Khoa học - Công nghệ

PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS: Góp phần khai thác tiềm năng và lợi thế trong hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 11/10/2013 | 18:05

Theo nhận định của các nhà kinh tế, Bạc Liêu là địa phương có nhiều điều kiện phát triển ngành logistics. Trong đó, cảng Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) là nơi thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics của tỉnh, qua đó mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm logistics khu vực.

Cơ hội phát triển logistics ở Bạc Liêu

Điều 233 Luật Thương mại nói rằng: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Ngày nay, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho các công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Ở tầm vĩ mô, logistics giúp tối ưu hóa quá trình phân phối, vận chuyển, dự trữ các nguồn lực, giúp các quốc gia phát triển bền vững. Ở tầm vi mô, logistics đóng vai trò trong việc hóa giải các bài toán đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp một cách có hiệu quả.

Vận chuyển nguyên liệu thủy sản tại cảng Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: Tú Anh

Hiện nay, nền kinh tế của Bạc Liêu đã có những bước tiến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế so với tiềm năng, nguồn lực và vị trí. Trong cơ cấu GDP của tỉnh năm 2012, nông - lâm - thủy sản còn chiếm tỷ trọng cao với mức trên 51%, dịch vụ chỉ chiếm khoảng 17%. Logistics được coi là ngành “dịch vụ cơ sở hạ tầng” của nền kinh tế, không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với Bạc Liêu, nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP, mà còn có vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế vì chính nguồn doanh thu từ ngành này thường chiếm từ 15-20% GDP ở các nước (ở Việt Nam lên tới 25-30%). Đây là một nguồn thu lớn và là cơ hội cho ngành logistics Bạc Liêu. Bạc Liêu được đánh giá là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành logistics. Bởi về mặt địa lý, Bạc Liêu có bờ biển 56km, có cảng Gành Hào nhiều tiềm năng, lại nằm trong vùng ĐBSCL - vùng tiêu thụ hàng hóa dịch vụ lớn và là nơi cung cấp trên 50% sản lượng lúa, thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, năm 2013 là năm tự do hóa hoàn toàn dịch vụ logistics trong ASEAN, năm 2014 trong WTO, Bạc Liêu sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với các thành tựu KH-CN mới nhất, phương thức quản lý tiên tiến, cũng như tiếp cận các thị trường logistics rộng lớn trong khu vực và trên thế giới với các ưu đãi thương mại cho sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, hoạt động logistics ở Bạc Liêu bước đầu cũng đã thu hút được sự quan tâm của các cấp quản lý ở Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp.

Để logistics phát triển

Hệ thống khuôn khổ pháp lý ở nước ta và Bạc Liêu hiện nay về logistics vẫn còn nhiều bất cập như: chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể về phát triển logistics các cấp quốc gia và cấp tỉnh; hệ thống văn bản, chính sách về logistics vẫn còn thiếu và yếu ở cả cấp quản lý Nhà nước và địa phương; đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho hoạt động logistics cả hạ tầng “phần cứng” và hạ tầng “phần mềm” còn yếu (cụ thể là chưa có khu trung chuyển hàng hóa, các trung tâm logistics ở các đầu mối; cảng Gành Hào, cảng thủy sản, chất lượng của các tuyến đường tỉnh và quốc lộ còn hạn chế; mạng lưới giao thông còn ít các tuyến giao thông đối ngoại với các tỉnh và khu vực; chưa có các trung tâm logistics quy mô để kết nối các loại phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp logistics ở Bạc Liêu hiện chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ và tập trung ở thị trường nội địa; nguồn nhân lực về logistics thiếu và chưa được đào tạo bài bản…). Những bất cập, tồn tại trên là do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Nhận thức về vai trò, vị trí của logistics trong các cấp, các ngành còn chưa đầy đủ; khó khăn vướng mắc liên quan đến sự yếu kém và thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics về giao thông, cảng biển, các trung tâm logistics, cảng cạn, các cơ sở logisitcs trên các tuyến giao thông; việc định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, hiệp hội đối với hoạt động logistics của Bạc Liêu chưa có…

Để phát triển dịch vụ logistics, theo chúng tôi, trước tiên là cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của logistics trong nền kinh tế của Bạc Liêu. Hiện nay, ngành logistic ở Bạc Liêu còn non trẻ, hiểu biết về lĩnh vực này của đại đa số cán bộ và người dân vẫn còn hạn chế. Việc nâng cao nhận thức về logistics của đội ngũ cán bộ quản lý các ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Bạc Liêu phát triển, khai thác lợi thế của tỉnh ở vùng ĐBSCL và giúp chủ các doanh nghiệp hóa giải các bài toán đầu vào, đầu ra trong sản xuất, kinh doanh một cách tối ưu, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, để phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bạc Liêu trong khu vực, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm và nâng mức ủng hộ, tạo môi trường, điều kiện cho phát triển logistics ở Bạc Liêu nhiều hơn. Song song đó, cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng Gành Hào có quy mô khu vực và có tầm nhìn dài hạn 20 năm, 30 năm tới, đồng thời đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ ở Bạc Liêu. Cần sớm xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logictics của tỉnh Bạc Liêu: xây dựng trung tâm logistics cảng Gành Hào, các cảng thủy sản và trung tâm logistics kết nối khu vực cảng Gành Hào với TP. Bạc Liêu, Cần Thơ, các tỉnh trong khu vực theo hướng logistics xanh, vận tải đa phương thức trên địa bàn - đó sẽ là trung tâm logistics của cả khu vực các tỉnh cực Nam Tổ quốc sau này; đầu tư phát triển hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và cùng các tuyến đường đối ngoại, các tuyến luồng, đặc biệt các kênh dọc như Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau, tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển ngành logistics, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động logistics cũng là một trong những việc quan trọng cần làm. Khi thông tin thông suốt sẽ giúp các doanh nghiệp nhanh chóng cập nhật các phương tiện, hàng hóa được vận chuyển giữa các bên liên quan, kịp thời triển khai các dịch vụ như tổ chức xếp dỡ và giao hàng cũng như giải phóng phương tiện vận chuyển, từ đó hạn chế tối đa các chi phí phát sinh và chi phí không chính thức khác.

Phát triển hệ thống logistics nói chung và các dịch vụ logistics nói riêng phải gắn với hội nhập và liên kết trong vùng kinh tế trọng điểm và ưu tiên phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp logistics. Từ thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng logistics phục vụ phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics đến việc khai thác, sử dụng dịch vụ logistics đều phải được xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp, đặt trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế và trong toàn hệ thống logistics của khu vực ASEAN và thế giới. Bên cạnh tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết với các đối tác trong khu vực, tỉnh cần ưu tiên phát triển nhiều loại hình doanh nghiệp logistics cũng như có giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp logistics chủ động củng cố nội lực, khắc phục những yếu kém nội tại và tăng cường liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng cần tích cực nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và các nước có nền công nghiệp logistics phát triển. Trong giai đoạn đầu phát triển của ngành logistics, việc nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các nước có nền công nghiệp logistics phát triển là rất cần thiết. Các vấn đề về logistics cần được quan tâm, tập trung nghiên cứu hiện nay là: Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống logistics ở Bạc Liêu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; Phát triển cơ sở hạ tầng logistics của Bạc Liêu trong vùng ĐBSCL; Phát triển dịch vụ logistics ở cảng Gành Hào nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh ở cực nam Tổ quốc; Chính sách phát triển hệ thống logistics ở Bạc Liêu trong bối cảnh mở cửa thị trường dịch vụ logistics ASEAN; Dịch vụ logistics trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại kinh tế ở tỉnh Bạc Liêu ...

GS.TS Đặng Đình Đào - TS. Huỳnh Minh Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.