Hương vị quê nhà

Từ biển tiền, núi vàng... đến nhà bạc!

Thứ Sáu, 19/04/2013 | 19:32

Có một mối quan hệ khá ngẫu nhiên về địa danh khi gắn kết doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với vùng đất khai hoang ven biển ở Ninh Bình và Bạc Liêu - 2 tỉnh ở 2 miền Bắc - Nam cách xa nhau hàng ngàn cây số.

Khi làm quan, Nguyễn Công Trứ đầu tiên khai hoang lập ấp ở tỉnh Thái Bình và lập ra huyện Tiền Hải. “Tiền Hải” có nghĩa là “trước biển” nhưng ở một góc độ liên quan đến việc đánh giá tiềm năng, tài sản thì “Tiền Hải” ở đây có nghĩa là… “biển tiền”. Sở dĩ có cách suy diễn như thế vì sau đó ông Nguyễn Công Trứ đã đến Ninh Bình và lại… khai hoang, lấn biển lập nên huyện Kim Sơn. Và “Kim Sơn” với nghĩa là “núi vàng” thì thật là đối xứng với “biển tiền” nêu trên. Đó là 2 huyện mà khi làm quan, Nguyễn Công Trứ đã có công lớn trong việc khai hoang, lấn biển, di dân lập ấp.

Với công lớn như thế, ông đã được nhân dân lập đền sinh từ (1852), có nghĩa là lập đền thờ khi ông còn sống. Đền thờ này được xây dựng tại xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, trước đây vốn là nhà của ông ở khi làm việc tại đây. Một thời gian sau khi ông mất, vào năm 1882, đền được tu sửa lần thứ nhất và đổi tên từ Sinh Từ thành Truy Tư Từ. Năm 1992, đền thờ Nguyễn Công Trứ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Bạc Liêu vốn là vùng đất hoang hóa ven biển, về lịch sử chưa rõ ông Nguyễn Công Trứ có đến đây để làm công việc khai hoang lập ấp nêu trên hay không (nhưng đối với ông Nguyễn Tri Phương thì có - thành lập đồn điền để binh lính khai phá, trồng trọt) nhưng dân gian cũng đã thờ phụng ông Nguyễn Công Trứ, tiêu biểu là thờ ông tại đình An Trạch (phường 5, TP. Bạc Liêu). Với “gốc gác” cũng là vùng đất hoang hóa được khai phá và được dân các nơi đến sinh cơ lập nghiệp, Bạc Liêu dù về mặt địa danh được giải thích với nhiều cách khác nhau, vẫn có thể gọi theo cách nôm na nhất là “Nhà Bạc” và dân gian hay gọi là “Đất Bạc” (bạc ở đây không có nghĩa bạc bẽo mà là kim loại bạc; liêu là ngôi nhà nhỏ).

Như vậy là về mặt ngôn ngữ đối với vùng đất mới khai phá, có sự tương đồng giữa 3 địa danh: Tiền Hải, Kim Sơn, Bạc Liêu (2 địa danh là tên huyện, 1 địa danh là tên tỉnh và thành phố) - biển tiền, núi vàng, nhà bạc. Cả 3 địa danh đều thể hiện sự phong phú về tiềm năng thiên nhiên để trên cơ sở đó, với bàn tay lao động của con người sẽ biến thành tài sản quý giá.

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.