Giáo dục - Học Đường

Miễn học phí cho học sinh tiểu học:​ Phụ huynh cần hiểu cho đúng

Thứ Sáu, 10/07/2020 | 16:47

Đầu tháng 7/2020, Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 với nhiều điểm mới chính thức có hiệu lực. Trong đó, nội dung được các phụ huynh quan tâm và chia sẻ rầm rộ là việc học sinh tiểu học (HSTH) không phải đóng học phí. Tuy nhiên, thực tế việc HSTH công lập không phải đóng học phí đã được áp dụng từ nhiều năm nay nhưng dường như phụ huynh không hề hay biết.

Học sinh tiểu học TP. Bạc Liêu tham gia kỳ kiểm tra năng lực vào các lớp chất lượng cao của Sở GD-KH&CN. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Áp dụng từ nhiều năm qua

Chị Trần Hạnh Ngôn (Phường 8, TP. Bạc Liêu) có hai đứa con đang học lớp 2 và lớp 4 tỏ ra vô cùng phấn khởi khi nghe chính sách này có hiệu lực, bởi lẽ không riêng chị mà sẽ có rất nhiều gia đình nghèo quẳng đi được những gánh lo mỗi đầu năm học mới. Chị hào hứng chia sẻ thông tin này đến bạn bè, người thân, những người lao động nghèo trong xóm và ai cũng tỏ ra vui mừng, phấn khởi như chị. Mãi đến khi được một người bạn làm trong ngành Giáo dục khẳng định chính sách miễn học phí cho HSTH đã có từ nhiều năm qua thì chị mới vỡ lẽ.

Không riêng gì chị Ngôn mà lâu nay hầu hết các bậc phụ huynh đều có sự nhầm lẫn giữa tiền học phí và tiền đóng góp hàng năm cho nhà trường của con em mình nên cứ nghĩ đó là học phí bắt buộc phải đóng.

Thực tế cho thấy từ lâu, các quy định về học phí chỉ áp dụng đối với học sinh mầm non, THCS và THPT công lập, GDTX, chứ không hề có cấp tiểu học. Tuy nhiên, ngoài học phí không phải đóng thì tùy vào yêu cầu của cơ sở giáo dục mà con em mình theo học, phụ huynh có thể phải đóng góp các khoản khác như: phí xây dựng, phí vệ sinh, nước uống, phí cho các hoạt động ngoại khóa, tiền xã hội hóa giáo dục, hội phí… nhưng tùy vào thỏa thuận, thống nhất với nhà trường. Và tất nhiên các khoản này không được xem là học phí.

Hiểu để không nhầm lẫn

Tại khoản 2, Điều 61 của Hiến pháp năm 2013 quy định, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước không thu học phí. Ngoài ra, tại Điều 6, Nghị định số 86/2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 2021 quy định về đối tượng không phải đóng học phí, cụ thể: “Đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: HSTH; học sinh, sinh viên sư phạm; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học”.

Kế thừa tinh thần của Hiến pháp 2013, mới đây tại khoản 3, Điều 99 Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 quy định rõ: “HSTH trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, HSTH trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định”.

Như vậy, phụ huynh có thể hiểu rằng từ nhiều năm nay HSTH tại trường công lập trên cả nước đều không phải đóng học phí. Toàn bộ ngân sách hoạt động của các trường tiểu học vẫn do Nhà nước chi trả. Riêng các khoản đóng góp nằm ngoài học phí sẽ do trường và phụ huynh thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện.

Dù là “mừng hụt” nhưng các bậc phụ huynh, nhất là các gia đình nghèo vẫn có thể an tâm hơn khi chính sách nhân văn này vẫn tiếp tục được áp dụng và duy trì, giúp các gia đình phần nào vơi đi gánh nặng trong vòng xoay cơm áo. Chỉ mong là các cơ sở giáo dục đừng cố “đẻ” ra quá nhiều khoản thu “tự nguyện” vào mỗi đầu năm học, hoặc các khoản phát sinh khác giữa năm để các gia đình nghèo bớt gánh nặng.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.