Giáo dục - Học Đường

Để nội dung giáo dục địa phương thật sự thu hút học sinh

Thứ Sáu, 08/01/2021 | 16:17

Nội dung giáo dục địa phương đã được đưa vào giảng dạy tích hợp ở một số môn học từ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh. Thông qua những bài học về kiến thức địa phương đã giúp học sinh tường tận hơn về vùng đất mà mình đang sinh sống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan, nội dung giáo dục này vẫn còn mang tính dạy và học “chay”, chưa mang đến cho học trò những trải nghiệm thật về văn học, lịch sử, địa lý… địa phương mà mình được học.

Nội dung giáo dục gần gũi, phong phú

Theo phản hồi của giáo viên, học sinh bậc THCS, THPT thì tài liệu giáo dục địa phương hiện hành, ngoài việc bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT, hệ thống đầy đủ kiến thức địa phương của Bạc Liêu, còn góp phần làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan đến từng lĩnh vực của 3 bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý trong tổng thể quá trình phát triển của vùng miền và đất nước.

Không chỉ vậy, nội dung giáo dục lại phong phú, gần gũi, giúp học sinh nắm bắt các kiến thức cơ bản về địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế; quá trình hình thành và phát triển Bạc Liêu qua từng giai đoạn lịch sử; đặc điểm văn hóa, danh nhân và di tích, danh lam thắng cảnh; văn học Bạc Liêu từ dân gian đến hiện đại… Qua đó, dễ dàng giáo dục học trò tình yêu quê hương, gắn bó với nơi chôn nhau cắt rốn.

Dù được tích hợp, lồng ghép vào giảng dạy nhưng cái hay của nội dung giáo dục địa phương là giúp người học xâu chuỗi thông tin, cảm nhận được những đặc điểm của quê hương Bạc Liêu trong tiến trình phát triển. Đơn cử như môn Ngữ văn, phần Tiếng Việt hướng đến khắc phục những lỗi chính tả mà học sinh khi nói và lúc viết thường phạm phải, cung cấp một số kiến thức cơ bản về phương ngữ và kỹ năng sử dụng từ ngữ địa phương. Phần văn học dân gian ngoài truyện kể, truyện cười, các tác giả, tác phẩm văn học Bạc Liêu trước và sau năm 1975 còn giới thiệu cả ca dao, tục ngữ, trò chơi dân gian của Bạc Liêu…

Trong môn Địa lý, nội dung cập nhật nhiều số liệu thống kê những năm gần đây, nhất là phần địa lý dân cư - kinh tế, tạo nên sức hấp dẫn và tính thiết thực của môn học, hướng đến giới thiệu khái quát bức tranh kinh tế, dân cư và địa lý, du lịch Bạc Liêu. Hay môn Lịch sử, cung cấp các sự kiện tiêu biểu của quá trình hình thành và phát triển của Bạc Liêu gắn liền với tiến trình lịch sử dân tộc: phong trào đấu tranh của Nhân dân Bạc Liêu trước khi Đảng ra đời, giai đoạn 1930 - 1945, 1946 - 1954 và 1954 - 1975; đặc trưng văn hóa Bạc Liêu, các nhân vật lịch sử tiêu biểu và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của quê hương Bạc Liêu trong giai đoạn 1975 - 2000…

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) trong hoạt động ngoại khóa về giáo dục lịch sử địa phương. Ảnh: Đ.K.C

Hạn chế các hoạt động trải nghiệm

Dù nội dung giảng dạy được xây dựng phong phú, đa dạng nhưng do giới hạn về thời lượng, kinh phí tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ liên quan như: trải nghiệm thực tế các nội dung đã học, hành trình về các địa chỉ đỏ, các hoạt động ngoại khóa… trong giáo dục địa phương nên nội dung này chưa thật sự thu hút, tạo hiệu ứng lan tỏa trong học sinh các trường.

Trước thực tế này, giáo viên phụ trách các bộ môn liên quan, các Đoàn trường, liên Đội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Theo đó, giáo viên các trường đã thiết kế những bài giảng điện tử sôi động, kết hợp với những video, hình ảnh minh họa hấp dẫn; khuyến khích học sinh tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm những tranh ảnh có liên quan đến lịch sử, văn hóa, địa lý… địa phương trước mỗi nội dung bài học liên quan, nên dù chưa được trải nghiệm thực tế, học sinh cũng dễ dàng hình dung được những kiến thức cần nắm.

Các đoàn trường, liên đội thì tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, hay hành trình về các địa chỉ đỏ trên địa bàn để tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên, các buổi ngoại khóa lồng ghép trong tiết chào cờ đầu tuần… nhân các ngày lễ lớn để học sinh có thêm nhiều trải nghiệm, hứng thú hơn với nội dung giáo dục này.

Cô Huỳnh Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), bày tỏ: “Nội dung giáo dục địa phương muốn phát huy hiệu quả thì phải tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tham quan thực tế. Nhưng hiện tại các trường đều vướng về kinh phí, thời gian, con người, tổ chức. Được biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục địa phương đối với cấp THCS, THPT sẽ có thời lượng nhiều hơn với 35 tiết/năm học, như vậy trong 7 năm các em sẽ có đến 245 tiết học về nội dung giáo dục địa phương. Với thời lượng rộng, phân công hẳn hoi giáo viên phụ trách thì tin rằng nội dung giáo dục này sẽ hấp dẫn, phong phú và thu hút học sinh hơn bởi những hoạt động trải nghiệm thực tế”.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.