Giáo dục - Học Đường

Trường đại học Bạc Liêu: Góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng

Thứ Năm, 23/04/2020 | 15:40

Nằm ở trung tâm của tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM), cùng với nhiều lợi thế cạnh tranh, chiến lược phát triển đúng đắn, tập trung cao các nguồn lực cho các trụ cột phát triển, Bạc Liêu đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt và trở thành trung tâm kinh tế - xã hội (KT-XH) của tiểu vùng. Cùng với đó, trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, kinh tế, văn hóa - xã hội, tháng 11/2019, tỉnh Bạc Liêu và Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2019 - 2023, trong đó Trường đại học Bạc Liêu (ĐHBL) trở thành đầu mối phối hợp chính trong nhiều nội dung hợp tác.

Quang cảnh lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và Đại học Quốc gia - Hồ Chí Minh. Ảnh: H.T

ĐỘT PHÁ CỦA BẠC LIÊU NĂM 2019 - 2020

Trong những năm qua, Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu vượt trội trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2019 đạt 10,61%, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL. Năm 2020, Bạc Liêu phấn đấu tăng trưởng đạt từ 12% trở lên, tổng sản phẩm bình quân đầu người hơn 58 triệu đồng/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội hơn 28.500 tỷ đồng, đồng thời đặt mục tiêu đạt sản lượng thủy sản 400.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 1 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu này và cho những năm tiếp theo, Bạc Liêu tiếp tục tập trung thu hút đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, về nông nghiệp là các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao với năng suất gấp từ 10 - 15 lần so với nuôi thông thường. Về công nghiệp, chú trọng phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công Dự án Nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên với công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD đã được Thủ tướng bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 7. Về dịch vụ, tập trung phát triển du lịch, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu phát triển Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Tiểu vùng BĐCM có diện tích khoảng 1,6 triệu héc-ta (chiếm 40% diện tích tự nhiên vùng ĐBSCL). Với địa thế liền kề, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi… nên tiểu vùng BĐCM có nhiều điểm chung về tiềm năng và cơ hội, cũng như về khó khăn và thách thức. Trong đó, có một số cặp mâu thuẫn và các thách thức cốt lõi của tiểu vùng gồm: Hiện đại hóa và nguồn nhân lực; phát triển kinh tế và môi trường, biến đổi khí hậu; phát triển văn hóa - xã hội và trình độ dân trí...

Lễ trao bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng năm 2019 của Trường ĐHBL. Ảnh: Diệp Từ

GIẢI PHÁP CHO NHỮNG MÂU THUẪN CỐT LÕI

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển KT-XH nhanh và bền vững, vươn lên dẫn đầu và trở thành trung tâm của tiểu vùng BĐCM, Bạc Liêu cần giải quyết tốt mâu thuẫn cốt lõi của ĐBSCL nói chung và khu vực BĐCM nói riêng, mà cụ thể là mâu thuẫn giữa hiện đại hóa và nguồn nhân lực tại chỗ. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu cũng là một thách thức không nhỏ. Và cùng với đó là phát triển văn hóa - xã hội với bài toán trình độ dân trí của Bạc Liêu và BĐCM.

Để giải quyết những vấn đề cốt lõi trên một cách căn cơ, thì giáo dục và đào tạo là giải pháp gốc rễ, then chốt và cần phải tập trung, phát triển trước một bước trong phát triển KT-XH nhanh và bền vững. Trong đó, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao về khoa học - công nghệ có ý nghĩa quyết định. Việc phát triển KT-XH nói chung và tập trung phát triển 5 trụ cột nói riêng của tỉnh Bạc Liêu không thể tách rời với nguồn nhân lực trình độ cao và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN). Nguồn nhân lực và ứng dụng KH&CN trong phát triển KT-XH có tính đến bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu là tất yếu.

Trường ĐHBL là trường đại học duy nhất của vùng ĐBCM với dân số hơn 5 triệu dân, chiếm gần 25% dân số của cả ĐBSCL. ĐHBL nhận thức đầy đủ vai trò và sứ mạng của mình trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ. Trường còn là đầu mối chính trong việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, hiện đại, phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, văn hóa - xã hội cho vùng BĐCM.

Với chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Trường ĐHBL đã có những kế hoạch trước mắt và lâu dài nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển trường trở thành trung tâm đào tạo, KH&CN của tiểu vùng BĐCM; là điểm đến và nơi hội tụ tri thức KH&CN. Với triết lý giáo dục mạnh mẽ, đứng trên vai “người khổng lồ” ĐHQG-HCM, mô hình “nhúng” doanh nghiệp vào đại học trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, lấy đảm bảo chất lượng là uy tín và trách nhiệm… Từ đó, Trường ĐHBL đang có những bước chuyển mình táo bạo cùng khát vọng đột phá, tiên phong.

Với định hướng phụng sự xã hội là một trong 3 trụ cột chính của một cơ sở giáo dục đại học, Trường ĐHBL tập trung phát triển nguồn nhân lực đón đầu và đồng hành trong quá trình phát triển các trụ cột kinh tế chủ lực của Bạc Liêu và BĐCM. Và hơn lúc nào hết, với khao khát mãnh liệt là được khẳng định sứ mạng, vai trò và vị trí của mình trong hệ thống giáo dục quốc gia và khu vực, Trường ĐHBL cần được nhìn nhận, quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như được tập trung cao độ trong đầu tư, phát triển trường trở thành trụ cột thứ 5 theo định hướng của tỉnh Bạc Liêu, tiến đến hiện thực hóa vai trò trung tâm đào tạo, KH&CN của vùng BĐCM phồn thịnh.

DIỆP TỪ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.