Giáo dục - Học Đường

Toàn cảnh bức tranh “xã hội hóa” đại học

Thứ Hai, 26/11/2018 | 15:57

Xã hội hóa giáo dục, trong đó có giáo dục đại học là chủ trương phù hợp với triết lý giáo dục hiện đại, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần khai thác và phát huy tiềm năng của toàn xã hội. Tuy nhiên, việc các trường đại học “mọc lên như nấm sau mưa”, kéo theo đó là nạn tuyển sinh đại học tràn lan như hiện nay khiến con đường vào đại học ngày càng thênh thang rộng mở và hệ lụy là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thất nghiệp… ngày càng diễn tiến khó lường. Đã đến lúc các cấp, bộ, ngành cần nghiên cứu, xây dựng định hướng, phân luồng đào tạo theo nhu cầu của xã hội, địa phương cho phù hợp với tình hình mới.

Bài 1: Vào đại học bằng mọi giá

Đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan cho tương lai. Tuy nhiên, việc không cân nhắc kỹ vào sở trường bản thân, điều kiện tài chính gia đình, cũng như nhu cầu thị trường lao động… mà nhắm mắt đánh liều để vào đại học bằng mọi giá đã khiến nhiều gia đình phải trả cái giá rất đắt! Đã đến lúc cần làm rõ: Liệu có nên tìm mọi cách vào đại học để ra trường… thất nghiệp?!

Các trường đại học gửi tờ bướm thông tin tuyển sinh cho thí sinh tham gia

kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Đ.K.C

Con cứ vào đại học, mọi chuyện đã có ba mẹ lo…

Hướng ánh mắt buồn xa xăm về những đầm tôm công nghiệp đang ầm ầm tiếng quạt, ông Lê Quốc K. (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) thở dài não nuột: “Mấy chục công đất đó trước đây là của gia đình tôi. Thời ấy, nhà tôi thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình nuôi tôm quảng canh. Vậy mà giờ đây nó chỉ còn là những ký ức đẹp một thời. Với quyết tâm cho con cái học hành đàng hoàng để không khổ giống mình, vợ chồng tôi quyết lòng dồn sức nuôi cả 4 đứa con vào đại học. Giấc mơ đó rồi cũng trở thành hiện thực, dù không trúng tuyển vào các trường đại học công lập, nhưng tụi nhỏ cũng chọn được những ngành nghề yêu thích. Vậy rồi tiền bạc trong nhà dần cạn kiệt vì các khoản học phí, sinh hoạt đắt đỏ ở TP. HCM. Mấy chục công vuông đó được vợ chồng tôi cầm cố cho các con ăn học và giờ nó là đất của người ta rồi!”.

Trong căn nhà tường cũ kỹ vì mưa nắng, hai mái đầu đã điểm hoa râm, mắt ngân ngấn nước, chốc chốc vai họ lại run lên bần bật để giấu đi những tiếng nấc nghẹn ngào! Vợ ông K. tiếp lời chồng: “Dốc hết của cải cho con ăn học chúng tôi nào có tiếc chi, chỉ đau một nỗi là cả 4 đứa ra trường đến nay rất trầy trật để tìm kiếm việc làm dù đã gửi đơn xin việc khắp các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Đâu đâu cũng chỉ là những cái lắc đầu với những câu trả lời gọn lỏn: đơn vị đã kín hết các vị trí, chờ đến đợt thi tuyển công chức, hay chúng tôi cần những tấm bằng đại học của các cơ sở đào tạo đại học công lập chính quy… Vậy là cả 4 đứa đều bỏ xứ ra đi, giờ đây chúng chỉ là những công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Bình Dương, TP. HCM xa xôi. Giấc mơ chuộc lại đất đã cầm cố trở nên quá xa vời…”.

“A lô, ba hả ba? Ờ, ba nghe nè con! Ba ơi, trường con vừa gửi thông báo nếu trong tuần này không đóng hết học phí sẽ đình chỉ việc học của con vì mình đã xin gia hạn học phí lần thứ 3 rồi!”. Ông Trần Văn U. (ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) nghe đứa con trai nức nở bên kia đầu dây. “Hai bữa nữa ba có tiền rồi, ba sẽ gửi lên cho con đóng học phí nghe, con đừng lo!”. Vội vàng tắt máy để đứa con trai không kịp nghe tiếng nấc, hứa liều vậy với con chứ ruột gan ông như ai cào xé vì không biết 2 ngày nữa kiếm đâu ra tiền để gửi lên cho con!

Giờ ngẫm lại ông tự trách bản thân mình, phải chi hồi đó nghe lời vợ thì đâu đến nỗi! Nhà ông dẫu không khá giả nhưng thu nhập từ việc ép con giống bỏ cho các vuông tôm cũng đủ sống qua ngày. Dù muốn con theo nghề mình nhưng vì thương con, ông vẫn ưu ái để nó lựa chọn nghề nghiệp yêu thích. Ngày nó thông báo chọn ngành Quản lý nhà hàng - khách sạn của Trường đại học Hutech TP. HCM, vợ ông đã ngăn cản hết lời, khuyên con nên đi học nghề ở Bạc Liêu cho gần nhà và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nhưng nó nhất quyết không chịu, còn ông vì sĩ diện hão, muốn con vào đại học bằng mọi giá (vì đám bạn chí cốt của ông ai cũng có con vào đại học) nên xuôi theo.

Giờ học phí mỗi năm gần 40 triệu đồng, chưa kể các khoản sinh hoạt phí, thuê trọ đắt đỏ ở TP. HCM. Nợ nần ngày càng chồng chất, mỗi lần đến kỳ đóng học phí hay đến hạn trả tiền nhà, xoay tiền gửi lên cho con, vợ chồng ông lại chạy “sáng nhà sáng cửa”, dù rằng con ông cũng tất tả vừa học vừa làm thêm nơi xứ người!

… Đến đua nhau đi du học

Bên cạnh việc tranh suất cho con vào đại học bằng mọi giá, thì trào lưu cho con đi du học nước ngoài để tăng cơ hội việc làm chất lượng cao ngày càng phổ biến tại Bạc Liêu đối với những gia đình có điều kiện (ở đây, chúng tôi không nói những trường hợp du học sinh xuất sắc được tuyển chọn hoặc trúng tuyển học bổng toàn phần tại các đại học danh tiếng trên thế giới).

Theo đó, các bậc phụ huynh “lắm của nhiều tiền” này xây dựng hẳn một chiến lược đầu tư rất công phu. Ngay từ lúc nhỏ, bên cạnh việc học chính khóa, thì con em họ được làm quen với Anh ngữ làm nền tảng cho hành trình du học sau này. Ngoài việc mạnh tay chi tiền để chạy vào các trường điểm, lớp chọn họ còn thuê hẳn gia sư kèm cặp sát sao việc học của con tại nhà. Có em vừa hoàn thành chương trình tiểu học, hoặc học xong lớp 7, lớp 8 đã được người nhà gửi vào các trường quốc tế ở TP. HCM để đầu tư cho tương lai. Ngoài việc làm quen với bạn bè, thầy cô, môi trường học tập hoàn toàn mới, các em còn được rèn luyện việc giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh để bắt nhịp với xu thế hội nhập; đồng thời tập thích nghi dần với cách sống tự lập, chuẩn bị sẵn hành trang cho chuyến xuất ngoại trong tương lai gần.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu phụ huynh có điều kiện đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Đằng này, có rất nhiều trường hợp vì muốn con mình giống... con nhà người ta đã bất chấp ép các em vào khuôn khổ, khiến các em phải gồng mình phấn đấu trong môi trường vượt xa tầm với và rồi phải chới với, hụt hẫng trong chính chiếc kén mà cha mẹ mình tạo ra. Đó là chưa kể, nhiều trường hợp dính phải “quả lừa” vì những suất săn học bổng toàn phần. Đến khi vào tròng mới vỡ lẽ, trường đại học nước ngoài nào đó chỉ đài thọ chi phí 1 năm học, còn lại 3 năm đều phải tự túc! Và tất nhiên chi phí cho toàn khóa đào tạo không dưới vài tỷ đồng.

Lãnh đạo một trường cao đẳng trên địa bàn TP. Bạc Liêu từng chia sẻ với chúng tôi: “Ăn theo nhu cầu “sính ngoại” của các bậc phụ huynh hiện nay, trên địa bàn có hẳn những đường dây gửi gắm con em vào các trường THCS, THPT nội trú tận TP. HCM. Tùy vào từng trường hợp, những người giới thiệu sẽ được các trường này “boa hoa hồng” từ 5 - 10 triệu/đồng trường hợp. Và mặc cho chi phí đắt đỏ, cũng như trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục danh tiếng có thể chuẩn bị tốt kiến thức nền để con em họ tiến xa hơn, nhưng các bậc phụ huynh này vẫn bất chấp để con em mình bon chen trong môi trường mới, thiếu  sự quản giáo nghiêm khắc của gia đình. Tương lai chẳng biết ra sao, nhưng trước mắt tôi đã chứng kiến nhiều gia đình phải bán những căn nhà mặt tiền trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu) để trang trải chi phí du học của con em nơi trời Tây nào đó”.

Câu hỏi đặt ra ở đây là việc vào đại học bằng mọi giá có còn hợp thời khi mà mỗi năm cả nước có hơn 220.000 cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường?

 

Bài 2: Èo uột đầu ra đại học

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hàng năm số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày một gia tăng. Và hiện nay, cả nước đã có hơn 220.000 cử nhân chưa kiếm được việc làm. Nỗi lo này càng lớn hơn khi cánh cửa đại học (ĐH) ngày càng thênh thang rộng mở, các trường ĐH thì đua nhau mở thêm nhiều ngành mới để tuyển sinh bằng mọi giá vì mục tiêu lợi nhuận. Thực trạng rộng cửa đầu vào, èo uột đầu ra âu cũng là một thực tế dễ hiểu!

Chỉ vì mục tiêu lợi nhuận
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT dựa trên số liệu đăng ký tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) năm 2018 của các trường thì cả nước hiện có khoảng 700 trường ĐH, CĐ, tăng gần gấp ba số trường so với khoảng 18 năm về trước. Tại khu vực ĐBSCL, trước năm 2000 chỉ có 2 trường ĐH là Cần Thơ và An Giang thì hiện nay đã có đến 43 trường ĐH, CĐ. Trong đó, 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường ĐH; 3 tỉnh còn lại là Cà Mau có chi nhánh ĐH Bình Dương, Bến Tre có chi nhánh ĐH Quốc gia TP. HCM, Sóc Trăng đã có chủ trương đầu tư trường ĐH tư thục. Theo quy hoạch, đến năm 2020, vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 70 trường ĐH, CĐ; trung bình mỗi tỉnh, thành phố có gần 5,4 trường ĐH, CĐ. Song, điều đáng nói ở đây là hầu hết các trường được thành lập mới tại các địa phương này đều trên cơ sở nâng cấp các trường CĐ sư phạm để thành trường ĐH trực thuộc UBND tỉnh và chất lượng đầu vào - đầu ra là câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết!
Đó là chưa kể các chương trình liên kết, đề án đào tạo ĐH, sau ĐH; các đề án đào tạo bác sĩ, chuyên ngành y dược, kiến trúc, kinh tế… với con số khủng cử nhân, thạc sĩ ra trường mỗi năm. Tại Bạc Liêu, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã đào tạo cho 34.341 người. Trong đó, ĐH là 2.635 sinh viên, CĐ là 1.793 sinh viên, còn lại là trung cấp, sơ cấp nghề, dạy nghề và truyền nghề…
Tình trạng các trường ĐH, CĐ “mọc lên như nấm sau mưa” đã kéo theo việc tuyển sinh ồ ạt, chạy theo số lượng, không chú trọng chất lượng. Cụ thể là việc xuất hiện nhiều ngành học mới với tổ hợp tuyển sinh “lạ”. Đó là khối các ngành kế toán, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, kỹ thuật… được xét bằng tổ hợp môn khoa học xã hội; hay các ngành thuộc lĩnh vực xã hội lại tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Không chỉ vậy, một số trường tuyển ngành kiến trúc bằng các tổ hợp không có môn năng khiếu, hay công nghệ sinh học không có môn Sinh trong tổ hợp… Đó là những nghịch lý gây bức xúc cho dư luận, mà mục tiêu cuối cùng là để “vơ vét” học viên, tăng thêm nguồn tuyển và lợi nhuận cho đơn vị. Không chỉ vậy, nhiều trường còn tổ chức tuyển sinh riêng, hạ điểm chuẩn đầu vào sát đáy, xét tuyển theo học bạ… để tăng nguồn tuyển bằng mọi giá. Đáng chê trách hơn, nhiều chuyên ngành đang dôi dư sinh viên thất nghiệp nhưng các trường vẫn tuyển sinh, hoặc “che mắt thế gian” bằng một tên gọi khác để thí sinh bớt “lăn tăn” đầu vào!
Thực trạng các trường chạy theo số lượng đào tạo mà coi nhẹ chất lượng cũng dễ hiểu. Bởi lẽ, trong cơ chế tự chủ tài chính “nửa vời” như hiện nay đã khiến đa số các trường ĐH chạy theo số lượng, quy mô đào tạo để có nguồn tài chính bù đắp các khoản chi thường xuyên. 
Không chỉ vậy, chương trình đào tạo của các trường ĐH thường xây dựng thiếu công phu, chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động, chưa xuất phát từ điều kiện thực tiễn của nền kinh tế có nhiều biến động. Việc xây dựng chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan, chưa thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu của các chuyên gia và doanh nghiệp… Nhiều trường ĐH sử dụng chương trình đào tạo còn sao chép của các trường khác, sau đó cắt bớt tỷ lệ phần trăm số tiết theo chủ quan của người xây dựng… cũng là những thực tế đáng báo động cho bức tranh “xã hội hóa” ĐH hiện nay.

Sinh viên Trường đại học Bạc Liêu nhận bằng tốt nghiệp đại học chính quy. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Ai là người lãnh đủ?
Dù tốt nghiệp ĐH chuyên ngành Ngữ văn tại Trường đại học Cần Thơ vào loại khá, nhưng N.X.B (huyện Đông Hải) trầy trật mãi vẫn không tìm được một “bến đỗ” cho mình. Hết học việc ở tòa soạn báo, phòng nội vụ, rồi tạp chí văn nghệ… N.X.B vẫn không cảm thấy mình phù hợp với bất kỳ công việc nào. Hơn nữa, lương thử việc không đủ để N.X.B trang trải chi phí sinh hoạt, tiền nhà trọ. Và giải pháp cuối cùng mà chị chọn là tiếp tục học lên thạc sĩ để mong kiếm tìm một cơ hội mới, một hướng đi mới cho cuộc đời mình. Chính sự thiếu định hướng nghề nghiệp, không được tư vấn rõ ràng khi lựa chọn ngành học, cũng như phân luồng đào tạo tại trường và sự thiếu quyết đoán của bản thân đã khiến N.X.B hoài phí gần cả tuổi thanh xuân cho những việc mơ hồ. 
Bạn T.N (TP. Bạc Liêu, học chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Bạc Liêu) sau 3 năm tốt nghiệp vẫn chưa tìm được một nơi ưng ý. Những chỗ mà bạn “ưng” thì T.N không đáp ứng đủ chuẩn của nhà tuyển dụng, cũng như những yêu cầu về bằng cấp ĐH chính quy của các trường có tiếng trong vùng. Còn những chỗ “ưng” bạn thì T.N lại dùng dằng vì sợ cực khổ, sợ trái ngành và sợ bản thân không đáp ứng nổi yêu cầu công việc… Thế là phải mất khoảng thời gian khá dài, bạn mới xin được một chân kế toán trong Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu. 
Không chỉ riêng N.X.B, T.N mà đó là cảnh ngộ chung trong quá trình tìm kiếm việc làm của hàng ngàn cử nhân Bạc Liêu. Công việc ngày một ít lại, cử nhân ra trường thì nhiều nên tính cạnh tranh ngày càng lớn, chỉ cần dần dừ là cơ hội vuột khỏi tầm tay.
Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Quang, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: “Sinh viên hiện nay kỹ năng mềm còn hạn chế, kiến thức cơ bản chưa vững. Do vậy chất lượng của sinh viên có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên tích cực, chăm chỉ trong học tập và có thái độ nghiêm túc; Nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường; Nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học đối phó và lười học. Thế nhưng kết quả cấp bằng của một số ngành đưa ra con số đáng kinh ngạc, khoảng 70% bằng giỏi, điều này không những phản ánh không thật về chất lượng đào tạo mà còn ảnh hưởng tới uy tín của nhà trường”. Việc thiếu kỹ năng mềm, yếu năng lực chuyên môn, nhưng luôn mộng tưởng đến những công việc lương cao, an nhàn, có địa vị trong xã hội… đang tồn tại trong nhiều sinh viên hiện nay. 
Đây chính là hệ lụy tất yếu của việc chạy theo lợi nhuận, chính cơ chế thị trường đã làm cho “thầy sợ trò”. Không sợ làm sao được vì nếu làm học viên “phật ý”, học viên sẽ bỏ học, kéo theo nhà trường mất thu nhập và giảng viên cũng mất đi những khoản “hời”. Thế là buộc lòng thầy phải cho điểm cao không đúng với kiến thức tích lũy của trò, ép lòng làm tròn làm đẹp những bảng điểm tốt nghiệp nhưng “đầu ra” là những cử nhân “giấy” thiếu tài kém đức!

 

Bài cuối: Gỡ “nút thắt” trong quản lý giáo dục đại học

Để góp phần thực hiện tốt Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 với mục tiêu: “Ðào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động…”, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng của bức tranh “xã hội hóa” đại học hiện nay. Từ đó, chung tay gỡ “nút thắt” trong quản lý giáo dục đại học (GDĐH) để tìm lời giải cho bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”.

Cần định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS (Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong - huyện Đông Hải tham gia buổi ngoại khóa tư vấn định hướng nghề). Ảnh: Đ.K.C

Thay đổi những quan niệm cố hữu

Dù tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng, nhưng dường như mọi người đều cố tình lờ đi và quyết tâm theo đuổi tới cùng những quan điểm cố hữu trong chính suy nghĩ của mình. Đó là thay vì mất thời gian cho việc đi “đường vòng” bằng học nghề, học trung cấp, hay cao đẳng trước, sau đó tìm kiếm việc làm tương thích, ổn định cuộc sống, rồi tích lũy vốn khi có điều kiện sẽ học tiếp lên đại học, sau đại học, thì đại đa số chọn cách vào thẳng đại học! Sự chọn lựa này được “cổ xúy” bởi tính sĩ diện hão của nhiều gia đình, bởi sự dễ dãi trong đầu vào tuyển sinh của các trường đại học, bởi sự thiếu định hướng, phân luồng ngay từ bậc giáo dục THCS… Vẫn lối suy nghĩ cố hữu “nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”, nhiều người chấp nhận làm “con thiêu thân lao vào lửa đỏ”, đến khi chạy vạy hết cách, xoay đủ thứ đường đến nỗi “tiền mất tật mang” mà con em mình vẫn hoài điệp khúc thất nghiệp mới vỡ lẽ thì đã quá muộn!

Cùng tuổi, cùng được định hướng chọn nghề và xuất phát điểm như nhau, nhưng T.N và Phương Thảo (TP. Bạc Liêu) chọn hai lối rẽ riêng cho cuộc đời mình. Trong khi T.N học Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Bạc Liêu thì Phương Thảo rất quyết đoán khi vào học trung cấp Kế toán của Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu (dù năng lực bản thân có thể trúng tuyển bậc cao hơn). 2 năm sau, Phương Thảo ra trường và ổn định công việc tại Xí nghiệp may Vinatex Bạc Liêu với mức lương 7 triệu đồng/tháng, trong khi T.N phải 4 năm mới ra trường và loay hoay thêm 3 năm nữa mới tìm được một công việc phù hợp tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng.

Bạn Trần Hoàng Lam (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) cũng có quyết định sáng suốt khi chọn học ngành trung cấp Điện dân dụng tại Trường cao đẳng Nghề Bạc Liêu. Trong thời gian học tập tại trường, tham gia thực tập, Hoàng Lam đã “lọt vào mắt xanh” của nhiều nhà tuyển dụng. Hiện tại, bạn đang đầu quân cho một công ty chuyên về điện dân dụng lớn trên địa bàn TP. Bạc Liêu với mức lương “cứng” hơn 7 triệu/tháng. Trong khi bạn của Hoàng Lam sau khi cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ thì phải loay hoay tìm việc, đến lúc có được bến đỗ cũng chỉ thu nhập hơn 4 triệu/tháng. Hoàng Lam, Phương Thảo chia sẻ, các bạn đang sắp xếp thời gian để chuẩn hóa thêm trình độ.

Quá trình tìm tư liệu cho bài viết, chúng tôi còn được nghe câu chuyện buồn của hai du học sinh người TP. Bạc Liêu. Để con có cơ hội việc làm chất lượng cao, cha mẹ họ đã không ngần ngại bán đi mấy căn nhà mặt tiền trên đường Trần Phú để trang trải chi phí học tập, thế nhưng sau khi ra trường trở về quê hương, họ rất khó để hòa nhập với cuộc sống và công việc mới. Người thì bất mãn khi đơn vị không trọng dụng nhân tài vì sợ “lính qua mặt sếp”, người thì nản chí vì chính sách lương không tương thích với trình độ, năng lực bản thân. Thế là cả hai anh em đều nghỉ việc, chấp nhận nhàn hạ ở nhà nằm võng lướt “phây-bút”!

Theo chia sẻ của các nhà tuyển dụng, trong quá trình quan sát hiệu quả công việc trong cùng một chuyên ngành, hầu hết cử nhân được đào tạo theo trình độ đại học phải mất nhiều thời gian để thạo việc so với các bạn có trình độ cao đẳng, trung cấp. Có lẽ, vì các bạn cử nhân được đào tạo thiên về hàn lâm, đặt nặng lý thuyết, trong khi các bạn trình độ cao đẳng, trung cấp lại nặng về thực hành. Nếu các bạn là nhà tuyển dụng, lẽ đương nhiên các bạn sẽ chọn người thạo việc với mức độ chi trả lương thấp hơn. Và cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều cũng do những nguyên nhân này.

Tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm

Để gỡ “nút thắt” và giải quyết tình trạng cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường, đã đến lúc các cấp, bộ, ngành, địa phương cần phân cấp rõ trong công tác quản lý nhà nước về GDĐH. Theo đó, cần điều chỉnh theo mô hình giám sát và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH.

Theo các chuyên gia, để tăng tính tự chủ trong GDĐH, cần thay đổi cách quản lý, điều hành của Nhà nước, giảm dần các chính sách áp đặt của bộ chủ quản và các bộ liên quan đối với các cơ sở GDĐH. Cần mạnh dạn bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường đại học. Song song đó, bản thân các trường cũng cần phải thay đổi tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; bảo đảm có sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với các trường đại học công lập, dân lập, tư thục, đúng với quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh “hiến kế”: Để tăng cường tự chủ trong GDÐH, thời gian tới cần kết hợp tăng cường tự chủ với đổi mới quản trị đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình, để các trường phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động, hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDÐH theo tiêu chuẩn chất lượng, ban hành các quy chuẩn chất lượng để các trường thực hiện.

Theo Bộ GD-ĐT, để tăng cường tự chủ trong các cơ sở GDÐH, thời gian tới, Bộ sẽ quy định cơ chế công khai điều kiện bảo đảm chất lượng và trách nhiệm giải trình của trường tự chủ. Phân loại và công khai nhóm trường theo mức độ kết quả kiểm định đạt được; tăng cường minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng GDÐH để xã hội và người học giám sát, tạo áp lực để các trường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Việc cấp kinh phí Nhà nước thực hiện theo cơ chế thông qua đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tất cả các trường trong hệ thống GDÐH bình đẳng về điều kiện và cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GDÐH được giao quyền tự chủ trong việc thực hiện các nội dung tự chủ, quy chế dân chủ và công khai, minh bạch thông tin. Thí điểm thực hiện cơ chế không có cơ quan chủ quản đối với một số cơ sở GDÐH nhằm tăng tính tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đất nước.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH phải công khai trên trang thông tin điện tử của mình về các điều kiện đảm bảo chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và các thông tin khác theo quy định của pháp luật để người học có căn cứ lựa chọn cơ sở đào tạo và toàn xã hội giám sát chất lượng đào tạo của các cơ sở GDĐH.

Tin rằng, khi gỡ được những “nút thắt” ấy thì bức tranh toàn cảnh về “xã hội hóa” GDĐH của Việt Nam nói chung, khu vực ĐBSCL, cũng như Bạc Liêu nói riêng sẽ là những mảng màu tươi sáng!

Kim Trúc

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.