Giáo dục - Học Đường

Gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo”

Thứ Hai, 18/11/2019 | 17:11

 “Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, được hun đúc từ bao đời nay và đã tạo thành mạch chảy không ngừng nghỉ, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người Việt Nam dù già hay trẻ. Nét đẹp truyền thống đó đã giúp các nhà giáo thật sự cảm thấy ấm áp, như được tiếp thêm “lửa” để họ hết lòng vì các thế hệ học sinh thân yêu.

Ngành Giáo dục tặng hoa và quà tri ân các nhà giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) được tổ chức hàng năm không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, để học trò thể hiện lòng thành kính với thầy cô, mà còn là dịp để toàn xã hội tỏ lòng tri ân những người thầy đã, đang gắn bó với nghề dạy học - nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Đó là nghĩa cử nhân văn, truyền thống cao đẹp của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến.

Trong quá trình đẩy mạnh hội nhập và phát triển như hiện nay, giáo dục - đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết 29 của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo là trọng trách lớn nhất được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho người thầy, những chiến sĩ cách mạng tiên phong trên lĩnh vực “trồng người”.

Để người thầy luôn gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, mỗi chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, làm sao để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nghề nghiệp trong mỗi thầy cô. Để giữ gìn danh dự, uy tín các nhà giáo, trước hết, mỗi thầy cô cần trang bị cho mình phương pháp, kỹ năng sư phạm để giáo dục, rèn luyện học sinh; biết cách bảo vệ, giữ gìn hình ảnh, nhân cách của mình. Các bậc phụ huynh cũng cần ứng xử đúng mực với thầy cô, tạo khuôn mẫu hành vi để dẫn dắt con em mình ứng xử có văn hóa với mọi người.

Niềm vui của cô trò Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu) trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: C.K

Ngày 20/11 đã đến. Mỗi chúng ta, từ các bậc phụ huynh đến các em học sinh hãy tiếp nối mạch nguồn truyền thống đạo lý “Tôn sư trọng đạo” của con dân đất Việt, hãy thể hiện lòng tôn kính, sự tri ân tới các thầy cô bằng chính tấm lòng trân trọng thành kính của mình. Nhất là đối với các em học sinh thì việc làm có ý nghĩa nhất chính là biết nghe lời thầy cô, chăm chỉ học tập để trở thành con ngoan trò giỏi, luôn nỗ lực, không ngừng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, ý chí và năng lực, biết vượt qua mọi khó khăn để giành được kết quả cao trong học tập bằng những bông hoa điểm 10… Đó mới chính là những món quà ý nghĩa, là những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa giáo dục ngát hương, kính dâng lên những người thầy đáng kính của mình.

Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã hình thành, xây dựng và giữ gìn được nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có “Tôn sư trọng đạo”. Truyền thống tốt đẹp này đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa rất riêng cho dân tộc Việt Nam. Vì thế, giữ gìn bản sắc văn hóa là trách nhiệm không chỉ của riêng giới học sinh mà còn là của toàn xã hội.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.