Giáo dục - Học Đường

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông: Vẫn chưa được quan tâm đúng mức!

Thứ Sáu, 01/03/2019 | 16:29

Có thể nói, hoạt động giáo dục kỹ năng sống (KNS) giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của học sinh (HS). Tuy nhiên, thực tế thì công tác này chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường phổ thông đang đặt mục tiêu “dạy chữ” cao hơn “dạy làm người” cho HS. 
Thực trạng buồn
Dịp cuối tuần, chị bạn tôi chở theo đứa con nhỏ đi uống cà phê ở Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu) để thư giãn. Chị vừa tấp xe vào lề thì bất ngờ từ trên vỉa hè hai nữ sinh mặt mũi còn non choẹt (độ chừng học lớp 10) lao xe máy như bay, suýt va vào mẹ con chị. Hoảng hồn, chị la thất thanh, vậy mà thay vì xuống xe xin lỗi, hai nữ sinh này còn hét toáng vào mặt chị: “Người ta đã đụng trúng chưa mà la, già mà nhát dữ!”. “Thật ngán ngẩm cho cách hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận học sinh ngày nay”, chị thở dài.
Một lần khác, cũng tại Quảng trường Hùng Vương, khách tản bộ, cà phê và các bậc phụ huynh có con nhỏ đang vui chơi tại đây cũng một phen hú vía bởi cuộc ẩu đả vì ghen tuông của một nhóm học sinh nữ. Đang tuổi ăn tuổi học, thay vì dành thời gian, tâm sức để trau dồi tri thức, thì một bộ phận học sinh này lại yêu đương sớm và sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, giành giật tình cảm. 
Cách đây không lâu, câu chuyện thương tâm của một học sinh lớp 9 ở thị trấn Phước Long khiến các bậc phụ huynh và dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, thương cảm. Thiếu sự quan tâm của gia đình, em tự thu mình lại, sống trong thế giới ảo của trò chơi điện tử và rồi đi đến kết cục bi thảm là tự tử để giải thoát. Càng đau lòng hơn khi “sợi dây sinh tử” dẫn đến cái chết của em lại được em dùng chính điện thoại của ba mình để đặt mua qua mạng. 
Rồi hàng ngày, hàng giờ, chúng ta lại được thông tin ở xã này, huyện nọ, tỉnh kia lại xảy ra những sự việc đau lòng về trẻ vị thành niên, trẻ em bị xâm hại từ chính thầy giáo, cha mình, những người thân thuộc… mà các em luôn xem là điểm tựa để chở che, bấu víu. Rồi học sinh bị đuối nước thương tâm, bị bắt cóc, bị tai nạn thương tích… vì thiếu KNS. Làm sao để bảo vệ con em mình trước những cám dỗ của xã hội; làm gì để trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết để kịp thời xử lý những tình huống xấu bất ngờ xảy ra trong cuộc sống thường nhật?… là những “câu hỏi lớn” đang chờ lời đáp.

Học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu) tham quan triển lãm Văn miếu - Quốc tử giám Thăng Long - Hà Nội và các di tích lịch sử - văn hóa Bạc Liêu tại Trung tâm triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu. Ảnh: Đ.K.C

Cần quan tâm giáo dục KNS hơn nữa
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hoạt động giáo dục KNS được một số trường trên địa bàn tỉnh duy trì thường xuyên, đa dạng hóa về nội dung, hình thức tổ chức thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa, các chuyến dã ngoại, về nguồn… Có thể điển hình là Trường THCS Võ Thị Sáu (TP. Bạc Liêu), hàng năm đều tổ chức hoạt động giáo dục KNS để trang bị cho HS những kỹ năng về phòng tránh đuối nước, phòng cháy chữa cháy, nói không với tệ nạn xã hội; kỹ năng xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè thông qua các trò chơi vui tươi, sinh động… Những thông điệp ý nghĩa: “Không vội xét đoán”, “Làm chủ cơn giận”, “Chung tay hòa giải” mà các trò chơi mang lại là liệu pháp hữu hiệu giúp giải quyết những mâu thuẫn, hạn chế vấn nạn bạo lực học đường và hình thành nên những tình bạn đẹp tại đơn vị. 
Có thể thấy, dù hiện nay các trường học đã quan tâm đến việc giáo dục KNS cho học sinh, nhưng đại đa số mới dừng ở việc cung cấp kiến thức chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em, nên khi gặp tình huống thực tế, các em vẫn lúng túng, không vận dụng được vào cuộc sống. Đối với bậc tiểu học, THCS và THPT thì thực tế cho thấy các trường phổ thông đang đặt mục tiêu “dạy chữ” cao hơn “dạy làm người” cho HS. Điều này cũng dễ hiểu khi mà hiện nay vẫn chưa có một bộ chương trình chuẩn quy định cụ thể về thời lượng, kiến thức học KNS cho HS ở các cấp học, bậc học. Hoặc có thì cũng còn khá mới và chưa đồng bộ cả về đội ngũ giảng dạy và tài liệu chuẩn kiến thức. Hầu hết các nhà trường vẫn còn khá lúng túng và tự xây dựng kế hoạch khi tổ chức các hoạt động, cũng như tích hợp nội dung rèn luyện KNS trong các bộ môn trên lớp cho HS như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử…
Quan tâm giáo dục KNS cho HS là việc làm cần thiết và dù dưới hình thức nào cũng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành Giáo dục, cần lắm sự quan tâm, tạo điều kiện và đồng hành của gia đình, tổ chức Đoàn nhằm tạo môi trường học tập, rèn luyện để các em được trang bị KNS đầy đủ, trưởng thành về mọi mặt. 
Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.