Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thứ Hai, 28/02/2022 | 18:00

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho các ngành, địa phương có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 13.

Đưa KTTT thoát khỏi yếu kém

Nghị quyết 13 được ban hành trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng và 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 2000). Nền kinh tế nước ta đã có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, văn hóa - xã hội không ngừng tiến bộ; thế và lực của đất nước tăng cao, khả năng độc lập tự chủ được nâng lên, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, với tư cách là một trong những thành phần kinh tế quan trọng của đất nước, khu vực KTTT vẫn còn nhiều mặt yếu kém kéo dài, chưa đủ sức đảm nhiệm tốt vai trò cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 13 ra đời với mục tiêu phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX). Đây cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, trong đó phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm.

Nghị quyết 13 đã khắc phục kịp thời một số tồn tại của KTTT, đặc biệt thống nhất về nhận thức, quan điểm chỉ đạo về phát triển KTTT từ Trung ương đến địa phương và sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ phát triển cho loại hình này. Nghị quyết xác định “KTTT phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt, kinh tế nhà nước cùng với KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Đó cũng là tiền đề, nền tảng ra đời Luật HTX năm 2003 và năm 2012, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho KTTT phát triển. Từ năm 2002 đến nay, KTTT đã có bước chuyển biến rõ nét, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, tư duy HTX kiểu cũ dần được xóa bỏ, từng bước vươn lên khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và góp phần tích cực vào khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong quá trình thực hiện, Bạc Liêu đã vận dụng sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ gắn với phát triển KTTT và khuyến khích thành lập các HTX. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết 13 cũng luôn gắn chặt với thực hiện tái cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình thực hiện Nghị quyết đã mang đến hiệu quả cao và tạo nên những động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế. Tổng doanh thu của HTX đến năm 2021 đạt trên 2.247 triệu đồng (tăng 2.012 triệu đồng so với thời điểm năn 2001). Doanh thu bình quân của HTX đạt hơn 449 triệu đồng (tăng 402,3 triệu đồng so với thời điểm năm 2001). Trong đó, doanh thu của HTX đối với thành viên trên 1.393,4 triệu đồng (tăng 1.252 triệu đồng so với thời điểm năm 2001). Đặc biệt, thu nhập bình quân của thành viên HTX đến 2021 đạt trên 61 triệu đồng (tăng 56,5 triệu đồng so với thời điểm năm 2001) và thu nhập bình quân của lao động trong HTX đạt gần 58 triệu đồng (tăng 52,7 triệu đồng so với thời điểm năm 2001).

Thu hoạch tôm công nghiệp của HTX nuôi tôm TP. Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

Phát triển phù hợp với đặc điểm của địa phương

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và nâng cao vai trò của Nghị quyết 13 trong giai đoạn mới, chủ động tăng tốc và hội nhập kinh tế thế giới, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương giữ vững quan điểm, xác định KTTT là thành phần kinh tế quan trọng cùng kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân theo tinh thần Nghị quyết. Phát triển KTTT phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Đồng thời, Tỉnh ủy cũng xác định việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò quan trọng và tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể phối hợp chặt chẽ trong tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh và cả bộ máy chính trị trong phát triển KTTT.

.................................................................................................................................................................................................................................

* Mục tiêu phát triển KTTT của tỉnh Bạc Liêu đến năm 2030:

Toàn tỉnh có khoảng 1.000 tổ hợp tác (THT) với 22.000 thành viên; 340 HTX với 39.100 thành viên, 6 Liên hiệp HTX với 25 HTX thành viên.

Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% - 70% trên tổng số HTX toàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 25%; 80% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 20 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động.

* Tầm nhìn đến năm 2045:

Toàn tỉnh có khoảng 2.000 THT với 50.000 thành viên; 510 HTX với 53.500 thành viên, 14 Liên hiệp HTX với 70 HTX thành viên.

Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 80% trên tổng số HTX toàn tỉnh. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 50%; 95% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2045 toàn tỉnh có trên 75 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản.

Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 80% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

.................................................................................................................................................................................................................................

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.