Giáo dục - Học Đường

Chuyện về “người mẹ thứ hai”

Thứ Tư, 13/12/2017 | 16:01

Gần đây, những vụ bạo hành trẻ nhỏ ở các lớp mẫu giáo, điểm giữ trẻ tư nhân khiến xã hội phẫn nộ đối với những bảo mẫu vô nhân tính! Nhưng đó chỉ là con số rất ít - vài “con sâu làm rầu nồi canh”. Bên cạnh đó, sự hy sinh thầm lặng của những “người mẹ hiền thứ hai” của trẻ nhỏ đôi khi lại chưa được mọi người nhìn nhận tỏ tường!

“Mẹ và cô - ấy hai mẹ hiền”. Ảnh: C.T

Bích Trâm là một giáo viên mầm non, tuổi đời còn rất trẻ. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con một trong nhà. Điều kiện gia đình tốt, học lực khá giỏi, thế nhưng thay vì chọn một hướng đi an nhàn, cô lại chọn một cái nghề khá nhọc nhằn: nuôi dạy trẻ mầm non. Khi chưa lập gia đình, Trâm toàn tâm toàn ý với công việc ở trường mầm non, nhưng đến khi lập gia đình, có con nhỏ, cô đã đối mặt với khá nhiều vất vả để cân bằng việc nhà - việc chăm sóc con - việc trường. Tuy nhiên, Bích Trâm vẫn quyết tâm không bỏ nghề, chỉ với lý do duy nhất: yêu mến trẻ!

Nguyễn Cẩm The lại đến với nghề vì một lý do khác. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Ngữ văn, cô loay hoay xin việc làm đủ chỗ. Từ cộng tác viên Đài Truyền thanh huyện với mức lương vài trăm ngàn đồng mỗi tháng không đủ chi phí… đổ xăng, Cẩm The chuyển sang làm nhân viên khách sạn ở tận huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Rồi trong một lần tình cờ, cô được người quen giới thiệu về dạy ở Trường mầm non Tâm Tâm. Ban đầu cô giáo trẻ “trái nghề” này chỉ xem công việc ấy như “chiếc phao” cho kẻ thất nghiệp, nhưng dần dần thấy mình ngày càng yêu nụ cười, tiếng bi bô tập đánh vần, giọng ca líu lo của các trẻ mầm non. Khi lập gia đình, chồng The hỏi xin cho cô được một chỗ làm ưng ý hơn, nhưng cô vẫn quyết định trụ lại nghề giữ trẻ, dù đồng lương không đủ để cô trang trải cuộc sống gia đình mới. Chưa kể mai này hai vợ chồng lại có con nhỏ, sẽ vất vả trăm bề vì quỹ thời gian cho một ngày của cô giáo mầm non hầu hết là ở trường!

Nhìn vào công việc hàng ngày của những cô giáo, bảo mẫu nuôi dạy trẻ, tôi cho rằng chỉ có hai động cơ khiến họ chọn lấy nghề này: một là vì yêu trẻ; hai là vì không còn con đường nào để chọn lựa!

Tại sao lại nói không còn con đường nào mới đi dạy trẻ? Bởi nuôi dạy trẻ cực khổ trăm bề và đối mặt với bao nhiêu là áp lực. Trẻ thì đa số hay quấy khóc, nghịch ngợm, thậm chí là đánh nhau, các cô phải chăm một lúc mấy chục đứa, chuyện khóc nhè, thậm chí là “ăn vạ” trong lớp đã trở thành… chuyện như cơm bữa mà các cô phải thật kiên trì mới có thể dỗ dành các cháu. Các cô chỉ có thể ngơi tay trong giờ nghỉ trưa. Đặc thù công việc của giáo viên mầm non là làm việc cả ngày, cho nên vừa xong công việc chăm sóc trẻ đã lắm áp lực ở trường, chạy về nhà các cô phải chợ búa, sắp xếp công việc thật nhanh trong một buổi chiều tối để sáng sớm hôm sau lại đến trường, cái guồng quay công việc của họ luôn nằm trong hai chữ: tất bật! Nên tôi nghĩ, nếu không phải xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ thì còn lại là do không tìm được việc làm.

Nuôi dạy trẻ không chỉ đòi hỏi những khả năng bình thường, mà cần những kỹ năng “trên mức bình thường” thuộc về đạo đức: sự cần mẫn, sự chịu đựng, sự tận tâm và biết yêu thương con của người khác như chính con của mình - mà những kỹ năng này không phải ai cũng có được. Tôi chưa từng một ngày trọn vẹn chăm sóc cho đàn con trẻ đến vài chục đứa, nhưng tôi thừa khả năng hình dung ra công việc ấy vất vả như thế nào. Xin hỏi các phụ huynh, cảm giác của các vị như thế nào khi gửi con vào lớp học, tôi cam đoan rằng có hơn 90% trả lời rằng: cảm thấy yên tâm (nếu không muốn nói vui là thở phào nhẹ nhõm) để quay sang làm những việc khác mà không phải lo lắng việc trông coi, chìu theo bao nhiêu là “yêu sách” của một đứa trẻ trong cả ngày dài. Lúc chúng ta - những phụ huynh đã an tâm gửi con vào lớp học cũng là lúc những cô giáo mầm non gánh lấy trách nhiệm nặng nề. Trẻ nhỏ rất hiếu động, hai ngày cuối tuần, giữ một đứa con thôi, nhiều vị đã “oải”, đằng này một lớp học có đến vài chục đứa - là vài chục tính cách khác nhau. Tôi rất thương con, chưa từng đánh con một lần, vậy mà đã hai lần nó đi học về với đôi mắt quầng tím và lần khác là mặt bị in dấu răng của bạn. Những lần như thế, cô giáo của con tôi luôn nhẹ nhàng nài nỉ tôi đừng “méc” với Ban giám hiệu trường. Các cô hãy yên tâm, tôi thật sự nóng ruột với những chỗ đau của con mình nhưng đủ bình tĩnh để hiểu rằng: đó là sự sơ suất ngoài ý muốn, chỉ cần cô giáo quay sang lo chuyện ăn, chuyện mặc cho đứa này thì đứa kia có thể nhanh chóng đấm vào mắt bạn, cắn một phát vào mặt bạn mà cô giáo không thể nào trở tay kịp!

Nhiều phụ huynh bảo rằng lễ tết là dịp để “làm nghĩa vụ” đối với các cô. Tôi cho rằng, đó là chuyện của lòng biết ơn thì đúng hơn! Với tôi, mục đích tặng quà hay hỗ trợ các cô một số tiền nho nhỏ, không phải để các cô chiếu cố gì cả, mà là để tỏ tấm lòng biết ơn của mình đối với các cô, đơn giản chỉ là như thế!

Tôi từng phẫn nộ khi xem những clip bạo hành trẻ nhỏ của các bảo mẫu, nhưng bên cạnh sự lên án của xã hội đối với một con số rất ít - những con sâu làm rầu nồi canh - tôi cũng hiếm thấy có một sự tôn vinh xứng đáng đối với những cô giáo mầm non, mà tôi muốn gọi họ là những “người mẹ thứ hai” - đúng nghĩa nhất - của con mình! Những danh hiệu cao quý dành cho nghề “trồng người” ít khi thấy xướng tên những cô giáo mầm non nuôi dạy trẻ. Trong khi đó, tôi biết có những người đã gắn bó trọn đời mình với cái nghiệp nhọc nhằn này, những hy sinh của họ cuối cùng vẫn là sự hy sinh thầm lặng!

PHAN TỪ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.