Bạc Liêu phát triển kinh tế biển: Hạ tầng yếu và thiếu

Thứ Hai, 30/07/2018 | 16:33

Bạc Liêu từ khi có nghị quyết về phát triển kinh tế biển vào năm 1998, đến nay đã gần 20 năm. Thế nhưng, phát triển kinh tế biển mới dừng ở tiềm năng. Trong đó, yếu kém về hạ tầng do thiếu đầu tư và khó thu hút đầu tư là nguyên nhân chính. Không giải quyết tốt bài toán hạ tầng, khó phát triển kinh tế biển trong hiện tại và tương lai là tất yếu.

Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

THIẾU ĐẦU TƯ

Nuôi trồng và khai thác đánh bắt thủy sản được xem là thế mạnh hàng đầu của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này thiếu và chưa được đầu tư, nhiều hạng mục công trình còn xây dựng theo kiểu chấp vá, giải quyết tình thế và thiếu những tầm nhìn mang tính chiến lược. Trong đó, Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) là một minh chứng cụ thể nhất. Cảng cá Gành Hào được đưa vào sử dụng từ năm 2007, với 170 lượt tàu ra, vào cảng/ngày và sản lượng qua cảng 54.000 tấn/năm. Hiện cảng cá đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về vệ sinh môi trường và nhiều doanh nghiệp đã bỏ cảng cá để ra ngoài xây dựng vựa cá mới ở khu vực ven biển thuộc ấp 4 (thị trấn Gành Hào). Việc xây dựng các vựa cá ngay khu vực dân cư không chỉ gây khó cho quá trình vận chuyển hàng hóa, mà còn tác động xấu đến môi trường trong xử lý nước thải, chất thải từ các vựa cá thải ra. Nói về nguyên nhân, bà Thái Ý Nhi (chủ vựa cá Tư Dung, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Sở dĩ các doanh nghiệp thu mua thủy sản di dời ra khỏi Cảng cá Gành Hào vì cảng cá không đáp ứng kịp nhu cầu lên hàng của doanh nghiệp. Do mặt bằng cầu cảng quá nhỏ và hẹp nên chỉ đáp được từ 3 - 4 phương tiện vào lên hàng hóa, còn các phương tiện khác phải nằm chờ, vừa mất thời gian vừa tốn thêm chi phí muối đá. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tốn thêm từ 1 - 2 tỷ đồng để xây dựng thêm vựa mới ngoài cảng để lên hàng”.

Cũng chính bất cập này mà Cảng cá Gành Hào ngày càng khó thu hút các phương tiện vào lên hàng. Điều đáng nói, nhiều tàu đánh bắt của tỉnh sau khi khai thác xong lại đem hàng hóa bán cho các tỉnh khác như: Kiên Giang, Sóc Trăng thay vì bán hàng ở cảng cá.

Phản ánh thực trạng trên để thấy rằng, hạ tầng phục vụ khai thác đánh bắt thủy sản gần như chưa có gì, vì Bạc Liêu có gần 1.150 chiếc tàu khai thác thủy sản, nhưng cả tỉnh chỉ có duy nhất Cảng cá Gành Hào, còn nhiều cửa biển khác như Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đến nay vẫn chưa xây dựng được cảng cá. Trong khi đó, xét về điều kiện tự nhiên, biển Nhà Mát gần với Quốc lộ 1A hơn so với Cảng cá Gành Hào và chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí rất nhiều trong vận chuyển hàng hóa.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, khai thác thủy sản được xếp vào thế mạnh đứng thứ hai sau nuôi trồng, nhưng Bạc Liêu vẫn chưa xây dựng được khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho các tàu cá. Dự án tránh trú bão ở ba cửa biển lớn: Nhà Mát, Cái Cùng và Gành Hào đến nay mới dừng ở dự án và chuẩn bị đầu tư!? Vậy, nếu có bão lớn xảy ra, ngư dân và phương tiện sẽ tránh trú an toàn ở đâu?

YẾU KÉM VỀ GIAO THÔNG

Một khó khăn khác về hạ tầng chính là giao thông. Đến nay, toàn tuyến ven biển chỉ có 2 tuyến giao thông chính là tuyến đê quốc phòng kéo dài từ biển Nhà Mát qua huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải và tuyến thứ hai là tuyến Giá Rai - Gành Hào. Tuy có 2 tuyến đường nhưng thực tế chỉ có một tuyến độc đạo là tuyến Giá Rai - Gành Hào, còn tuyến giao thông ven biển thì xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn bị bong tróc, sụt lún và đến nay cầu giao thông vẫn chưa thông, có đoạn phải sử dụng phà để qua sông và chỉ dành cho xe 2 bánh. Điều đáng quan tâm, không chỉ thiếu về đường giao thông, mà tải trọng cũng hạn chế, như tuyến Giá Rai - Gành Hào tải trọng cho phép chưa đến 10 tấn và gây nhiều khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí và giá thành, nhất là các mặt hàng thủy sản.

Vấn đề đặt ra, nếu khu vực ven biển xảy ra thiên tai hoặc chiến tranh cần phải di dời dân cư đến nơi an toàn, thì với con đường độc đạo này sẽ trở nên quá tải, không đáp ứng được nhu cầu cơ động, cứu nạn, cứu hộ và cả quá trình binh vận.

Đó là các tuyến giao thông chính, còn các tuyến giao thông ở các khu dân cư ven biển thì sao? Phải thừa nhận rằng, nhiều khu dân cư hiện nay hạ tầng giao thông gần như chưa có gì. Riêng 3 xã của huyện Đông Hải gồm: Long Điền Đông, Long Điền Đông A và Long Điền Tây đến nay vẫn chưa có đường ô tô lưu thông đến trung tâm xã. Còn đường giao thông ngõ xóm của toàn huyện chỉ mới đạt 65% và không đạt chuẩn theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải quy định.

Từ những bất cập trên cho thấy, đây chính là những lực cản làm cho kinh tế biển chưa thể phát huy và sẽ khó khơi dậy được các tiềm năng khi hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đi trước một bước.

CẦN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ

Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải: “Đông Hải được xem là địa phương có điều kiện để phát triển mạnh về kinh tế biển, nhưng đến nay vẫn thiếu những dự án động lực cho huyện phát triển. Nguyên nhân khó thu hút đầu tư chính là những hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Điều này kéo theo gây khó cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến nay, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là chính và chưa xây dựng được những mô hình sản xuất hàng hóa lớn”.

Để khắc phục những khó khăn trên, giải quyết tốt bài toán hạ tầng, cùng với tranh thủ sự đầu tư từ Trung ương và tỉnh nhằm đưa huyện trở thành địa phương trọng điểm phát triển mạnh về kinh tế biển, Đông Hải sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư và kiến nghị tỉnh ưu tiên cho các dự án động lực như: mở rộng Cảng cá Gành Hào, xây dựng Cảng biển Gành Hào, xây dựng Điện gió theo tuyến bãi bồi ven biển, Dự án xây dựng mới tuyến đường Gành Hào - Hộ Phòng, khu neo đậu tránh trú bão Gành Hào…

Xây dựng lộ giao thông ở huyện Đông Hải. Ảnh: L.D

Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phát triển đường giao thông, điện gió, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, các khu du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, xây dựng các khu dân cư mới, nhà máy xử lý rác, nước thải, cấp nước, các dự án về cảng biển, nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tăng cường huy động vốn đầu tư hợp pháp từ các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, nước ngoài; tích cực tranh thủ các nguồn vốn ODA; đồng thời khai thác quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để tạo nguồn lực đầu tư phát triển và sẽ mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình quan trọng…

LƯ TRUNG

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.