Giáo dục - Học Đường

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Giảm áp lực cho học sinh vì không còn “2 trong 1”?!

Thứ Sáu, 09/11/2018 | 15:02

Học sinh (HS) khối 12 tỉnh nhà đang băn khoăn lo lắng bởi thông tin kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 không còn mang tính “2 trong 1”. Nghĩa là mục tiêu mà kỳ thi hướng đến chỉ để xét tốt nghiệp, cũng như đánh giá quá trình học sau 12 năm của HS; còn việc có sử dụng kết quả từ kỳ thi để xét tuyển đại học, cao đẳng hay không là do các trường tự cân nhắc quyết định. Bộ GD-ĐT lý giải, việc thay đổi này nhằm làm giảm áp lực học hành, thi cử cho HS. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy các em đang rất hoang mang vì sự thay đổi ra sao, cấu trúc đề thi  như thế nào vẫn chưa được công bố!

Giờ học Toán của học sinh khối 12 Trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Ảnh: Đ.K.C

Đặt camera giám sát, đánh phách điện tử để chống gian lận

Theo phương án thi THPT quốc gia năm 2019, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đồng thời bảo đảm phù hợp với năng lực HS phổ thông và có độ phân hóa phù hợp. Bộ GD-ĐT cho biết, quá trình xây dựng đề thi sẽ tăng cường công tác thử nghiệm để từng bước chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi thi; huy động câu hỏi thi đề xuất từ nhiều nguồn, nhất là chú trọng câu hỏi thi từ nguồn đề xuất của các giáo viên, giảng viên, chuyên gia. Đáng chú ý, quy trình xây dựng đề thi chính thức sẽ chú trọng cải tiến khâu phản biện và thẩm định để bảo đảm đề thi phù hợp với yêu cầu kỳ thi THPT quốc gia cả về độ khó và độ cân bằng giữa các mã đề.

Đối với công tác coi thi, mỗi tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức một Hội đồng thi do Sở GD-ĐT chủ trì; điều động cán bộ giảng viên trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp theo nguyên tắc các trường địa phương nào thì không tham gia phối hợp tại địa phương đó. Riêng quá trình tổ chức thi, để tăng cường bảo mật, phó trưởng điểm thi là cán bộ trường đại học, thư ký và cán bộ PA03 có trách nhiệm quản lý đề thi, bài thi tại điểm thi và chuyển giao về hội đồng thi. Túi đựng bài thi được niêm phong bằng giấy mỏng chuyên dụng, dùng một lần.

Đáng chú ý, tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ. Công tác chấm thi trắc nghiệm sẽ do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức chấm tập trung. Các phòng chấm thi sẽ phải đặt camera giám sát 24/24 giờ; cán bộ giám sát chấm trắc nghiệm phải am hiểu về công nghệ thông tin…

Song song đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp. Cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (tức đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm); người được cấp quyền truy cập có thể mở được nhưng không sửa được thông tin…

Đó là những phương án mang tính khả thi mà Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng để chống gian lận thi cử và không để tái diễn tình trạng bê bối như kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… Nhưng điều mà thầy trò các trường mong chờ là Bộ nên sớm công bố cấu trúc đề thi, đề minh họa để các trường xây dựng phương án ôn luyện cho phù hợp.

Sớm công bố những thay đổi

Nhiều giáo viên có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, ôn thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh cho rằng, khi dạy trên lớp, bên cạnh việc trang bị những kiến thức mới cho HS, giáo viên vẫn cho các em ôn tập song song thêm kiến thức lớp 10, 11 theo hình thức “cuốn chiếu”. Tuy nhiên, thầy và trò vẫn rất băn khoăn vì không biết đề thi năm nay sẽ như thế nào, nội dung kiến thức có bao gồm cả lớp 10, 11 và 12 hay không? Thậm chí, trong đề kiểm tra giáo viên đã lồng ghép một số câu hỏi nội dung, kiến thức lớp 10, 11, nhưng HS vẫn có tâm lý hoài nghi là liệu năm nay có hay không mà phải mất nhiều thời gian cho lượng kiến thức này. Dù giáo viên đã lý giải cần phải trang bị thêm kiến thức dự phòng nhưng xem ra các em vẫn chưa nhiệt tâm cho mấy! Và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả dạy học”.

Một HS khối 12 Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long) chia sẻ: “Trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” vì những thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điều mà HS quan tâm nhất hiện nay chính là đề thi sẽ như thế nào? Không còn “2 trong 1” thì các trường có tổ chức thi riêng hay không? Do đó, Bộ GD-ĐT cần sớm công bố đề minh họa để thầy và trò chúng em chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy, ôn tập”.

Trong khi chờ thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục, giáo viên có kinh nghiệm trong công tác ôn thi THPT quốc gia hiến kế: các trường nên tổ chức dạy học, hướng dẫn HS ôn tập như những năm trước. Cụ thể, ngoài học kiến thức mới lớp 12, giáo viên nên xây dựng đề cương ôn tập thêm kiến thức lớp 10 và 11 để HS về nhà tự ôn tập. Trong đó, tập trung ôn lại kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và học kỹ nội dung trên lớp.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.