Giáo dục - Học Đường

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Sự kỳ vọng của người trong cuộc

Thứ Sáu, 06/12/2019 | 16:31

Chỉ còn khoảng 9 tháng nữa là học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học sách giáo khoa (SGK) của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy rằng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố kết quả thẩm định SGK hồi cuối tháng 11 nhưng phía trước vẫn là một hành trình dài với ngổn ngang nỗi lo của những người trong cuộc…

Học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới trong năm học 2020 - 2021. Trong ảnh: Giờ học của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

Nhiều nỗi lo

Chương trình GDPT mới dự kiến áp dụng cho học sinh lớp 1 trong năm học 2020 - 2021 theo hình thức “cuốn chiếu”. Tức là từ năm 2021 - 2022 sẽ áp dụng SGK mới cho học sinh lớp 2, lớp 6; năm tiếp theo là lớp 3, lớp 7, lớp 10… Điều này cũng đồng nghĩa với việc để truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh, đòi hỏi giáo viên phải có thời gian dày công nghiên cứu, phân tích để nắm vững chương trình GDPT tổng thể, chương trình môn học, cũng như mối liên hệ giữa các môn học với nhau. Bởi, chương trình lần này được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, khác hoàn toàn với chương trình hiện hành là tiếp cận nội dung.

Theo đó, SGK đã cụ thể hóa những yêu cầu, mục tiêu thông qua các bài học. Và yêu cầu đặt ra cho mỗi giáo viên là phải phân tích được những mục tiêu cần đạt được của từng chủ đề nội dung dạy học, giải mã các hoạt động, xác định được mức độ nhận thức, thiết kế chuỗi các hoạt động học tập. Ngoài ra, giáo viên cần phải có những kỹ năng thiết kế các hoạt động học tập được biểu đạt bằng các câu hỏi, bài tập, bài toán, dự án…

Dù đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để nhập cuộc, nhưng rất nhiều giáo viên có thâm niên trong giảng dạy chương trình lớp 1 tỉnh nhà cũng tỏ ra băn khoăn. Bởi thẳng thắn mà nói, dù có chuẩn bị tâm thế chủ động ra sao thì việc triển khai chương trình SGK mới là thách thức đối với giáo viên. Giáo viên cần phải được tập huấn, đào tạo lại kỹ càng để hiểu chương trình, phương pháp dạy học mới. Khó khăn đến đâu giáo viên cũng không ngại, chỉ lo lắng chuyện “đầu voi đuôi chuột”, hô hào đổi mới phương pháp dạy học rầm rộ nhưng lại tổ chức tập huấn qua loa, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Khi ấy, việc đứng lớp của giáo viên và học tập của học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn, đôi khi lại phản tác dụng…

Cũng như nhiều phụ huynh đang phập phồng lo sợ con em mình sẽ trở thành “chuột bạch” của chương trình GDPT mới, chị Ngọc Bích (phường 5, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Năm học sau không riêng gì con tôi mà rất nhiều cháu trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ được học chương trình mới khác hoàn toàn với chương trình GDPT hiện hành. Vẫn biết, việc thay đổi chương trình đều hướng đến lợi ích của người học, phát huy vai trò trung tâm theo hướng tiếp cận năng lực học sinh. Nhưng lớp 1 được xem là năm học bản lề, là nền tảng đánh dấu bước ngoặt quan trọng của trẻ từ bậc mẫu giáo lên tiểu học, nếu áp dụng không khéo có khi lại làm hỏng cả một thế hệ…”.

Mong chờ những lựa chọn đúng đắn

Sau quá trình thẩm định 49 bản thảo ở 9 môn học, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 32 cuốn của 8 môn. Riêng môn Tiếng Anh lớp 1 chưa được phê duyệt do là môn tự chọn. Theo kế hoạch của Bộ, trong tháng 12/2019 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK lớp 1. Việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT trên địa bàn sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định. Riêng thành phần tham gia Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh sẽ gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học, đặc biệt chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy các môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Việc lựa chọn phải đảm bảo nguyên tắc những sách thuộc danh mục đã được Bộ phê duyệt, cho phép sử dụng công khai, minh bạch. SGK được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và điều kiện tổ chức hoạt động dạy - học.

Sau khi các địa phương hoàn thành việc lựa chọn SGK lớp 1, các nhà xuất bản có SGK được địa phương lựa chọn sẽ phối hợp tập huấn sử dụng SGK cho tất cả giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 và phải hoàn thành trước ngày 30/6/2020.

Để lựa chọn được những quyển SGK đúng như kỳ vọng của địa phương, đòi hỏi những người trực tiếp tham gia cần có những cái đầu tỉnh và cái tâm sáng của những người làm giáo dục; đừng vì những động cơ, mục đích không trong sáng dẫn đến những lựa chọn thiếu sáng suốt.

Và xã hội, người dân Bạc Liêu còn kỳ vọng những giáo viên cốt cán được lựa chọn tham gia các khóa tập huấn trực tuyến với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương hãy sử dụng tài khoản được đăng ký đúng người, đúng việc, tích lũy những vốn kiến thức chuẩn, bài bản nhất theo mô-đun của Bộ để về tập huấn lại cho các giáo viên địa phương một cách hiệu quả nhất. Một khi đã chủ động, sẵn sàng tâm thế để nhập cuộc thì việc đổi mới chương trình, SGK sẽ không còn là rào cản đối với ngành Giáo dục Bạc Liêu.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.