Giáo dục - Học Đường

Mô hình VNEN: Mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực

Thứ Hai, 16/10/2017 | 16:48

Những năm qua, mô hình trường học mới (VNEN) đã được triển khai tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả giáo dục mà mô hình này mang lại cho học sinh là rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, một số trường đã không triển khai hoặc ngừng triển khai mô hình này.

Học sinh khối lớp 2, Trường tiểu học Hòa Bình C (huyện Hòa Bình) học theo mô hình VNEN trong năm học 2017 - 2018. Ảnh: C.K

Ngay đầu năm học 2017 - 2018, thông tin một số địa phương trên cả nước chính thức ngừng triển khai mô hình VNEN khiến nhiều người ngỡ ngàng. Riêng tại Bạc Liêu, mô hình VNEN được triển khai từ năm học 2012 - 2013 ở 12 trường tiểu học. Mô hình này được nhân rộng ở tất cả các địa phương trong những năm học sau đó với hàng chục trường tham gia. Tuy nhiên, mô hình này hiện tại cũng đã và đang gặp một số khó khăn nhất định khi một số trường đã tự ngưng thực hiện trong năm học 2017 - 2018.

Tìm hiểu thực tế tại huyện Hòa Bình, nơi có 10 trường  thực hiện mô hình VNEN trong năm học 2016 - 2017 với gần 2.000 học sinh từ khối lớp 2 - 5. Tuy nhiên, trong năm học mới này có 1 trường không tiếp tục thực hiện mô hình VNEN, dù đây là một trong những trường đầu tiên được chọn áp dụng mô hình.

Bà Vũ Thị Gấm, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Hòa Bình, cho biết: “Sau mỗi năm học, chúng tôi đều thực hiện việc thống kê kết quả học tập của học sinh nói chung và học sinh tham gia mô hình VNEN nói riêng. Từ đó cho thấy, kết quả học tập của học sinh tham gia mô hình VNEN có phần trội hơn”. Để chứng minh, bà Gấm cung cấp cho chúng tôi số liệu thống kê như sau: có 99% học sinh từ khối lớp 1 - 5 không học chương trình VNEN đạt điểm từ 5 trở lên đối với môn Toán và 98,8% đối với môn Tiếng Việt; còn các khối lớp theo chương trình VNEN có tỷ lệ là 99,53% đối với môn Toán và 99,3% đối với môn Tiếng Việt. Còn nếu so sánh điểm 9 - 10 thì tỷ lệ giữa 2 nhóm lần lượt là 50,5% so với 53,55%.

Những con số so sánh trên vẫn chưa nói lên được nhiều điều giữa phương pháp giáo dục truyền thống và phương pháp giáo dục mới (mô hình VNEN). Tuy nhiên, theo nhận xét của hầu hết giáo viên và cán bộ quản lý thì mô hình VNEN đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác giáo dục. Cụ thể là khi tham gia giảng dạy chương trình này, cả giáo viên đứng lớp và học sinh đều năng động, tích cực hơn. Đối với giáo viên khi không còn dạy theo cách “đọc chép” thì đòi hỏi họ phải tìm tòi, áp dụng phương pháp dạy mới cho phù hợp. Còn đối với học sinh, các em năng động, sáng tạo hơn, bộc lộ năng khiếu bản thân, kỹ năng phối hợp, làm việc nhóm được phát huy…

Ông Võ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT từng đánh giá: “Qua thời gian thực hiện mô hình VNEN, việc áp dụng đổi mới phương pháp dạy học truyền thống sang các hình thức, phương pháp mới đã mang lại hiệu quả thiết thực. Học sinh ở các trường tham gia thực hiện mô hình có những biểu hiện về tâm lý, năng lực, bộc lộ năng khiếu tốt hơn một số trường khác ngoài mô hình. Đặc biệt, mô hình này đã góp phần rất lớn vào việc khuyến khích học sinh đến lớp, giảm nguy cơ học sinh bỏ học”.

Tuy lợi ích là vậy, nhưng hiện tại mô hình VNEN đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ngành Giáo dục, điểm mấu chốt là tâm lý ngại thay đổi của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp khi tham gia chương trình. Một nguyên nhân nữa là do cơ sở vật chất trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu khi chương trình đòi hỏi học sinh phải học 2 buổi/ngày.

Như vậy, hiệu quả của mô hình VNEN mang lại cho ngành Giáo dục, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa là không thể phủ nhận. Việc “ngại thay đổi” của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên đứng lớp là điều mà ngành Giáo dục cần lưu tâm nếu muốn chất lượng giáo dục được nâng cao.

Trong xu thế hiện nay, dù giáo dục theo hình thức nào (truyền thống hay các chương trình mới) thì đòi hỏi người thầy phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng thực tiễn sinh động vào tiết học. Nếu chỉ vì tâm lý “ngại thay đổi” mà cứ đi theo lối mòn, tư duy chủ quan của người quản lý, người thầy trực tiếp đứng lớp thì sẽ có nhiều thế hệ học sinh không được tiếp cận với cái mới và chất lượng giáo dục cũng sẽ khó tiến xa.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.