Bạc Liêu: Quyết tâm trở thành vùng kinh tế năng động của khu vực và cả nước

Thứ Tư, 29/04/2020 | 15:22

Qua 45 năm thống nhất đất nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. “Khát vọng Bạc Liêu” lại được cả Đảng bộ tỉnh thổi bùng lên với quyết tâm đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh nằm trong tốp khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu tặng quà cho các nhà đầu tư tham gia Dự án điện khí LNG Bạc Liêu. Ảnh: K.T

KHỞI SẮC TỪ NÔNG THÔN ĐẾN THÀNH THỊ

Nhìn lại chặng đường xây dựng và khắc phục hậu quả sau chiến tranh mới thấy hết những nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu. Sau năm 1975, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh gần như chưa có gì, thu nhập chủ yếu của nền kinh tế dựa vào cây lúa với hiệu quả và năng suất thấp, đời sống của phần lớn Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân Bạc Liêu tiếp tục làm nên những cuộc cách mạng mới bằng việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn không ngừng khởi sắc. Đặc biệt, từ năm 1997 khi tỉnh Bạc Liêu được tái lập, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đã phát huy truyền thống chung sức, chung lòng và tiếp tục viết nên những trang sử đáng tự hào. Trong đó, sự phát triển và đột phá trong sản xuất nông nghiệp từ việc chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm từ năm 2020 đã làm cho đồng đất Bạc Liêu “thay da đổi thịt” và tạo nên những tiền đề trong việc hình thành các vùng nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp (CN-BCN) và nay là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.

Nhìn  lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm qua cho thấy, quy mô và chất lượng của nền kinh tế không ngừng phát triển. Đặc biệt, với việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã mang lại những kết quả tích cực, theo chiều hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm đều tăng như: năm 2016 tăng 12,16%, năm 2017 tăng 16,35%...

Riêng năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất từ trước đến nay với 10,61% và xếp thứ 2/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL; GRDP bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người, tăng 16,91% so với năm 2018; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 22.925 tỷ đồng, tăng 27,02% so với năm 2018; sản lượng tôm đạt 155.000 tấn, xếp thứ 2 cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh với 2,92%, kéo tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,38%, xếp thứ 2/13 tỉnh, thành của khu vực ĐBSCL.

Khu nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu. Ảnh: H.T

XÂY DỰNG BẠC LIÊU THÀNH “TRUNG TÂM” VÙNG BÁO ĐẢO CÀ MAU

Với quyết tâm xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm của vùng Bán đảo Cà Mau, trung tâm năng lượng tái tạo, đặc biệt là trung tâm ngành tôm công nghiệp gắn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” ngành tôm của cả nước, Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các kịch bản và tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu tổng quát là: trở thành tỉnh có nền KT-XH phát triển bền vững, mô hình tăng trưởng hiệu quả và giá trị gia tăng cao, cơ cấu kinh tế hợp lý, năng suất lao động cao; nông nghiệp hiện đại, sinh thái, công nghệ cao và quản trị tốt, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, dẫn dắt công nghệ toàn vùng và cả nước về sản xuất tôm công nghệ cao; trở thành trung tâm năng lượng tái tạo và điểm đến hấp dẫn du lịch của khu vực ĐBSCL; kinh tế biển phát triển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng đời sống của người dân; liên kết hiệu quả với các địa phương trong tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL trong phát triển KT-XH và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Song song đó, Bạc Liêu sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là về giao thông, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, kinh tế biển thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, liên kết chuỗi sản xuất - chế biến thực phẩm theo chuẩn quốc tế, công nghệ cao thân thiện môi trường; thương hiệu sản phẩm nổi tiếng; trung tâm công nghệ cao về sản xuất tôm; cùng các tỉnh trong tiểu vùng Bán đảo Cà Mau thành địa bàn chiến lược sản xuất và chế biến tôm tham gia chuỗi toàn cầu.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng tái tạo, điện khí trở thành nguồn đóng góp quan trọng vào mạng lưới điện quốc gia; phát triển các cơ sở sản xuất thiết bị về năng lượng tái tạo cho cả nước; hình thành các điểm đến du lịch chất lượng cao đặc thù vùng miền Tây gắn với đờn ca tài tử. Đặc biệt, sẽ tập trung phát triển kinh tế biển trở thành thế mạnh và là một trụ cột kinh tế chính, mở rộng không gian kinh tế ra biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ngoài ra, tập trung phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trên lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp (sản xuất, chế biến, dịch vụ, thương mại), năng lượng tái tạo (công nghiệp sản xuất thiết bị, sản xuất điện), du lịch, kinh tế biển; thúc đẩy liên kết cùng các địa phương trong tiểu vùng Bán đảo Cà Mau về chiến lược phát triển, quy hoạch, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách tiểu vùng về phát triển KT-XH thích ứng với biến đổi khí hậu; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân…

Để hoàn thành các nhiệm vụ và mục tiêu mang tính đột phá này, Bạc Liêu sẽ không ngừng đổi mới và đẩy mạnh cơ chế chính sách cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); cơ chế chính sách, thể chế mới được ban hành, phải huy động được mọi tiềm năng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện bước chuyển đổi lớn về KT-XH; nâng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài lên 85% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2020.

Tập trung phát triển KT-XH dựa trên 5 trụ cột ưu tiên gồm: nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; phát triển du lịch cao cấp; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nhân lực, giáo dục, y tế gắn bó chặt chẽ với các trụ cột kinh tế ưu tiên…

Đẩy mạnh liên kết với các tỉnh tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ về phát triển hạ tầng, thể chế, quy hoạch, chính sách, đầu tư; phát triển liên kết với vùng, quốc gia về phát triển công nghiệp dựa vào nông nghiệp kết hợp với quy hoạch không gian điều phối và sử dụng nước; khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển hệ thống hạ tầng hiện đại, trên cơ sở liên kết tiểu vùng Bán đảo Cà Mau và ĐBSCL…

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.