Bạc Liêu thực hiện mục tiêu kép: Vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 15/04/2020 | 15:58

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bà con nông dân. Trong quý 1/2020, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế giảm và không đạt kế hoạch đề ra.

Giảm giá trị và sản lượng

Sơ kết tình hình sản xuất trong quý 1/2020 cho thấy, sản xuất nông nghiệp tuy được duy trì, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ hàng nông, thủy sản giảm khá mạnh. Đặc biệt, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh chỉ đạt 90,39% so với cùng kỳ; giá thu mua tôm nguyên liệu thấp, nông dân không dám thả nuôi mới làm giảm sản lượng tôm nuôi. Thị trường chế biến thủy sản xuất khẩu cũng hoạt động cầm chừng, hàng tồn kho tăng. Cụ thể, mặt hàng con tôm giảm 4,61% so với cùng kỳ, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm từ 20 - 40% do việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và thực hiện cách ly toàn xã hội.

Xuất khẩu giảm đã tác động trực tiếp đến giá trị sản xuất của ngành công nghiệp với tỷ lệ tăng chỉ ở mức 9,52%. Trong khi kế hoạch của năm 2020 là phải tăng 15% (so với năm 2019) để góp phần vào thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Về hoạt động thương mại - dịch vụ, lượng khách hàng mua sắm và tiêu dùng cũng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý 1/2020 chỉ tăng 8,84% (thấp hơn khá nhiều so mức tăng cùng kỳ năm 2019 là 12,82%).

Đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ phục vụ du lịch gần như “đóng băng” vì nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ phải tạm dừng hoạt động để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội. Vì vậy, doanh thu dịch vụ du lịch quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 467 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, doanh thu nhà hàng - khách sạn đạt 148,2 tỷ đồng, giảm 33,54% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch đạt khoảng 552.000 lượt, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó có khoảng 152.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, giảm 53,57% so với cùng kỳ năm 2019).

Những khó khăn từ sản xuất, kinh doanh đã ảnh hưởng đến việc khai thác và phát triển các nguồn thu thuế. Tổng thu ngân sách trong quý 1/2020 chỉ đạt 1.048,14 tỷ đồng, bằng 31,57% dự toán và giảm 5,43% so với cùng kỳ.

Nhiều triển vọng cho tăng trưởng

Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Chính phủ, GDP quý 1/2020 cả nước ước tính tăng 3,82% và đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011 - 2020; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2020 giảm 0,7% so với cùng kỳ; tăng trưởng công nghiệp đạt 5,28%, thấp hơn nhiều so với mức 9% của năm 2019; du khách quốc tế giảm 18,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 2,2% so với cùng kỳ - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó vốn FDI giảm 20,9%).

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, ban hành nhiều giải pháp cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhờ vậy sản xuất cơ bản được duy trì, tăng trưởng tuy ít và không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn giữ được nhịp độ. Thống kê tình hình tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2020 cho thấy, Bạc Liêu vẫn còn là tỉnh có mức tăng trưởng khá ổn định so với cả nước và các tỉnh ở khu vực ĐBSCL.

Nhờ chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó, nhất là giải quyết khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản được duy trì, đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn không bị ảnh hưởng hay thiệt hại lớn. Đối với xuất khẩu tôm, tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với việc ký kết Hiệp định EVFTA nên dự báo trong thời gian tới, sau khi giảm dịch bệnh COVID-19, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu tôm vào thị trường châu Âu và các thị trường truyền thống sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, với việc quyết liệt chỉ đạo và xúc tiến các dự án đầu tư trong, ngoài nước sẽ bổ sung và tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2020, nhất là các dự án xây dựng cơ bản, phát triển điện gió tại địa phương.

Trần Trung

Người tiêu dùng mua hàng tại Hội chợ thương mại tỉnh Bạc Liêu năm 2020. Ảnh: L.D

Để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

* Về sản xuất nông nghiệp

- Hướng dẫn nông, ngư dân tuân thủ quy hoạch sản xuất được phê duyệt, tuân thủ quy trình và khung lịch thời vụ sản xuất của ngành chức năng ban hành để sản xuất có hiệu quả và hạn chế rủi ro. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kịp thời thông tin thị trường và hướng dẫn người dân chủ động trong sản xuất (tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp).

- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay khó xuất khẩu hàng nông sản.

- Xây dựng thêm nhiều cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm và chế biến gạo xuất khẩu. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

* Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, triển khai kịp thời gói hỗ trợ tín dụng theo Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ.

- Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh triển khai Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương. Đẩy mạnh công tác giải quyết hoàn thuế theo quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tập trung hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; hướng dẫn thời điểm đóng kinh phí công đoàn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

- Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất việc giảm tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo Trung ương xem xét, xử lý.

- Sở Công thương xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giảm tiền điện lưu kho hàng hóa của doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp cho thị trường đầu ra sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp.

Kim Trung (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.