HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các ngành trong công tác cải cách hành chính

Thứ Tư, 24/07/2019 | 15:16

DƯƠNG THÀNH TRUNG (Chủ tịch UBND tỉnh)

Nằm trong vùng bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu có diện tích đất tự nhiên 2.594km2, với dân số hơn 900.000 người, là tỉnh đất không rộng, người không đông nhưng rất giàu truyền thống cách mạng, với 3 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa luôn đoàn kết gắn bó nhau, tạo nên nét văn hóa riêng có của Bạc Liêu. Những năm qua, với sự quan tâm của Trung ương, Đảng bộ đã có nhiều chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, trong đó có bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo động lực thúc đẩy trong chính sách phát triển của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: M.Đ

SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CẤP ỦY TRONG CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; các chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều cơ chế, chính sách được bổ sung, sửa đổi kịp thời; các TTHC từng bước hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa. Tổ chức bộ máy các cơ quan của Đảng, chính quyền các cấp được kiện toàn, sắp xếp phù hợp hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng với yêu cầu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giải quyết các TTHC được chú trọng. Kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường.

Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phát huy tốt vai trò giám sát cải cách TTHC, như giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; giám sát việc thực hiện quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm, mức khoán kinh phí và chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh; giám sát việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công đoàn, về lao động và về bảo hiểm xã hội một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giám sát UBND cấp xã trong việc tạo điều kiện cho Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng trong hoạt động... Ngoài ra, công tác tuyên truyền trong công tác CCHC cũng được các đoàn thể phối hợp tổ chức khá phong phú như Tỉnh đoàn phối hợp với ngành Nội vụ tổ chức hội thi “Tuổi trẻ công chức, viên chức tỉnh Bạc Liêu đồng hành với CCHC Nhà nước” năm 2018; Công đoàn viên chức tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn về công tác CCHC cho trên 300 công chức; các cơ quan báo chí như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bạc Liêu, Cổng thông tin điện tử tỉnh thường xuyên đăng các tin, bài về CCHC giúp cán bộ, công chức và nhân dân hiểu rõ hơn về kết quả thực hiện CCHC.

Với quyết tâm đó, đến nay tỉnh đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện được kết nối liên thông giữa 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã) để giải quyết TTHC, tập trung tất cả các TTHC về một đầu mối để hướng dẫn giải quyết cho tổ chức, cá nhân. Đối với cấp xã, có 64/64 xã, phường, thị trấn (trong đó thực hiện cơ chế một cửa liên thông lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội là 64/64 xã, phường, thị trấn;10/10 xã, phường thuộc thành phố Bạc Liêu thực hiện trong lĩnh vực đất đai). Từ những quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành trong công tác CCHC, những năm qua thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Đặc biệt, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào đầu năm 2018, Bạc Liêu đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, cam kết đầu tư cho 30 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 110.000 tỷ đồng; hình ảnh, vị thế Bạc Liêu được nâng tầm, mở ra cơ hội mới cho Bạc Liêu phát triển. Đến nay, Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 123 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 37.000 tỷ đồng và 72 triệu USD (gồm 112 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án đầu tư nước ngoài). Các dự án trên được đánh giá là dự án động lực, góp phần đưa Bạc Liêu phát triển nhanh và trở thành trung tâm kinh tế của vùng và cả nước như: dự án nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, dự án phát triển năng lượng tái tạo, dự án điện khí hóa lỏng LNG…

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu xác định 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội gồm: Nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại - dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Để các chủ trương, quyết sách đi vào cuộc sống thì công tác CCHC phải là động lực và là giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với phương châm hành động của Tỉnh ủy là: “Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả”, để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các ngành trong công tác CCHC, sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo, CCHC trong Đảng, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc của cấp ủy. Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, các tổ chức đảng phải nêu gương thực hiện để thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo và có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, như: Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 8/11/2011 về ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thông tin rộng rãi về TTHC, các cơ chế, chính sách mới ban hành. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết các TTHC, công việc liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân.

Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, triển khai đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp CCHC, chú trọng cải cách TTHC. Khẩn trương rà soát, có kế hoạch và lộ trình cụ thể để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường, thị trấn. Hoàn thành việc chuẩn hóa bộ TTHC và công khai, minh bạch bằng những hình thức phù hợp. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện cải cách TTHC. Đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thị, thành phố vận hành có hiệu quả, xem đây là một trong những giải pháp trọng tâm, đột phá trong cải cách TTHC.

Thứ năm, quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống cơ quan đảng và chính quyền các cấp. Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện các giao dịch điện tử. Triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trước hết tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu về dân cư, kinh tế - xã hội, đất đai, doanh nghiệp... Công bố công khai, kịp thời các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách mới, các quy trình, TTHC liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan... trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các hình thức khác bảo đảm phù hợp.

Thứ sáu, đẩy mạnh, siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 12/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. Các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề phải thực hiện đúng các quy định, tránh sự chồng chéo, không được gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời nắm tình hình, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Duy trì, phát huy những kết quả đạt được và nhân rộng mô hình “Cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố, đây là nơi để lãnh đạo các cấp gặp gỡ doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tiếp nhận phản ánh những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Từ quan điểm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã xác định như trên, cả hệ thống chính trị có sự thống nhất, đồng thuận rất cao trong triển khai thực hiện công tác CCHC, được nhân dân quan tâm đồng tình ủng hộ. Từ đó, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tập trung đẩy mạnh CCHC ngày càng quyết liệt hơn; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi cơ quan, đơn vị bằng việc làm thiết thực, hiệu quả với mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu ngày càng đi lên.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.