Bạc Liêu phát triển kinh tế biển: Cần tái cơ cấu mô hình tăng trưởng

Thứ Hai, 06/08/2018 | 15:38

Có một thực tế phải thừa nhận rằng: Phát triển kinh tế biển ở Bạc Liêu thời gian qua thiếu và yếu về chiều sâu. Do vậy, các tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác tốt, thậm chí gây lãng phí và để lại những hậu quả nặng nề cho phát triển bền vững.

Đóng gói tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững (TX. Giá Rai). Ảnh: L.D

GIÁ TRỊ CHƯA PHÁT HUY

Một trong những khó khăn trong phát triển kinh tế biển lâu nay chính là chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất. Việc tổ chức sản xuất của nông - ngư dân gần như tự phát. Đó là chuyện mạnh ai nấy làm và chưa hình thành nên những liên kết bền chặt. Đơn cử như trong sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản cho tổng sản lượng hơn 300.000 tấn/năm, nhưng sản lượng chế biến thủy sản xuất khẩu chẳng được là bao. Cụ thể năm 2017, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt hơn 322.650 tấn. Trong đó, con tôm chiếm 129.745 tấn, nhưng sản lượng tôm chế biến xuất khẩu cả năm 2017 chỉ có khoảng 68.000 tấn và cho kim ngạch xuất khẩu trên 530 triệu USD. Vậy, còn gần 50% sản lượng tôm chạy đi đâu? Trong điều kiện các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh luôn than thiếu nguồn tôm nguyên liệu!?

Vấn đề đặt ra, nếu số tôm nguyên liệu trên được tập trung chế biến tại các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, thì kim ngạch xuất khẩu không dừng ở con số 530 triệu USD mà là hơn 100 triệu USD. Đó là chưa nói đến mặt hàng thủy hải sản khác mang lại từ biển vẫn chưa được khai thác chế biến sâu và đến nay xuất thô vẫn là chính. Như mặt hàng cá đù chẽm, lâu nay Bạc Liêu chỉ chế biến thô rồi xuất sang các tỉnh, thành khác và các tỉnh, thành này lại chế biến, đóng gói xuất thẳng sang Trung Quốc, Đài Loan. Hay đối với con cá lạt, cá chim và cả con mực… cũng thế. Trong khi đó, mỗi năm biển Bạc Liêu ngư dân khai thác cá và các loại thủy sản khác hơn 192.900 tấn. Bất cập trên cho thấy, nguồn lợi từ biển và khai thác giá trị tăng thêm từ các mặt hàng này đã bị bỏ quên!? Ngoài con tôm được chế biến xuất khẩu, các loại thủy sản khác mang lại từ biển nếu được đóng gói và chế biến thành các mặt hàng ăn nhanh, hay các mặt hàng giá trị gia tăng thì chắc chắn ngư dân và cả doanh nghiệp của tỉnh sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ. Nhiều tỉnh, thành phố khác của khu vực ĐBSCL đã thành công với việc khai thác và phát huy hiệu quả từ nguồn lợi sẵn có. Như con cá tra của tỉnh An Giang đến nay được chế biến gần 10 mặt hàng: ngoài cá tra phi-lê xuất khẩu còn có công nghệ sản xuất dầu cá chất lượng cao, lườn cá, vây cá, đầu cá, chả cá và cả da cá… được chế biến thành các mặt hàng ăn nhanh giúp An Giang khai thác gần như triệt để từ con cá tra và không có phần nào của con cá bị bỏ đi. Biển Bạc Liêu với hơn 660 loài thủy sản cho giá trị kinh tế cao và sản lượng dồi dào có thể khai thác gần như quanh năm, Bạc Liêu sẽ chọn mặt hàng nào để phát huy, thay vì chỉ xuất bán thô như lâu nay?

Vận chuyển thủy sản tại Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: L.D

CẦN LÀM GÌ?

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trên, một trong những giải pháp cần được các ngành, các địa phương quan tâm là tổ chức và quy hoạch lại sản xuất. Bởi, chỉ có tập trung làm tốt giải pháp này mới có thể phát huy được các nguồn lợi và khơi dậy các tiềm năng vốn có.

Như trong chế biến thủy sản xuất khẩu, cần quy hoạch, tổ chức lại ngành hàng và khuyến khích phát triển hàng hóa chế biến sâu. Vì lâu nay Bạc Liêu chỉ quan tâm đến phát triển theo chiều rộng là chính. Cụ thể từ năm 2010, Bạc Liêu đã báo động về tình trạng xây dựng nhà máy chế biến tôm xuất khẩu quá nhanh và không khuyến khích phát triển thêm nhà máy chế biến, thậm chí cấm xây dựng thêm nhà máy gần các khu dân cư để tránh gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, số nhà máy chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyến Quốc lộ 1A mọc lên ngày càng nhiều, tạo nên những áp lực trong việc tranh mua giành bán. Đặc biệt là các nhà máy đặt sát tuyến sông Bạc Liêu thường hay lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường và không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đúng chuẩn.

Ông H.V.B, Giám đốc một công ty chế biến xuất khẩu thủy sản ở TX. Giá Rai cho biết: “Do có quá nhiều nhà máy nên doanh nghiệp không đủ tôm nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Các doanh nghiệp chỉ hoạt động khoảng 40% công suất thiết kế. Việc làm này không chỉ gây lãng phí và chưa phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, mà còn đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, vì phần lớn các doanh nghiệp đều dựa vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng”.

Vấn đề đáng quan tâm hơn, nhiều nhà máy và công ty chế biến tôm xuất khẩu mọc lên nhưng chiếm phần lớn chỉ là chế biến tôm đông và cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Do vậy, giá trị và kim ngạch xuất khẩu mang lại không nhiều, gây lãng phí nguồn lợi và tạo thêm nhiều áp lực về xử lý môi trường trong tương lai, làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững khi hàng ngàn hộ nông dân phải lấy nước nuôi tôm trực tiếp từ sông Bạc Liêu.

Không chỉ có chế biến xuất khẩu, mà ngay cả việc nuôi tôm cũng cần khẩn trương tổ chức lại sản xuất, nhất là khuyến khích nông dân vào sản xuất tập trung thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm sản xuất ra hàng hóa lớn. Bà Âu Ngọc Vững, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất khẩu Âu Vững (TX. Giá Rai), cho rằng: “Cái khó trong việc liên kết sản xuất với nông dân hiện nay chính là nông dân còn duy trì hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và chưa sản xuất hàng hóa lớn. Như việc doanh nghiệp không thể điều xe đông lạnh cả chục tấn chỉ vì đợi nông dân thu hoạch vài trăm ki-lô-gam tôm”.

Hay trong hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản cũng cần tổ chức lại sản xuất bằng việc khuyến khích ngư dân tham gia các tổ hợp tác, vì toàn tỉnh đến nay chỉ có 49 tổ khai thác trên biển, chiếm khoảng 29% tổng số phương tiện khai thác của tỉnh. Trong khi đó, liên kết sản xuất và tham gia các tổ hợp tác khai thác trên biển sẽ giúp ngư dân giảm chi phí đầu tư, đánh bắt được dài ngày và cả làm tốt việc cứu nạn, cứu hộ, y tế trên biển…

Với thực trạng trong phát triển kinh tế biển như hiện nay, việc tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng theo chiều sâu cần được quan tâm. Giải quyết tốt bài toán này không chỉ giúp Bạc Liêu khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế vốn có, mà còn chủ động xây dựng một kịch bản cho Bạc Liêu hướng thẳng ra đại dương, làm giàu từ đại đương và phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, đây cũng là nhu cầu tất yếu để góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Bạc Liêu phát triển mạnh về kinh tế biển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

LƯ TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.