Khoa học - Công nghệ

Để khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Hai, 17/03/2014 | 17:36

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) và Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) đến năm 2020 của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 22-CT-TU về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Theo đó, việc tập trung nâng cao hàm lượng chất xám và KH-CN cho hàng nông, thủy sản Bạc Liêu được xem là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 22.

Nhiều đề tài, dự án cho nông nghiệp

Với thế mạnh của một tỉnh thuần nông, Bạc Liêu xác định từ nay đến năm 2020 kinh tế chủ yếu của địa phương vẫn là sản xuất nông nghiaệp. Vì vậy, trong những năm qua, Sở KH-CN đã tập trung triển khai nhiều công trình nghiên cứu phục vụ sản xuất nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản với mục tiêu là không ngừng nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng và hướng đến xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư máy phân cỡ tôm để góp phần nâng cao năng suất và giảm lao động phổ thông. Ảnh: Lâm Hỷ

Đến năm 2015, phấn đấu chọn tạo từ 3 - 5 giống cây trồng mới, trong đó có 2 - 3 giống lúa chủ lực, chất lượng cao để đưa vào sản xuất; đẩy mạnh sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học, đứng top đầu trong vùng về sản xuất chế phẩm sinh học...

Đến năm 2015, thành lập ít nhất 10 tổ chức KH-CN, dịch vụ công ở cấp tỉnh và cấp huyện. Trước hết ưu tiên tăng cường đầu tư tiềm lực cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Trung tâm Kỹ thuật đo lường - chất lượng. Mỗi năm có ít nhất 2 doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH-CN; đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp KH-CN; hình thành 1 - 2 vùng, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đến năm 2020, hoạt động KH-CN phấn đấu đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố năng suất tổng hợp, giá trị sản phẩm công nghệ cao đạt 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị giao dịch của thị trường KH-CN tăng 10%/năm. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực: gạo, tôm, cá, muối, nấm, yến sào... Xây dựng ít nhất 3 sản phẩm chủ lực của địa phương mang thương hiệu Việt Nam và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 100% các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học đạt 10 người/vạn dân; số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ tăng 10%/năm; 100% cán bộ quản lý doanh nghiệp được đào tạo về quản lý công nghệ.

Tổng mức đầu tư xã hội cho KH-CN đạt 1,5% GDP của tỉnh vào năm 2015, phấn đấu đạt 2% vào năm 2020 và 3% vào năm 2030. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho KH-CN đảm bảo tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách.

K.T

(Trích nguồn UBND tỉnh)

Năm 2013, Sở KH-CN đã tổ chức xét duyệt nhiều đề tài, dự án và chuyển giao nhiều mô hình sản xuất mới cho nông dân. Qua đó, giúp bà con khắc phục kịp thời những khó khăn, bất lợi trong sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng, lợi thế gắn với điều kiện đặc thù của từng địa phương, giải quyết nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập và góp phần khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước...

Đơn cử là các đề tài, dự án: Nghiên cứu quy trình sản xuất, xử lý sau thu hoạch và xây dựng thương hiệu rau cần nước an toàn tại huyện Phước Long; Xây dựng mô hình luân canh tôm sú - lúa có sử dụng chế phẩm sinh học ở vùng chuyển đổi Bắc Quốc lộ 1A; Nghiên cứu và phát triển giống nhãn mới tại khu vực Giồng Nhãn (TP. Bạc Liêu); Xây dựng mô hình sản xuất nhân tạo nghêu giống ở Bạc Liêu; Thực nghiệm mô hình sản xuất 2 vụ lúa - 1 vụ tôm trong vùng lúa - tôm có độ mặn từ 4 - 60/00 ở huyện Hồng Dân; Xây dựng mô hình lúa - tôm trong ô đê bao khép kín ở huyện Giá Rai; Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trừ rầy nâu hại lúa tại Bạc Liêu... Bước đầu, nhiều đề tài, dự án đã phát huy được hiệu quả và đang được bổ sung để nhân rộng trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển KH-CN

Để việc hoàn thành mục tiêu “đẩy mạnh phát triển KH-CN, làm cho KH-CN thật sự là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sự cạnh tranh của nền kinh tế...” đối với một tỉnh nông nghiệp như Bạc Liêu là chuyện không phải dễ. Bởi, nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn và sự đầu tư cho KH-CN thời gian qua chưa nhiều. Thực tế trong nhiều năm qua, đầu tư ngân sách cho KH-CN của địa phương còn thấp, chưa đến 1% tổng chi ngân sách của tỉnh.

Mặc dù ai cũng biết, muốn nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của hàng nông, thủy sản thì KH-CN phải đi trước một bước. Bài học kinh nghiệm này đã được chứng minh ở nhiều quốc gia và những địa phương đứng hàng đầu về xuất khẩu nông, thủy sản. Vì cùng với điều kiện thổ nhưỡng, lợi thế về sản lượng, còn phải tính đến chất lượng, thương hiệu cho hàng nông, thủy sản.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn thiếu những cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư KH-CN cho sản xuất để làm giảm giá thành, tạo ra nhiều mặt hàng giá trị gia tăng, cho giá trị kinh tế cao. Cộng thêm, việc phối hợp giữa các ngành, địa phương và cơ quan quản lý nhiều lúc chưa nhịp nhàng nên một số đề tài, dự án chưa có tác động nhiều đến đời sống, kinh tế - xã hội, khó phát triển và nhân rộng. Mặt khác chưa đánh trúng cái nông dân cần, còn thực hiện đơn lẻ, nên mức độ ảnh hưởng chưa rộng. Việc nghiên cứu mới chỉ tập trung giải quyết khó khăn ở phạm vi nhỏ như: dịch bệnh, độ mặn cao, năng suất... chứ chưa thể nhân rộng cho cả vùng. Đây cũng là lý do dẫn đến việc có nhiều đề tài, dự án với hàng loạt các mô hình sản xuất mới nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất thiếu tập trung, không tạo ra lượng hàng hóa lớn...

Để KH-CN thật sự trở thành động lực, cùng với ưu tiên đầu tư vốn, tăng cường trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, cũng cần làm tốt hơn công tác phối hợp. Theo Tiến sĩ Huỳnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN: “Trong quá trình triển khai nhiệm vụ KH-CN, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm lựa chọn những đề tài cần thiết để thực hiện trước. Xây dựng dự án cụ thể, chi tiết khi đề nghị hỗ trợ và lựa chọn chính xác đơn vị được hỗ trợ nhằm đạt hiệu quả cao. Trước khi thực hiện các đề tài KH-CN về sản xuất, chế biến nông sản, các ngành cần phối hợp xem xét, nghiên cứu về thị trường tiêu thụ và môi trường nhằm phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả các mô hình trình diễn. Qua đó, giúp người dân nắm bắt được lợi ích thiết thực để nhân rộng”.

KIẾT TƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.