cách đúng tầm và bền vững…

Từ cơ sở lý luận, “áp” vào thực tế Bạc Liêu, có thể nói đã qua, tỉnh đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế được thực hiện theo 3 hướng chủ yếu: Chuyển dịch theo ngành hoặc theo khu vực kinh tế, chuyển dịch theo vùng kinh tế (vùng Bắc và vùng Nam có sự hoạch định rõ ràng) và chuyển dịch theo thành phần kinh tế (có cả kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân. Mà việc đầu tư chuyển dịch vào các tập đoàn kinh tế: Việt - Úc, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh, Điện gió…) là một ví dụ cụ thể.

Tái cơ cấu kinh tế là sự cần thiết, khách quan trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Có thể nói, cơ cấu kinh tế đóng vai trò là xương sống, là trụ cột của nền kinh tế. Với cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực hợp lý, gắn kết với nhau cùng phát triển sẽ cùng tạo ra giá trị. Phát triển các ngành, lĩnh vực đặt trong tổng thể cơ cấu vùng và thành phần kinh tế sẽ khai thác, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: Cơ cấu kinh tế vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan. Do đó, bất cứ một định hướng cơ cấu kinh tế nào cùng với thời gian sẽ bị lạc hậu tương đối so với bối cảnh mới, điều kiện mới. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ… thì tính lạc hậu đối với cơ cấu ngành, lĩnh vực kinh tế là vấn đề của thời gian (nói điều này để thấy việc cơ cấu, tái cơ cấu luôn không ngừng và liên tục mới đáp ứng và phát triển).

Trở lại vấn đề cụ thể của Bạc Liêu. Tỉnh xác định năm 2019 là năm cả hệ thống chính trị cùng với cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh phải “chạy nước rút” với quyết tâm hoàn thành mục tiêu “đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp khá trong khu vực ĐBSCL và trung bình khá của cả nước”.

Với quyết tâm chính trị, Bạc Liêu đã huy động toàn lực để tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong số 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu, năm 2018, tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch 19 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 8,3% (tăng cao nhất từ trước đến nay). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng - lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế khu vực dịch vụ đạt mức 10,03% - cao hơn nông nghiệp.

Vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở Bạc Liêu là như thế nào? Có thể kể ra những lĩnh vực cụ thể sau:

Phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo. Tỉnh đã triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu giai đoạn 1; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nhân rộng nhiều mô hình muôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao; tăng cường liên kết, xây dựng 21 cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao trong canh tác lúa - Thực chất đây là việc cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Phát triển công nghiệp, trong đó tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Trong năm, Dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và 2 tiếp tục khai thác có hiệu quả, sản lượng điện cả năm ước đạt gần 257 triệu kWh; giai đoạn 3 của dự án này đã hoàn thành các hồ sơ, thủ tục cần thiết để triển khai trong những tháng đầu năm 2019. Các nhà máy: Điện gió Hòa Bình 1, Đông Hải 1, Đông Hải 2 cũng đã khởi công và chờ khởi công. Đặc biệt, đã hoàn thành việc thu hút đầu tư dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu có công suất 3.072MW, với tổng vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ USD.

Phát triển du lịch: Tỉnh đang quan tâm kêu gọi đầu tư nhiều dự án du lịch ven biển, khu du lịch Nhà Mát, khu du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, tuyến tàu cao tốc du lịch biển TP. Bạc Liêu - Hòn Trứng - Côn Đảo, khu du lịch sinh thái kết nối với tham quan khu Điện gió.

Phát triển thương mại - dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao:  Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới kinh doanh và hệ thống phân phối. Trong năm, tổng mức luân chuyển hàng hóa dịch vụ đạt 53.747 tỷ đồng, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo chất lượng cao, tỉnh tập trung mời gọi đầu tư xã hội hóa các dự án: Trường mầm non và tiểu học chất lượng cao, Trường phổ thông liên cấp song ngữ chất lượng cao và trường phổ thông liên cấp quốc tế trên địa bàn thành phố Bạc Liêu. Để phát triển y tế chất lượng cao, tỉnh tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và triển khai nhiều kỹ thuật mới ở bệnh viện tỉnh và các trung tâm y tế huyện…

Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, tỉnh đã triển khai nhiều dự án quan trọng như: Nâng cấp cải tạo đường biển Đông và hệ thống đê bao, cấp bách chống biến đổi khí hậu, xây dựng hệ thống kè chống sạt lở. Xây dựng Đông Hải trở thành huyện trọng điểm về kinh tế biển, xúc tiến mời gọi đầu tư xây dựng Cảng biển Gành Hào, nâng cấp mở rộng Cảng cá Gành Hào đạt quy mô cảng cá loại I, xây dựng khu neo đậu tránh bão…

 Cùng với những thành tựu kinh tế, Bạc Liêu tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực: khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nói tóm lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực chất là chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng sản phẩm giá trị cao, có tính cạnh tranh và đạt các tiêu chuẩn cho xuất khẩu. Bạc Liêu đã và đang đi theo hướng đó và gặt hái được nhiều thành quả khả quan.

NGUYỄN DUY HOÀNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.