Giáo dục - Học Đường

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Còn vướng nhiều khâu

Thứ Hai, 05/11/2018 | 16:54

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những mặt công tác trọng tâm của ngành Giáo dục tỉnh trong mỗi năm học. Vì khi trường học đạt chuẩn quốc gia thì điều kiện công tác, học tập của giáo viên, học sinh được cải thiện rất nhiều, từ đó chất lượng giáo dục các mặt cũng được nâng lên. Tuy nhiên, hiện tại công tác này vẫn còn bị vướng ở nhiều khâu, gây khó khăn cho các trường học.

Ông Nguyễn Bá Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT trao Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 cho Trường tiểu học Vĩnh Bình C (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình). Ảnh: CK

Theo báo cáo của ngành Giáo dục, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 159/288 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 55,2%. Cụ thể: 52/79 trường mầm non, mẫu giáo (trong đó có 23 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỷ lệ 65,8%; 66/125 trường tiểu học (trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỷ lệ 52,8%; 36/64 trường THCS, đạt tỷ lệ 56,3% và 5/20 trường THPT, đạt tỷ lệ 25%. So với cùng kỳ năm học trước đã tăng 23 trường (gồm 6 trường mầm non, mẫu giáo, 12 trường tiểu học, 4 trường THCS, 1 trường THPT).

Về cơ sở vật chất trường lớp, toàn ngành có 6.254 phòng học, phòng bộ môn và phòng chức năng, gồm: 4.135 phòng học (trong đó có 2.824 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 68,3%); 2.119 phòng bộ môn và phòng chức năng (trong đó có 1.192 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 56,25%).

Một điều không thể phủ nhận là công tác đầu tư cho ngành Giáo dục, nhất là đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng… thời gian qua được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhiều đơn vị trường học được đầu tư, nâng cấp các công trình để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trong công tác này ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, tính đến năm học 2018 - 2019, hầu hết các trường vẫn còn thiếu phòng học để tổ chức dạy học bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, dù có phòng bộ môn nhưng tỷ lệ phòng học bộ môn của các trường vẫn chưa đạt yêu cầu do phần lớn đều lấy phòng học làm phòng học bộ môn. Đặc biệt là nhiều trường còn chưa có phòng học bộ môn, nhà tập đa năng, sân chơi, bãi tập để triển khai các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hệ thống cấp nước sạch còn nhiều hạn chế, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Thiết bị, đồ dùng dạy học của các trường đã được cải thiện đáng kể từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, nhất là đồ dùng dạy học, đồ chơi dành cho trẻ em các nhóm, lớp dưới 5 tuổi. Nhiều trường phổ thông vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng đúng và đủ so với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Phần lớn bàn ghế học sinh được trang bị từ lâu, đến nay đã bị hư hỏng nhiều và đều không đảm bảo quy cách theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT ngày 16/6/2011 của liên Bộ GD-ĐT, Bộ KH-CN, Bộ Y tế về việc hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, trường THCS, trường THPT.

Ngoài những khó khăn trên thì công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án còn chậm, dẫn đến nhiều công trình xây dựng phòng học, trường học diễn ra rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là do còn gặp không ít khó khăn về trình tự thủ tục thực hiện theo Luật Đầu tư công như: quá trình lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm định hồ sơ dự án, chủ trương đầu tư… Đơn cử như công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng cho Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (khu đất mở rộng diện tích được UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 16/12/2011 và Công văn số 3633/UBND-QHKHTH ngày 15/10/2012) gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên đến nay chưa triển khai thực hiện được. Bên cạnh đó là các dự án: xây dựng Trường THPT Bạc Liêu (giai đoạn 2) (TP. Bạc Liêu); cải tạo, mở rộng Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long); cải tạo, mở rộng Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai); xây dựng Trường THPT Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi); xây dựng Trường THPT Vĩnh Bình (nay là Trường THCS và THPT Trần Văn Lắm, huyện Hòa Bình) và xây dựng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh thành trường có 2 cấp học THCS và THPT (huyện Hòa Bình) đã giao cho Ban Quản lý dự án tỉnh làm chủ đầu tư, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm…

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một chủ trương lớn không chỉ của ngành Giáo dục. Việc chậm tiến độ hay chưa thể triển khai dự án do bị vướng nhiều khâu là nằm ngoài “tầm với” của ngành Giáo dục. Vì thế, việc quan tâm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án của ngành Giáo dục cần được những người có trách nhiệm lưu tâm. Bởi, đó cũng là việc làm góp phần chung tay nâng chất lượng giáo dục của tỉnh nhà, nhất là khi giáo dục chất lượng cao được tỉnh xác định là một trong những trụ cột để phát triển.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.