Giáo dục - Học Đường

Cô Tạ Thanh Nguyệt: Người mẹ hiền "thứ hai!"

Thứ Sáu, 28/12/2018 | 16:47

Đến Trường THCS Phong Thạnh Đông (xã Phong Thạnh Đông, TX. Giá Rai) hỏi cô Tạ Thanh Nguyệt (ảnh), từ giáo viên đến học sinh đều nhắc đến cô bằng sự yêu mến, quý trọng. Bởi lẽ, cô không chỉ hoạt bát, dễ gần, mà còn giống như “người mẹ hiền thứ hai” luôn cảm thông, thấu hiểu cho lứa tuổi THCS “khó bảo” - tuổi lửng lơ giữa người lớn và trẻ con.


Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ (tiếng Anh) - Trường cao đẳng Sư phạm Bạc Liêu, năm 1998, cô Nguyệt được phân công về Trường THCS Phong Thạnh Đông công tác đến giờ. Cô thường tâm sự với đồng nghiệp: “Vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp trong trường phổ thông là hết sức quan trọng. Ngoài chức năng, nhiệm vụ của một giáo viên, người chủ nhiệm là người quản lý toàn bộ hoạt động giáo dục của lớp mình, đặc biệt là việc chăm lo phát triển nhân cách của học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp là “cầu nối” giữa Ban giám hiệu trường với học sinh, cha mẹ các em và đoàn thể mà các em sinh hoạt”.
Đối với cô Nguyệt, học sinh bậc THCS không còn trẻ con như học sinh tiểu học, nhưng cũng không phải lớn như học sinh THPT. Đang trong độ tuổi “dậy thì”, “tuổi khủng khoảng”, “tuổi khó bảo” nên để giáo dục các em, phải có biện pháp thật thích hợp. “Tôi thường gần gũi, thấu hiểu, chia sẻ cùng học sinh như một người bạn của các em; tạo điều kiện để các em phát huy dân chủ, vai trò tự quản, tự giác, tự giáo dục; thương yêu, độ lượng với học sinh như người mẹ và cho lời khuyên đúng lúc để giúp các em trưởng thành”, cô chia sẻ.
Quả vậy, vào những ngày đầu tiên của năm học, bao giờ cô cũng cho học sinh lớp mình thảo luận, xây dựng quy chế riêng của lớp. Mọi hoạt động của lớp, không bao giờ cô ra lệnh, hay áp đặt mà chỉ giữ vai trò “cố vấn”, gợi ý cho cán bộ lớp đưa ra tập thể để trao đổi, bàn bạc và quyết định. Cũng có những lần lớp bàn bạc không thành, nhưng cô không nôn nóng mà dành thời gian riêng để gặp, trao đổi, thuyết phục những em có ý kiến ngược chiều.
Với khả năng của mình, lãnh đạo trường thường giao cho cô chủ nhiệm những lớp chất lượng đầu vào thấp, các em không chăm học và không ít em được liệt vào loại “cá biệt”. Vậy mà qua sự uốn nắn của cô, các em bắt đầu thay đổi tâm tính, chăm ngoan hơn, chuyên cần hơn và chất lượng học tập ngày càng được cải thiện.
Cô cho rằng để làm tốt vai trò chủ nhiệm lớp, người giáo viên không chỉ biết tổ chức, hướng dẫn cho tập thể lớp hoạt động; phát huy năng lực tự quản của học sinh mà còn phải tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích để nắm được đặc điểm, hoàn cảnh, tâm sinh lý, trình độ, năng lực của từng học sinh trong lớp. Bởi vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn, giáo viên phải không ngừng học hỏi, tích lũy để có nghiệp vụ của một nhà tổ chức, một nhà tâm lý, một nhà giáo dục; phải tự rèn luyện để có tấm lòng của một người cha, người mẹ và đặc biệt hơn hết phải là tấm gương sáng cho học trò noi theo. 
Đình Tứ

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.