Giáo dục - Học Đường

Giáo dục đạo đức công dân cho học sinh - sinh viên

Thứ Tư, 21/08/2019 | 15:38

Đã từ lâu, việc giáo dục đạo đức cho học sinh - sinh viên (HS-SV) là vấn đề được Đảng, Nhà nước chú trọng hàng đầu, là quá trình xuyên suốt, liên tục, không ngơi nghỉ. Nhưng gần đây, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo trên phạm vi toàn quốc ở nhiều khu vực, vùng miền (trong đó có Bạc Liêu) với chủ đề: “Nhà trường - Gia đình - Xã hội với giáo dục đạo đức công dân cho HS-SV trong bối cảnh hiện nay” cho thấy “đạo đức công dân” của giới trẻ - trong đó phần đông là HS-SV càng đáng lưu tâm.

Niềm vui của cô giáo và học sinh Trường THPT Lê Văn Đẩu trước thềm năm học mới. Ảnh: P.T.C

Đạo đức là “phần hồn” của con người gắn chặt vào thực thể sống, chứa đựng trong đó cả tâm lý, tình cảm, suy nghĩ, hành vi… biểu hiện trong mọi hoạt động. Đạo đức là cái gốc của con người. Là “bản lề” giữ cho con người chính trực, ngay thẳng… Với các nhà kinh tế - chính trị học: Đạo đức có vai trò là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đạo đức góp phần giữ vững chính trị - xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…

Đạo đức thuộc lĩnh vực tinh thần, có tính trừu tượng… Trong bài viết ngắn này, chỉ xin được chia sẻ về thực trạng đạo đức công dân của HS-SV hiện nay bằng góc nhìn thực tế để cùng trăn trở và suy ngẫm…

Theo số liệu thống kê, cả nước có 23,5 triệu HS-SV (không rõ đã chính xác chưa), đa phần các em là chăm ngoan, có đạo đức tốt, siêng năng học tập, trau dồi kiến thức, có ước mơ, hoài bão cho tương lai. Bên cạnh đó có một bộ phận (chiếm tỷ lệ nhỏ) chưa tốt. Nhưng cái sự “chưa tốt” của một “bộ phận nhỏ” này lại gây băn khoăn, lo lắng cho gia đình và xã hội… Có thể thấy những hành vi vi phạm đạo đức của trẻ em (cả thanh niên lẫn thiếu niên) rất đa dạng, ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực, với nhiều hình thức vi phạm (kể cả cướp của, giết người) mà trước đây chưa lâu, những hành vi phạm tội này là rất… xa lạ với độ tuổi các em. Đây được xem là hậu quả do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống?!

Khởi đầu cho những hành vi ấy là thiếu tính trung thực. Tục ngữ có câu: “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” là đặt niềm tin tuyệt đối vào tính trung thực của trẻ. Nhưng giờ đây, niềm tin ấy đã bị mai một, méo mó do ý thức trẻ gây ra. Theo khảo sát của Viện nghiên cứu và phát triển Giáo dục cho thấy: có đến 8% học sinh tiểu học có hành vi quay cóp trong thi cử, học sinh THCS là 55%, THPT là 60% (tăng theo từng cấp học); hành vi gian dối cha mẹ cũng tăng tương tự như thế: tiểu học là 22%, THCS là 50%, THPT là 64% - càng lên cao, HS-SV vi phạm đạo đức càng tăng?! Ở lĩnh vực khác, theo số liệu tổng hợp của Bộ GD-ĐT: có khoảng 1.600 vụ HS-SV đánh nhau trong và ngoài trường học/năm (bình quân 5 vụ/ngày). Việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức như: nói tục, chửi thề, chửi bậy, gây gổ, trốn học, trộm cắp, thiếu tôn trọng thầy cô… là khá phổ biến. Hiện tượng lệch lạc về đạo đức: sống buông thả, yêu đương sớm, ham hưởng thụ, bi quan, chán nản, hung hãn, côn đồ, tham gia các tệ nạn xã hội (kể cả vi phạm pháp luật)… Đây thật sự là nỗi nhức nhối cho gia đình và xã hội.

Nguyên nhân của sự xuống cấp cũng đã thấy. Nguyên nhân có tính bao trùm là do mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho nhiều thang giá trị bị đảo lộn - Ở đó đồng tiền trực tiếp chi phối làm đảo lộn giá trị đạo đức, nhân phẩm con người. Sự “xâm lấn” của văn hóa ngoại lai (“văn hóa” đồi trụy, bạo lực, thực dụng, hiện sinh…) thông qua sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh… tác động làm cho đầu óc còn non trẻ của các em “mất phương hướng”, viển vông, ảo tưởng… xúc tác bởi sự “nổi loạn” của tuổi mới lớn càng làm cho chuẩn mực đạo đức truyền thống bị lệch chuẩn…

Một nguyên nhân rất cơ bản là bắt đầu từ gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Gia đình là tế bào của xã hội - Gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Thực tế đã chứng minh, các em sinh ra ở gia đình lương thiện thì hiếm khi trở thành kẻ xấu, kẻ ác. Ngược lại gia đình chưa tốt, có cha mẹ rượu chè, cờ bạc, tranh cãi, bạo lực, không hạnh phúc, đổ vỡ hôn nhân… sẽ tạo áp lực cho trẻ dẫn đến chán nản, bi quan, rơi vào tệ nạn xã hội. Bởi gia đình là “cái nôi” hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Mọi hành vi, cử chỉ, thái độ, tình cảm của cha mẹ đều tác động sâu sắc tới sự hình thành nhân cách của trẻ em.

Nguyên nhân thứ nữa là nhà trường. Nhà trường là nơi các em “học khôn” cả về tri thức cả về nhân cách, đạo đức. Ở đây, người thầy là vô cùng quan trọng. Bởi người thầy là tấm gương phản chiếu trực tiếp vào ý thức của các em trong suốt quá trình “học khôn” và cả cuộc đời sau này chứ không phải là người “lái đò”, khi đò sang sông là xong trách triệm như một số người đã nghĩ. Có câu: “Thầy nào - trò đó”. Thầy mẫu mực, độ lượng - hiếm có trò… vô lễ! Nhưng trong thực tế đã qua, nhiều lúc, ở nhiều trường học đã xao nhãng, thiếu chú trọng đến mối quan hệ thầy - trò!... Rồi việc dạy các môn học có liên quan đến đạo đức cũng bị xem nhẹ; môn học Giáo dục công dân ở một số trường gần như là môn phụ hoặc dạy lơ là cho có, còn thầy thì thiếu tâm huyết…

Thực trạng đạo đức công dân của HS-SV đã thấy. Nguyên nhân đã được chỉ ra. Vậy giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn sự “xuống cấp về đạo đức” - một trạng thái vốn không là bản chất của trẻ em như triết lý của Mạnh Tử: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (tức con người sinh ra vốn đã thiện). Hiền, dữ là do sự tác động của xã hội nói chung tạo nên.

Thiết nghĩ, giải pháp tốt nhất nhằm hạn chế những hành vi lệch lạc về đạo đức vẫn không gì tốt hơn là sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Gia đình quan tâm, chăm sóc, gần gũi, thương yêu, chia sẻ những tâm tư, ước vọng của các em. Nhà trường, bên cạnh việc dạy chữ, cần chú trọng đến dạy làm người, dạy kỹ năng sống. Hai việc này đều quan trọng như nhau trong suốt quá trình giáo dục - đào tạo. Xã hội - đặc biệt là các đoàn thể cần tìm, cần tạo ra “bầu không khí lành mạnh” cho các em. Ở đó là sân chơi, là các cuộc sinh hoạt tập thể, là thể dục - thể thao, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa… thu hút, đừng để các em có những “khoảng trống… tiêu cực”. Để các em có điều kiện phấn đấu, rèn luyện để trở thành công dân có ích cho đất nước.

Tóm lại, cho đến hiện tại, nguyên lý giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là xây dựng mối quan hệ “tam giác” nhà trường, gia đình và xã hội - trong đó giáo dục gia đình có vai trò quan trọng đi đầu - xin được nhấn mạnh như vậy. Bởi gia đình là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của mỗi gia đình, dòng tộc, dân tộc…, là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách con người - như cách nói của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý. Ba thành tố này chính là “trụ đỡ” vững chắc giúp các em không bị “sa ngã” trước sóng gió cuộc đời…

Đạo đức tồn tại ở nhiều trình độ khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức cá nhân, nhóm người, xã hội, của tầng lớp và của thời đại… Việc thực hiện chuẩn mực đạo đức mang tính “tự kiểm tra” bởi chính con người cụ thể. Ba thành tố “trụ đỡ” nếu luôn “kiểm tra”, quan tâm, nhắc nhở, tâm huyết, trách nhiệm… ắt hẳn những chuẩn mực đạo đức truyền thống sẽ được “lưu giữ” trong ý thức của HS-SV.

Nguyễn Duy Hoàng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.