Khoa học - Công nghệ

Thực hiện Chỉ thị số 22: Đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng đặc biệt của khoa học - công nghệ

Thứ Hai, 07/04/2014 | 17:24

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chiến lược phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) đến năm 2020 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 22 về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ông Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh, cho biết:

Đóng gói chế phẩm vi sinh tại Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (TP. Bạc Liêu). Ảnh: K.T

Để thực hiện Chỉ thị số 22 và Kế hoạch số 47 của UBND tỉnh, Sở KH-CN sẽ nghiên cứu, đề xuất và ban hành các văn bản về đổi mới đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN như: Xây dựng quy chế quản lý chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ và đề án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Bên cạnh đó, đầu tư và tập trung vào khai thác, nghiên cứu các tiềm năng thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp như: Chọn tạo giống lúa, giống nhãn, cây trồng, vật nuôi… có năng suất và chất lượng cao; chuyển giao quy trình sản xuất giống thủy sản có giá trị cao như tôm càng xanh, cá chẽm, cá chình, nghêu, sò huyết; xây dựng đề án phát triển sản xuất nấm ăn, đề án xây dựng cánh đồng muối chất lượng cao...

Song song đó, tăng cường tiềm lực KH-CN như đầu tư xây dựng khu công nghệ sinh học; xây dựng đề án tăng cường tiềm lực cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN. Ngoài ra, còn thành lập mới 3 tổ chức hoạt động KH-CN và đẩy mạnh hợp tác quốc tế như: Xây dựng chương trình hợp tác về KH-CN với Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và môi trường.

PV: Một trong những yêu cầu đặt ra cho ngành KH-CN tỉnh đến năm 2015 là cùng với đẩy mạnh sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học, Bạc Liêu phải đứng trong tốp đầu của vùng về sản xuất chế phẩm sinh học. Xin ông đánh giá về năng lực sản xuất chế phẩm sinh học của tỉnh hiện nay và nhu cầu của thị trường trong việc sử dụng chế phẩm này?

Ông Huỳnh Minh Hoàng: Đây thật sự là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để ngành công nghệ sinh học còn non trẻ của tỉnh phát triển theo hướng bền vững và hiện đại. Với cơ sở vật chất và bề dày kinh nghiệm của 2 đơn vị đang sản xuất các chế phẩm sinh học chủ lực tại địa phương, chúng tôi có thể khẳng định: yêu cầu của UBND tỉnh đến năm 2015, Bạc Liêu sẽ đứng tốp đầu trong vùng về sản xuất chế phẩm sinh học là có cơ sở và hoàn toàn khả thi.

Đơn vị đầu tiên mà chúng tôi nói đến là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Bạc Liêu. Sản phẩm sinh học chủ lực mà đơn vị này sản xuất có chế phẩm EM chất lượng cao, được sản xuất trên dây chuyền khép kín, tức là từ gốc đến thương phẩm, giống đạt chuẩn cấp quốc gia. Công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản thông qua Bộ KH-CN từ năm 2000. Mỗi năm, đơn vị này cung cấp cho thị trường 30.000 lít EMS, 2.500 tấn Bokashi và ESH6.

Đơn vị thứ hai là Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh (TP. Bạc Liêu). Đây là đơn vị có dây chuyền sản xuất vi sinh hiện đại, đã phân lập, tuyển chọn được những chủng giống vi sinh vật có hoạt tính cao, tính kháng khuẩn mà không nhập giống từ nước ngoài. Ngược lại, đơn vị này còn cạnh tranh được với các công ty và tập đoàn nước ngoài trong cùng lĩnh vực; năng lực sản xuất đạt sản lượng 600.000 tấn/năm.

Hiện nay, chế phẩm sinh học của hai đơn vị trên đang có ưu thế, chiếm thị phần trong tỉnh 6%, phấn đấu năm 2015 đạt 10%. Hiện có trên 5.000 hộ sử dụng chế phẩm sinh học của hai đơn vị này, tập trung ở các huyện Đông Hải, Giá Rai, Hòa Bình và các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Năm 2015, Sở KH-CN sẽ tiếp nhận 2 công nghệ mới là sản xuất nấm xanh trừ rầy nâu trên lúa, sản xuất Fito Biomix xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ.

PV: Để đưa KH-CN vào phục vụ sản xuất, đời sống và thật sự trở thành động lực phát triển xã hội, ngành KH-CN tỉnh sẽ tập trung vào giải pháp nào?

Ông Huỳnh Minh Hoàng: Vấn đề này đã được Chính phủ, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành đặc biệt quan tâm. Theo tôi, để đưa KH-CN vào sản xuất và đời sống thì phải tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của KH-CN phục vụ sự nghiệp xây dựng CNH-HĐH, làm cho KH-CN thật sự là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của người dân về KH-CN, nhằm đưa việc ứng dụng các thành tựu KH-CN trở thành nhu cầu tự thân và phổ biến trong sản xuất và đời sống xã hội trên các lĩnh vực, thông qua các hình thức: phát động “Ngày KH-CN”, “Ngày Sở hữu trí tuệ”, “Ngày Đo lường”… với những cuộc nói chuyện, chiếu phim, triển lãm, hội thảo và các hoạt động khác có liên quan đến KH-CN. Ngoài ra, xây dựng hệ thống các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ làm cầu nối giữa khoa học với sản xuất, phục vụ việc tạo lập và phát triển thị trường KH-CN.

Đổi mới cách tiếp cận, quản lý KH-CN để người dân tham gia, hội nhập với hoạt động KH-CN. Đó là trang bị các kiến thức về kỹ thuật cơ bản, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả để tăng năng suất, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, sẽ nâng trình độ của người dân, đồng thời sẽ nhận được những nhu cầu thiết thực của người dân đối với hoạt động KH-CN. Tóm lại, “khoa học từ sản xuất mà ra, khoa học phải phục vụ sản xuất”

PV: Xin cảm ơn ông!

Tú Anh - Hùng Cường

(thực hiện)

Triển khai văn bản pháp luật về KH-CN

(BL-LD) Sơ KH-CN vừa tổ chức hội nghị triển khai văn bản pháp luật khoa học và công nghệ (KH-CN) năm 2013. Trên 80 đại biểu tham dự.

Luật KH-CN năm 2000 được ban hành cách đây 13 năm. Khi đó, Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO. Luật KH-CN năm 2000 đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành…

Do vậy, Luật KH-CN năm 2000 cần được sửa đổi, bổ sung để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KH-CN…

Việc ban hành Luật KH-CN năm 2013 là rất cần thiết, nhằm tiếp tục khẳng định phát triển KH-CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững; khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Đồng thời phát huy và tận dụng mọi cơ hội trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực KH-CN, đáp ứng mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020...

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.