Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bạc Liêu và những vấn đề đặt ra

Thứ Sáu, 22/04/2022 | 15:34

LTS: Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế của một địa phương ven biển, những năm qua, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu luôn xác định kinh tế biển là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và dồn sức tập trung lãnh đạo, có nhiều đột phá trong tư duy, cách làm, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành ở Trung ương cùng tháo gỡ để kinh tế biển ở Bạc Liêu tăng tốc, phát triển thật sự bền vững.

Bài 4: Nhận diện trở lực “níu chân” kinh tế biển

>> Bài 1: Từ lựa chọn đúng đắn đến nâng tầm tư duy về kinh tế biển

>> Bài 2: Chọn đúng khâu đột phá để kinh tế biển tăng tốc

>> Bài 3: Chưa khai phá hết những vỉa sâu biển bạc, rừng vàng

Xét về mặt bằng chung, Bạc Liêu vẫn là tỉnh gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, chênh lệch về thu, chi ngân sách tương đối lớn. Tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển ở Bạc Liêu không nhỏ. Chủ trương, đường hướng của tỉnh đã rõ, nhưng với một địa phương vừa thiếu về nguồn lực, yếu về nội lực thì những điểm nghẽn, trở lực đang “níu chân” kinh tế biển, khiến cho ngành kinh tế quan trọng này chưa thể bứt phá như kỳ vọng.

Công ty Cổ phần Việt - Úc Bạc Liêu ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: H.T

Thiếu nguồn lực, yếu nhân lực

Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận được nhiều phản ánh, tâm tư của các đồng chí lãnh đạo địa phương về những khó khăn của Bạc Liêu trong phát triển kinh tế biển, mà khó khăn lớn nhất là nguồn lực để đầu tư cho phát triển. Cũng như nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bạc Liêu vẫn chưa thể tự cân đối được thu, chi ngân sách, còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách Trung ương. Năm 2021, thu ngân sách toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, trong khi đó, chi ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Tỉnh ủy, để đáp ứng đủ nhu cầu chi cho đầu tư phát triển toàn tỉnh thì Bạc Liêu cần tới nguồn ngân sách gấp 10 lần như mức chi hiện nay. Thế nên, bức tranh kinh tế chung của toàn tỉnh và các ngành kinh tế biển nói riêng luôn trong tình trạng phát triển cầm chừng, không đủ nguồn lực để bứt tốc.

Do thiếu nguồn lực đầu tư nên ngay cả những ngành kinh tế biển chủ lực của Bạc Liêu, tốc độ phát triển vẫn ở mức độ khiêm tốn so với tiềm năng. Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều nêu thực tế: Với ngành năng lượng, do thiếu vốn nên việc đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải cao thế của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc triển khai các dự án này trong thời gian qua rất chậm nên ảnh hưởng tới phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực đầu tư nên cơ sở hạ tầng logicstic, như hệ thống cảng cá, kho, bãi tập kết hàng hóa, giao thông kết nối tuyến ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Điển hình như Cảng cá Gành Hào đã được quy hoạch là cảng cá loại I, đáp ứng được tàu công suất 600CV, tuy nhiên tiến độ triển khai cải tạo, nâng cấp hiện đang chậm so với dự kiến; chưa có quy hoạch chi tiết và chưa có phương án quản lý, khai thác, sử dụng theo tiêu chuẩn cảng loại I.

Cũng do nguồn lực đầu tư hạn chế nên kết cấu hạ tầng, nhất là điện, giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành tôm. Hiện hệ thống điện 3 pha phục vụ các vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh mới chỉ đạt gần 40% diện tích nuôi. Trong khi đó, nuôi tôm CNC có suất đầu tư lớn nên không thu hút được người dân tham gia. Mặt khác, hệ thống kênh mương bị bồi lắng nhanh; hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để đầu tư hằng năm, tuy nhiên, giữa nhu cầu và khả năng đầu tư của tỉnh còn rất nhiều hạn chế.

Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định một trong ba khâu đột phá để phát biển bền vững kinh tế biển là “Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu KH&CN tiên tiến, KH&CN mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao”. Thực tế, trong nhiều nghị quyết lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh những nhiệm kỳ gần đây cũng đặt ra vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng KH&CN trong các ngành kinh tế biển ở Bạc Liêu hiện khá khiêm tốn. Việc kết nối trong hoạt động chuyển giao KH&CN; cơ chế chính sách đãi ngộ chuyên gia đầu ngành về địa phương công tác nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn vốn đầu tư thực hiện hoạt động KH&CN hỗ trợ phát triển kinh tế biển chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế, nên nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, ngành KH&CN chưa xây dựng được chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xác lập quyền sở hữu công nghiệp về đăng ký, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong nhóm sản xuất, dịch vụ kinh tế biển.

Một điểm yếu khác cần kể đến là nguồn nhân lực của Bạc Liêu chưa đáp ứng được cho các ngành kinh tế biển có mức độ ứng dụng KH&CN cao như điện gió, nuôi tôm CNC. Thực tế ở hai ngành này, mặc dù đã giải quyết đáng kể việc làm cho người lao động địa phương, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, làm các công việc chân tay thuần túy. Còn đội ngũ nhân lực có trình độ từ kỹ sư trở lên phần lớn đều do các doanh nghiệp đưa từ ngoài tỉnh về làm việc.

Nhiều bất cập “níu chân” kinh tế biển bứt tốc

Một trong những cản trở lớn, làm cho kinh tế biển ở Bạc Liêu chưa thể bứt tốc không thể không kể đến, đó là hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh và kết nối Bạc Liêu với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối tỉnh với các vùng kinh tế trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... vừa thiếu, vừa yếu và không đồng bộ. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu được kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm thông qua một tuyến duy nhất là Quốc lộ 1A. Để di chuyển bằng ô tô từ trung tâm tỉnh Bạc Liêu đến TP. Cần Thơ mất khoảng 2,5 giờ và đến TP. Hồ Chí Minh khoảng 6 giờ. Đó là chưa kể, mặc dù có 4 cửa biển lớn, nhưng tỉnh lại không có cảng biển nên không phát triển được ngành vận tải biển.

Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải) chưa được đầu tư xứng tầm để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Ảnh: H.T

Thực tế, tiềm năng và dư địa cho công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh tế biển của Bạc Liêu còn rất lớn, như thu hút đầu tư cảng biển, du lịch sinh thái biển, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biển hải sản... Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, mặc dù tỉnh rất quyết tâm trong công tác thu hút, mời gọi đầu tư, tuy nhiên kết quả chưa đạt như mong muốn. Nguyên nhân cũng bởi tuyến đường giao thông trên bộ đi lại khó khăn, còn hệ thống đường thủy nội địa từ Bạc Liêu đi các tỉnh phía Nam chưa phát triển nên các doanh nghiệp không mặn mà khi đầu tư vào Bạc Liêu. Do đó, đến nay toàn tỉnh mới chỉ phát triển được một số cụm công nghiệp nhỏ, với số doanh nghiệp đăng ký hoạt động rất khiêm tốn.

Cũng theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh hạ tầng giao thông yếu kém thì một khó khăn không nhỏ khiến tỉnh khó thu hút đầu tư vào kinh tế biển là về “quỹ đất sạch” rất hạn chế, đa phần vướng giải phóng mặt bằng, gây ra rất nhiều khó khăn và làm giảm hiệu quả thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý liên quan đến các dự án, nhất là các thủ tục bổ sung quy hoạch từ các bộ, ngành Trung ương; công tác giải phóng mặt bằng... mất rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, nhân lực trình độ cao ít nên năng lực cạnh tranh thấp, chưa hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ cao trong khi hầu hết các ngành kinh tế biển chủ lực của tỉnh đều xuất phát điểm ở trình độ thấp, lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cả về quy mô lẫn sản lượng hàng hóa và đang trong quá trình chuyển đổi nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển kinh tế biển còn ở mức thấp, các tổ chức tín dụng không muốn đầu tư vào lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro. Vì thế, nhiều ngành kinh tế biển vẫn trong vòng luẩn quẩn, chưa phát huy hết thế mạnh, chưa khai thác hết tiềm năng.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Việc lập quy hoạch cho từng ngành kinh tế biển chưa rõ ràng, “chưa ra tấm, ra món”, nên mặc dù sản xuất nhiều loại sản phẩm nhưng lại phân tán, manh mún, không gắn kết giữa vùng nguyên liệu với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn tương đối ì ạch nên chưa đủ sức hấp dẫn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Cho nên Bạc Liêu vẫn chưa có một “đầu tàu kinh tế” đủ mạnh để kéo các “toa tàu” kinh tế biển đi lên.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu xác định kinh tế biển là một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ nhiều nhiệm kỳ nay. UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn chưa có một đánh giá cụ thể về mức độ đóng góp từ kinh tế biển vào tăng trưởng chung để làm cơ sở so sánh, đối chiếu qua từng năm, từng giai đoạn. Điều này vô hình trung gây khó cho công tác quy hoạch, làm cản trở tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế biển trong dài hạn.

Làm gì để kinh tế biển tăng tốc, phát triển bền vững; làm gì để làm giàu từ biển, mạnh lên từ biển theo tinh thần Nghị quyết  số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho không chỉ riêng Bạc Liêu mà với tất cả 28 tỉnh, thành phố ven biển. Những vấn đề trên đây đặt ra cho hệ thống chính trị toàn tỉnh Bạc Liêu rất nhiều bài toán hóc búa mà cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược dài hạn mới có thể giải quyết triệt để.

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.