Giáo dục - Học Đường

Đề tài đoạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020: Tự hào trí tuệ học sinh Bạc Liêu

Thứ Tư, 30/12/2020 | 15:53

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Cuộc thi thu hút 754 đề tài của các tác giả đến từ 57 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Dự thi với 20 sản phẩm, đoàn Bạc Liêu đoạt 1 giải Nhì, 1 giải Khuyến khích. Với đề tài mang tính mới, phạm vi áp dụng thực tế cao, 2 học sinh, Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) đã mang đến bất ngờ cho nhiều người.

Hai học sinh Trần Như Ý và Trần Tấn Duy nhận giải trong Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 16 năm 2020, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/12/2020.

Sáng tạo từ thực tế học tập

Chúng tôi gặp 2 nhà sáng tạo trẻ vào buổi xế trưa tại văn phòng của Hiệu trưởng, khi các em vừa hoàn thành bài thi cuối của học kỳ 1, năm học 2020 - 2021. Hai em cho biết vừa đi nhận giải ở Hà Nội về là lao ngay vào thi học kỳ vì năm nay đã là năm cuối cấp. Năm học này, Trần Như Ý học lớp 12C1, còn Trần Tấn Duy học lớp 12C4. Giải thưởng các em đoạt được khi còn học lớp 11, năm học 2019 - 2020. Đó là giải pháp “Đo độ lớn lực ma sát trượt và kiểm chứng các yếu tố ảnh hưởng đến lực ma sát trượt”.

Dù vẻ mặt còn rất mệt mỏi do vừa trải qua kỳ thi cuối học kỳ căng thẳng, nhưng khi nói về giải pháp dự thi của mình, em Trần Như Ý rất hồ hởi: Đo độ lớn lực ma sát trượt là vấn đề quan trọng đối với mỗi học sinh cũng như giáo viên giảng dạy môn Vật lý. Trong quá trình học tập, em đã được học qua chương trình Vật lý lớp 10, và ở bài “Lực ma sát” có định lượng độ lớn lực ma sát trượt và tìm hiểu độ lớn của lực ma sát trượt phụ thuộc hoặc không phụ thuộc những yếu tố nào. Theo lý thuyết, để tìm độ lớn lực ma sát trượt ta kéo vật chuyển động thẳng đều trên mặt phẳng nằm ngang, lực kéo theo phương ngang. Khi đó số chỉ lực kế cho ta biết độ lớn lực ma sát trượt. Trong quá trình thực hiện thí nghiệm theo sách giáo khoa, chúng em thấy vấn đề khó khăn mà mọi học sinh đều gặp phải đó là rất khó và hầu như không thể kéo vật chuyển động thẳng đều bằng tay. Nếu có cố gắng kéo được vật chuyển động thẳng đều thì cũng không thuyết phục vì không có cơ sở chứng minh rằng tay ta kéo vật chuyển động thẳng đều mà chỉ là cảm tính.

Hay ở phần kiểm chứng độ lớn lực ma sát trượt không phụ thuộc tốc độ của vật thì chúng em kéo vật ở các tốc độ khác nhau và giữ nguyên các yếu tố còn lại, khi đó độ lớn lực ma sát như nhau thì kết luận độ lớn lực ma sát không phụ thuộc tốc độ, nhưng chúng em chỉ kéo bằng tay thì cũng không có cơ sở chứng minh tốc độ vật ở các lần kéo khác nhau là khác nhau và cũng không thuyết phục người xem. Trước thực tế đó, thầy Nguyễn Phương Nam, giáo viên dạy môn Vật lý đã hướng dẫn em và bạn Duy tiến hành nghiên cứu và thực hiện đề tài để tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp trường.

Trần Như Ý và Trần Tấn Duy bên pa-nô trưng bày giải pháp đoạt giải Nhì của mình tại Hà Nội. Ảnh: Tiểu Thanh

Hứa hẹn nhiều triển vọng

Ông Dư Quốc Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Giá Rai, cho biết: “Dù trường được trang bị dụng cụ để giáo viên giảng dạy và học sinh làm thí nghiệm cho môn Vật lý, nhưng qua thực tế giảng dạy cho thấy dụng cụ này cho kết quả không chính xác, do ảnh hưởng nhiều yếu tố khách quan. Khi kiểm chứng giải pháp sáng tạo của 2 học sinh Trần Như Ý và Trần Tấn Duy, chúng tôi thấy kết quả khá khả quan nên đã mạnh dạn đưa giải pháp này đi tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD-KH&CN tổ chức (đoạt giải Nhì, cuộc thi không có giải Nhất) và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh năm 2020 (cũng đoạt giải Nhì)”.

Em Trần Tấn Duy chia sẻ: Giải pháp dự thi của chúng em có những tính mới và sáng tạo. Cụ thể là kéo vật chuyển động thẳng đều một cách chính xác; lực kéo có phương ngang và cùng chiều chuyển động một cách chính xác; số chỉ của lực kế ổn định dễ xác định giá trị; thay đổi tốc độ vật một cách chính xác và có cơ sở định lượng rõ ràng; điểm đặc biệt là trên thiết bị có gắn camera, camera kết nối với laptop và laptop được kết nối với máy chiếu, vì thế khi thực hiện thí nghiệm về lực ma sát hoặc đo độ lớn của lực ma sát trượt thì tất cả học sinh trong lớp đều quan sát được.

Nói về tính thực tế, sản phẩm hoàn chỉnh của đề tài này có thể áp dụng được cho tất cả các học sinh cấp THCS và THPT trên toàn Việt Nam nói riêng, và cả thế giới nói chung sử dụng để giảng dạy và học tập mang lại hiệu quả cao đối với nội dung kiến thức bài “Lực ma sát”. Vì qua tìm hiểu, hiện tại ở Việt Nam và trên mạng Internet, khi thực hiện đo lực ma sát trượt thì người ta chỉ móc lực kế vào vật và kéo bằng tay, chưa có thiết bị đo nào đo lực ma sát một cách chính xác giống như giải pháp mà hai em thực hiện.

Hiện tại, sản phẩm này được đưa vào áp dụng giảng dạy cho khối lớp 10 của Trường THPT Giá Rai, giúp học sinh có cái nhìn trực quan và thuyết phục, góp phần nâng cao chất lượng tiết học. Thầy Nguyễn Phương Nam cũng đã sử dụng sản phẩm để dạy bài “Lực ma sát” trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh do Sở GD-KH&CN tổ chức và đã đạt kết quả cao. Giải pháp này cũng được Ban giám khảo chọn để báo cáo mẫu trước Hội đồng Vật lý của tỉnh và được đánh rất giá cao.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.