Giáo dục - Học Đường

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều cải tiến so với chương trình hiện hành

Thứ Sáu, 04/01/2019 | 17:51

Bộ GD-ĐT vừa công bố chương trình đào tạo dành cho phổ thông mới với nhiều bước cải tiến so với chương trình hiện hành. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới (CTPTM) bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, THCS và THPT. Chương trình mới được chia thành 2 giai đoạn chính: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 - 9), giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12) và được thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Giờ học Tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

Cải tiến trên tinh thần kế thừa chương trình hiện hành

Nếu như chương trình hiện hành gần như đồng nhất với tất cả học sinh (HS), việc hướng nghiệp cho HS sau khi hoàn thành chương trình phổ thông là chưa rõ ràng thì CTPTM được xác định mục tiêu rõ ràng và chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1: Từ lớp 1 - 9 tập trung cho giáo dục cơ bản. Trong giai đoạn này, thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404, chương trình được thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành, nhằm tạo thành môn học tích hợp, theo các chủ đề, tạo điều kiện cho HS lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của mình.

Giai đoạn 2: Từ lớp 10 - 12 sẽ tập trung giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ở giai đoạn này, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, HS được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Như vậy, việc kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục hiện hành, giáo dục con người toàn diện và đưa vào những điểm mới trong CTPTM sẽ làm cho chương trình giáo dục phù hợp hơn với sự phát triển của xu thế mới. Và giáo dục đạo đức, lý luận toàn diện, đổi mới đánh thức năng lực của HS là điều cần làm và được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm, điều chỉnh trong CTPTM.

Cụ thể, ở cấp tiểu học gồm 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4 và 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2 và 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4 và 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4 và 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1 và 2). Như vậy, ngay khi bước vào lớp 1, HS bậc học này đã có môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1. Xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ được đưa vào theo chương trình mới.

Cấp THCS, gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Môn Tin học trở thành bắt buộc ở bậc học này (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên sẽ tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp THPT, gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng - an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Đồng thời, cấp THPT có 5 môn học lựa chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Theo Bộ GD-ĐT, CTPTM sẽ triển khai với lớp 1 trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021. Các năm tiếp theo sẽ triển khai lần lượt với lớp tiếp theo.

Vẫn còn nhiều thách thức

Dù có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế thời đại, nhưng CTPTM cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với đội ngũ thực hiện chương trình. Trước nhất đó là việc thực hiện yêu cầu phát triển năng lực cho HS. Có thể nói, mục tiêu mà CTPTM hướng đến là phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho HS, cho nên người biên soạn chương trình, cán bộ quản lý, chỉ đạo, giáo viên và ngay cả HS phải nhận thức và xử lý đúng mối quan hệ giữa kiến thức với năng lực.

Thách thức thứ hai là việc thực hiện dạy học tích hợp. CTPTM thực hiện dạy học tích hợp theo 3 định hướng: Tích hợp nội môn (là tích hợp giữa các mảng kiến thức khác nhau trong cùng một môn học, tích hợp giữa yêu cầu trang bị kiến thức với việc rèn luyện kỹ năng); Tích hợp liên môn (tích hợp kiến thức của các môn học, khoa học có liên quan với nhau); và Tích hợp xuyên môn (tích hợp một số chủ đề quan trọng vào nội dung chương trình nhiều môn học). Bởi vậy, thách thức này đòi hỏi những người biên soạn CTPTM phải lựa chọn phương án tích hợp phù hợp để phát huy hiệu quả của việc dạy học tích hợp. Đồng thời, phải bảo đảm kiến thức cốt lõi của mỗi ngành khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế trong bước đầu thực hiện dạy tích hợp ở nước ta.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, cho rằng: Ngoài những thách thức về dạy học tích hợp thì CTPTM còn gặp nhiều thách thức về thực hiện dạy học phân hóa, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thực hiện chương trình… Trong đó, việc dạy học phân hóa đòi hỏi phải giảm sĩ số trong một lớp học để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá phù hợp các đối tượng HS khác nhau. Từ đó, có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng HS. Bên cạnh đó, yêu cầu phân hóa còn đòi hỏi nhà trường phải tăng số phòng học để sắp xếp lớp học một cách linh hoạt đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập. Và việc giáo viên người thì “quá tải”, người lại thất nghiệp vì phần giảng dạy không được HS lựa chọn cũng cần phải được tính đến.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.