Hương vị quê nhà

Thành Hoàng ở Bạc Liêu!

Thứ Sáu, 29/03/2013 | 20:19

Thành Hoàng là vị thần được thờ ở các đình làng. Một đặc điểm của các đình làng ở Nam bộ nói chung, ở Bạc Liêu nói riêng là Thành Hoàng đều là phúc thần, nghĩa là các vị thần này được tôn kính vì có đạo đức, công trạng tốt.

Có sự giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng dân cư (chủ yếu là Việt, Khmer, Hoa), tín ngưỡng dân gian nên không chỉ ở đình mà ở một số miếu cũng có thờ Thành Hoàng và trong các đối tượng được thờ, ngoài Thành Hoàng, còn thờ cả Bà Chúa Xứ, Quan Công, thần Hổ, thần Đá (Ông Tà)…

Có nơi gọi nhầm “Thành Hoàng” thành “Thần Hoàng” (miếu Thần Hoàng - còn gọi là miếu Đá Trắng, phường 7; và miếu Thần Hoàng, đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP. Bạc Liêu). Nếu gọi cho đủ thì gọi “thần Thành Hoàng”. Sở dĩ biết là nhầm vì chữ Hán viết đúng là “Thành Hoàng” nhưng viết ra chữ quốc ngữ (cũng trên biển đề) thì lại thành “Thần Hoàng”.

Hầu như là toàn bộ thần Thành Hoàng tại các đình miếu ở Bạc Liêu đều là thần phiếm chỉ, không phải là một vị thần cụ thể. Ở một số đình làng có sắc phong của vua (chủ yếu là vua Tự Đức), Thành Hoàng được vua ban mỹ hiệu. Đầu năm 1853, vua Tự Đức đồng loạt ban 13.069 sắc phong thần cho các đình làng trong nước (nhiều nhất là ở Nam bộ), trong đó Bạc Liêu có vài sắc, tiêu biểu là đình Tân Long (thuộc làng Tân Long, huyện Long Thủy, tỉnh Hà Tiên trước đây - nay thuộc ấp Tân Long, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).

Địa danh Tân Long đã được ghi trong Địa bạ triều Nguyễn. Địa bạ này được thực hiện vào đầu thế kỷ 19 và kết thúc vào năm 1836. Do vậy, làng Tân Long là một địa bàn dân cư chứng minh người Việt đã đến đây định cư từ lâu (chí ít là cuối thế kỷ 16) để đến đầu thế kỷ 19, đã sinh sống ổn định, có thiết chế văn hóa là đình Tân Long.

Nhưng Thành hoàng dù có hay không có họ tên, lai lịch đều mang tính chất chung là hộ quốc tý dân (bảo vệ đất nước và giúp đỡ nhân dân) ở ngay địa phương đó. Vai trò trên của thần còn có ý nghĩa hơn nữa, nhất là đối với những cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ, vì lẽ họ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa, do thú dữ hoành hành... Điều đó có nghĩa, thần Thành hoàng đã trở thành một biểu tượng tâm linh; bởi theo họ, chỉ có thần mới có thể giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cho quốc thái dân an; giúp cuộc sống của họ ngày thêm ổn định, thịnh vượng.

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.