Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bạc Liêu và những vấn đề đặt ra

Thứ Sáu, 15/04/2022 | 14:22

LTS:  Với rất nhiều tiềm năng, lợi thế của một địa phương ven biển, những năm qua, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu luôn xác định kinh tế biển là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và dồn sức tập trung lãnh đạo, có nhiều đột phá trong tư duy, cách làm, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, ngành ở Trung ương cùng tháo gỡ để kinh tế biển ở Bạc Liêu tăng tốc, phát triển thật sự bền vững.

Bài 1: Từ lựa chọn đúng đắn đến nâng tầm tư duy về kinh tế biển

Với những lợi thế sẵn có, ngay từ sau khi chia tách, tái lập tỉnh (tỉnh Minh Hải chia tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định rõ chủ trương và tập trung nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục tiêu, tư duy, nhận thức của các cấp, ngành trong tỉnh về kinh tế biển không ngừng đổi mới, nâng cao và từng bước hoàn thiện về đường hướng, chiến lược phát triển.

Công trình điện gió trên biển Bạc Liêu góp phần phát triển thế mạnh năng lượng tái tạo của tỉnh.

Xác định trụ cột kinh tế biển - một chủ trương đúng đắn, xuyên suốt

Bạc Liêu có bờ biển dài 56km, vùng đặc quyền kinh tế trên biển và ngư trường khai thác hải sản rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề khai thác và đánh bắt thủy, hải sản phát triển... Tỉnh còn có các tiểu vùng sinh thái mặn và sinh thái lợ rất phù hợp để phát triển ngành Nuôi trồng thủy sản mà chủ lực là nuôi tôm. Phát huy lợi thế về điều kiện địa lý, từ nhiều nhiệm kỳ nay, BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã xác định một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh là kinh tế biển.

Ngay khi chính thức tái lập tỉnh, BCH Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu đã ban hành hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết 02 và 06 về phát triển kinh tế biển (giai đoạn 1998 - 2005 và 2005 - 2010). Đặc biệt từ khi có Nghị quyết 09 ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Bạc Liêu đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế biển. Nổi bật là Nghị quyết 04 ngày 24/4/2012 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Từ Đại hội XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và tiếp tục là Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tỉnh ủy xác định phát triển bền vững kinh tế biển gắn với quốc phòng - an ninh là một trong 5 trụ cột phát triển KT-XH.

Không chỉ quan tâm các ngành, nghề kinh tế biển truyền thống và kinh tế ven biển, Nghị quyết 04 còn mở rộng mục tiêu xây dựng vùng Nam Quốc lộ 1A trở thành vùng kinh tế động lực. Phấn đấu để Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển và làm giàu từ biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên vùng đặc quyền kinh tế biển và vùng phía Nam Quốc lộ 1A của tỉnh. Có thể nói, Nghị quyết 04 đánh dấu một bước đột phá về tư duy trong phát triển kinh tế biển, hướng đến mục tiêu đưa Bạc Liêu từ một “đứa em út” vừa “ra riêng” chí thú làm ăn để thoát nghèo và tính chuyện vươn lên khá giả cho “bằng chị, bằng anh” trong cả nước.

Chia sẻ về những bước đi, cách làm trong phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu, đồng chí Tạ Trung Dũng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, sau khi Tỉnh ủy có Nghị quyết 04, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương vùng ven biển xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện. Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 04, Tỉnh ủy sơ kết và ban hành Kết luận 67, ngày 15/1/2018 để tiếp tục phát triển kinh tế biển, định hướng đến năm 2025. Thực hiện Kết luận 67, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển các loại thủy sản ven biển, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ và phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; quy hoạch phát triển muối, quy hoạch phát triển các công trình tái tạo, quy hoạch về du lịch biển.

“Phát triển kinh tế biển được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều nhiệm kỳ và được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Không chỉ lựa chọn kinh tế biển là một trong những trụ cột, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã từng bước thay đổi về tư duy phát triển kinh tế biển. Theo đó, phát triển kinh tế biển không chỉ dừng lại ở nuôi trồng, khai thác, đánh bắt hải sản mà mạnh dạn đột phá vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch. Đó là cả một hành trình dài gom góp, tích lũy kinh nghiệm, cách làm để nâng tầm về tư duy, đột phá về hành động...”, đồng chí Tạ Trung Dũng nhấn mạnh.

Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình công nghệ cao tại khu vực ven biển huyện Hòa Bình.

Động lực to lớn từ kinh tế biển

Những năm gần đây, du khách đến Bạc Liêu sẽ không khỏi ấn tượng trước những trụ tua-bin điện gió cao sừng sững, gần như phủ kín suốt dải bờ biển. Cách đây chưa lâu, nơi đây chỉ có những cánh rừng mắm, rừng đước hoang sơ, cuộc sống người dân quanh năm nghèo khó. Giờ đây, dải rừng phòng hộ vẫn còn đó, nhưng mọc lên xen lẫn trong đó là những trụ tua-bin điện gió như điểm tô thêm những nét chấm phá tươi mới trong bức tranh KT-XH của một tỉnh còn nhiều khó khăn, nằm gần cuối bản đồ đất nước. Từ khi tỉnh chủ trương thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đời sống của người dân cả một vùng ven biển rộng lớn đổi thay rất nhiều. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, các dịch vụ phụ trợ phát triển theo, bà con có thêm việc làm và mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Bạc Liêu từng được ví von như chàng lực điền say sưa ngủ trên cánh đồng màu mỡ. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của quá khứ. Đường ra biển lớn hôm nay chẳng những không có chỗ cho “chàng lực điền say ngủ” mà còn đòi hỏi phải có tâm thế mới để vượt lên chính mình, phải thay đổi tư duy, đổi mới cách làm. Và chàng lực điền ấy đã thành công khi biến gió - “đặc sản” của Bạc Liêu, thành năng lượng để phục vụ đời sống, mang lại giá trị kinh tế. Đây được coi là bước đi đột phá, một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khi lựa chọn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa là một trong các trụ cột phát triển kinh tế, vừa là mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển.

Là người sinh sống gần như cả cuộc đời tại vùng đất Bạc Liêu, chứng kiến quê hương ngày một “thay da đổi thịt”, ông Bùi Văn Năm (70 tuổi, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) không khỏi tự hào. Trong trí nhớ của ông, cách đây gần 10 năm, Đông Hải chỉ là một địa phương nhỏ nép mình bên bờ đại dương bao la. Nhưng Đông Hải giờ đây đang từng ngày phát triển đi lên, khá sầm uất, kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư. Cùng với tuyến đê biển, từ khi Cảng cá Gành Hào được Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, hàng ngày đón hàng chục tàu đánh cá công suất lớn, không chỉ làm cho cửa biển thêm sầm uất, nhộn nhịp mà quan trọng là góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trong huyện.

Ngư dân phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) trúng mùa sau chuyến ra khơi. Ảnh: H.T

Thực tế sau nhiều năm theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế biển, từ những chủ trương, quyết sách rất mạnh mẽ và quyết đoán, hàng loạt công trình, dự án động lực đóng vai trò đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH toàn vùng và cả tỉnh Bạc Liêu đã lần lượt ghi dấu ấn. Vùng đất phía Nam Quốc lộ 1A, nhất là khu vực ven biển như phất lên một luồng gió mới. Trong đó, ngành công nghiệp tôm và điện gió, điện mặt trời là những điểm sáng đầy ấn tượng ở Bạc Liêu. Theo thống kê, lũy kế đến thời điểm hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đã thu hút được 173 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong nước đạt khoảng hơn 50.000 tỷ đồng và các dự án có vốn nước ngoài (FDI) là 4,489 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực kinh tế biển chiếm tỷ lệ khoảng 98% đối với các dự án FDI và hơn 50% đối với các dự án trong nước. Ngoài ra, trên khắp địa bàn tỉnh, nhiều dự án phát triển văn hóa và du lịch được đầu tư, làm phong phú thêm cho vẻ đẹp trẻ trung, tươi mới, đầy sức sống của Bạc Liêu. Qua đó giúp lượng khách đến với quê hương của bản vọng cổ nổi tiếng “Dạ cổ hoài lang” ngày một tăng lên, đạt trung bình hằng năm khoảng 22% trong giai đoạn 2015 - 2020.

Trải qua muôn vàn khó khăn, bằng chủ trương, quyết sách đúng đắn, tư duy đổi mới, đột phá và hành động mạnh mẽ, Bạc Liêu hôm nay đang vươn mình ra biển lớn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Từ nguồn động lực to lớn của kinh tế biển đã đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 - 2020) của Bạc Liêu đạt hơn 7%/năm, vượt mục tiêu đề ra và thuộc nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh trong giai đoạn này đạt 58,43 triệu đồng/năm, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015, đứng thứ 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm còn dưới 1%, bình quân giảm khoảng 3,02%/năm...

Vùng ven biển Bạc Liêu hôm nay không chỉ để cho rừng đước, rừng mắm mọc hoang phí, hay vùng đất sình lầy là nơi cư ngụ của ngư dân nghèo ven biển mà nhường chỗ cho những trụ tua-bin điện gió sừng sững vút trời. Trong thời gian tới đây, ngoài khơi cách bờ biển không xa sẽ là địa điểm tập kết của luồng khí hóa lỏng để phục vụ cho sản xuất điện và hòa vào lưới điện quốc gia. 56km bờ biển của Bạc Liêu đã, đang và sẽ hiện thực hóa sứ mệnh, khát vọng làm giàu và thịnh vượng từ biển của lớp người đi trước đã dày công tôn tạo, vun đắp, đưa Bạc Liêu từng bước bắt nhịp cùng cả nước.

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.