Giáo dục - Học Đường

Bộ GD-ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020

Thứ Hai, 24/02/2020 | 17:18

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3/2020. Theo đó, khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 đã được điều chỉnh. Cụ thể là sẽ kết thúc năm học trước ngày 30/6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS trước ngày 15/7; tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15/8; thi THPT quốc gia từ ngày 23 - 26/7.

Học sinh các cấp sẽ đi học trở lại vào ngày 2/3/2020. Ảnh minh họa: C.K

Như vậy, 3 mốc thời gian: kết thúc năm học, xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS và thi THPT quốc gia được lùi 1 tháng so với quy định. Riêng việc tuyển sinh vào lớp 10 được lùi nửa tháng.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, căn cứ các mốc thời gian nêu trên, địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học. Trường hợp cho học sinh đi học muộn hơn, địa phương phải xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp kết thúc năm học và thi THPT quốc gia. “Nguyên tắc là phải dạy đủ thời lượng chương trình theo quy định, đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh”, ông Thành nói.

Một năm học có từ 35 - 37 tuần, tùy theo cấp. Hiện hơn 22 triệu học sinh cả nước mới hoàn thành xong tuần thứ 20, tuần đầu tiên của học kỳ II thì nghỉ Tết Nguyên đán từ 7 - 16 ngày, sau đó tiếp tục nghỉ thêm khoảng 1 tháng nữa để phòng tránh dịch COVID-19.

Ngày 20/2, trong bối cảnh 15/16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã xuất viện, 1 tuần Việt Nam không ghi nhận thêm ca bệnh mới, Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh gửi văn bản tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng GD-ĐT kiến nghị cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3, thi THPT quốc gia cuối tháng 7. Giải thích về đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - Lê Thanh Liêm nói, với hơn 13 triệu người sinh sống và làm việc, thành phố đã làm tất cả có thể để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Hiện trừ 3 trường hợp nhiễm bệnh từ nơi khác đến, TP. Hồ Chí Minh không ghi nhận ca bệnh nào. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên thế giới và các nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp, nên trong phòng chống dịch bệnh, cần tính toán mọi tình huống, kể cả xấu nhất để sẵn sàng chuẩn bị giải pháp ứng phó. Đề xuất của TP. Hồ Chí Minh “nhằm bảo đảm sự thận trọng cần thiết, phải lật đi, lật lại vấn đề trước khi quyết định cho đi học trở lại”.

Ngày 22/2, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo các Bộ Y tế, Ngoại giao đều cho rằng “với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc xem xét thời điểm cho học sinh, sinh viên đi học trở lại”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao 2 bộ: GD-ĐT, LĐ-TB&XH sớm điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019 - 2020. Nếu 2 bộ không quyết được thì Thủ tướng sẽ quyết định để làm căn cứ cho các địa phương thực hiện thống nhất.

Giải thích vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định cho học sinh nghỉ học mà chỉ kiến nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Giáo dục trung học, cho biết theo Nghị định 127, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động, chất lượng giáo dục, quản lý công chức, viên chức, người lao động và người học thuộc phạm vi quản lý.

Quyết định 2071 của Bộ GD-ĐT nêu rõ, Bộ ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với học sinh cả nước. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thời gian năm học đối với các cấp cho phù hợp với thực tiễn địa phương; thời gian nghỉ học và kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc cho trẻ em đi học trở lại phải đảm bảo an toàn về chuyên môn và an tâm về tâm lý. Nhưng hiện có khó khăn là học sinh mầm non, tiểu học còn bé, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân trong phòng chống COVID-19.

Châu Khánh (tổng hợp)

Trúc Ly

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.