Bạc Liêu phát triển kinh tế biển: Khai thác du lịch gắn với an sinh xã hội

Thứ Hai, 20/08/2018 | 16:37

Nói đến phát triển kinh tế biển ở Bạc Liêu, có một lĩnh vực đã và đang được khai thác là phát triển du lịch. Với các điểm và khu du lịch trọng điểm nằm dọc theo tuyến ven biển vốn là lợi thế cho Bạc Liêu phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch và xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong đó, việc gắn kết các dự án động lực với phát triển du lịch sẽ là mô hình mà Bạc Liêu cần quan tâm khai thác tốt.

Khu Quán âm Phật đài - một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan.

NHIỀU MÔ HÌNH DU LỊCH

Có thể khẳng định rằng, vùng ven biển Bạc Liêu có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực… Đơn cử, về du lịch văn hóa tâm linh phải kể đến khu du lịch Quán âm Phật đài (Phật Bà Nam Hải), mỗi năm nơi đây thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong, ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Trong khi đó, nằm trên tuyến này còn có các Lăng Ông Nam Hải ở huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải, là những địa chỉ thường tổ chức các lễ hội dân gian đặc sắc, thu hút đông đảo ngư dân và du khách tham gia. Đặc biệt, trải dài trên 56km bờ biển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn và nhiều loại thủy sản hải phong phú, cũng là mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển các mô hình du lịch sinh thái rừng gắn với nuôi trồng các loại thủy hải sản cho du khách tự khám phá như: bắt nghêu, bắt ốc và tự chế biến thành các món đặc sản. Và nằm sau con đê quốc phòng còn có các vườn chim tư nhân, vườn cây ăn trái, như vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); khu du lịch vườn cây ăn trái ấp Vĩnh Điền (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải); khu du lịch Giồng Nhãn (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu), khu du lịch vườn cây ăn trái (xã Vĩnh Trạch Đông TP. Bạc Liêu)… Gắn với các khu du lịch này còn có các khu vui chơi được đầu tư lớn như khu du lịch biển nhân tạo của Công ty Bảo Toàn Ô tô và các điểm kinh doanh, chế biến thủy hải sản phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với nhiều món ngon như: bánh xèo, lẩu nghêu hấp Thái, cua rang me, sò huyết cháy tỏi, tôm quay, mực hấp… Đây còn là nơi tập trung nhiều điểm du lịch văn hóa hấp dẫn khác đã và đang hình thành như: khu du lịch văn hóa chùa Xiêm Cán của đồng bào dân tộc Khmer gắn với biểu diễn nhạc ngũ âm, Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu, du lịch trải nghiệm theo mô hình homestay của bà con dân tộc Hoa ở khu biển nhãn…

Tuy nhiên, việc khai thác các mô hình du lịch trên còn bỏ ngỏ, tự phát và thiếu sự đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu, được cấp chủ trương đầu tư và cả giấy chứng nhận đầu tư nhưng nhiều dự án đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Cụ thể, từ năm 2008 Bạc Liêu đã có chủ trương giao đất, giao rừng cho 7 công ty, doanh nghiệp và tổ chức tôn giáo nhận khoán quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 2 dự án đang triển khai thực hiện (Dự án khu du lịch sinh thái Nam Hải của doanh nghiệp tư nhân Lý Toản và Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái của Công ty Cổ phần Tập đoàn IBM Land).

Xuất phát từ việc thiếu đầu tư và khai thác các giá trị mang lại từ biển, từ rừng nên du lịch tuyến ven biển tuy có phát triển nhưng khá nghèo nàn, thiếu bài bản và chưa thật sự chuyên nghiệp nên khó níu chân du khách đến lưu trú, xài tiền từ các dịch vụ ăn theo.

Một gia đình sống bằng nghề vớt cua giống trong rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu. Ảnh: L.D

CẦN GIẢI QUYẾT BÀI TOÁN AN CƯ

Từ nay đến năm 2020, tuyến ven biển từ xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu kéo dài qua huyện Hòa Bình đến huyện Đông Hải sẽ mọc lên nhiều công trình điện gió, điện mặt trời và đây được xác định là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, cùng với phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ phải giao đất và rừng cho các doanh nghiệp. Do vậy, một bài toán được đặt ra và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến an ninh, trật tự xã hội vùng ven biển chính là đời sống của hàng trăm hộ dân phải sống như thế nào khi thu nhập của họ lâu nay chỉ biết dựa vào biển, vào rừng? Bởi khu vực khai thác ven bờ như hiện nay, trong tương lai sẽ được các doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo đưa vào vùng cấm, do hệ thống tải điện được xây dựng ở khu vực này. Cũng như để bảo đảm an toàn lưới điện và chủ động phòng chống tai nạn, xâm hại đến công trình điện có giá trị đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra, những người lâu nay chỉ biết sống dựa vào biển, vào rừng và họ xem đây là “nồi cơm” sẽ tạo ra thu nhập từ đâu khi phần lớn đều là lao động chân tay và gần như không được học hành?! Do vậy, cùng với các dự án phát triển kinh tế và du lịch, cần có giải pháp giải quyết tốt bài toán an sinh. Trong đó, cần quan tâm đến việc thành lập các HTX nuôi trồng thủy hải sản, các dịch vụ du lịch và họ phải là những lao động được ưu tiên tuyển dụng. Bởi thực tiễn thời gian qua đã chứng minh, không giải quyết tốt bài toán thu nhập sẽ khó giải quyết dứt điểm và phát huy hiệu quả từ các dự án đầu tư, thậm chí xây dựng khu dân cư tập trung, cấp đất sản xuất với tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng họ vẫn quay lại bám biển, bám rừng, mà dự án WB2 ở huyện Đông Hải đã từng mắc phải. Đó là việc sau khi được cấp đất, cấp nhà xong, họ sang bán hoặc bỏ đi và quay lại với rừng, vì cái họ cần không đơn giản là chỗ ở mà chính là tập quán sản xuất tạo được tiền để nuôi sống cả gia đình. Nhiều gia đình đã bỏ nhà để vào trong rừng phòng hộ tự cất chòi và xem đây là nơi mưu sinh với các công việc như: bắt cua giống, cào nghêu, giăng lưới…

Một vấn đề quan trọng khác, giải quyết tốt bài toán an sinh sẽ góp phần đảm bảo an ninh trật tự vùng biển và chủ động tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo khi chiếm phần đông các hộ sinh sống ở khu vực là đồng bào dân tộc Khmer.

Phát triển kinh tế phải gắn chặt với đảm bảo an sinh là mối quan hệ không thể tách rời cho phát triển bền vững. Vì tăng trưởng kinh tế mà không giải quyết được nhân sinh, tạo được nhân tâm cũng chẳng có ý nghĩa gì. Do vậy, phát triển kinh tế biển ở Bạc Liêu cần những “cú hích” mới để giải quyết tốt bài toán này và đảm bảo cho phát triển ổn định, bền vững, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

LƯ TRUNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.