Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới: Không chỉ giải quyết vấn đề thu nhập

Thứ Sáu, 04/11/2022 | 18:12

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, toàn tỉnh có gần 11.500 hộ nghèo (chiếm 5,09%), 14.755 hộ cận nghèo (chiếm 6,54%). Theo tiêu chí mới thì mục tiêu giảm nghèo bền vững hiện nay, ngoài nâng cao mức thu nhập cho người dân thì còn phải đảm bảo mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chính vì vậy, Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đến năm 2025 (gọi tắt là NQ 13) với nhiều giải pháp đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả các nguồn lực giảm nghèo bền vững ở giai đoạn mới.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình).

Xác định rõ nguyên nhân để có chính sách phù hợp

Trước đây, việc đo lường và đánh giá hộ nghèo chủ yếu thông qua thu nhập, nếu thu nhập thấp dưới mức chuẩn nghèo thì thuộc diện hộ nghèo. Nhưng với việc rà soát hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều hiện nay, ngoài nâng tiêu chí mức thu nhập (khu vực nông thôn lên 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng) thì cũng đồng thời tăng chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từ 5 lên 6 chiều. Trong đó, bổ sung chiều thiếu hụt về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình…

Rõ ràng, muốn thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới này không hề đơn giản. Do đó, giải pháp cốt lõi mà NQ 13 nêu rõ chính là huy động tối đa mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, khi thảo luận vấn đề này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa ra giải pháp đề nghị các địa phương, ngành chức năng trong quá trình rà soát phải xác định rõ nguyên nhân gây nghèo đa chiều. Có nhìn đúng nguyên nhân thì mới có thể đưa ra chính sách, biện pháp giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo. Thực tế cho thấy, nguyên nhân làm cho nghèo đa chiều thì nhiều, nhưng hiện nay chủ yếu gồm các vấn đề liên quan với nhau. Đó là lao động thiếu sinh kế, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm dẫn đến thu nhập thiếu bền vững. Hiệu quả kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị kém, chưa giải quyết được vấn đề thiếu đất sản xuất, nhà ở…

Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi hỗ trợ nhu yếu phẩm, tiền mặt cho trẻ em mồ côi do COVID-19 trên địa bàn huyện. Ảnh: T.T

Cần những chiến lược quyết liệt, hiệu quả hơn

Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu chỉ còn 1,34%. Tuy nhiên, khi rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới vào năm 2022 thì tổng số hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh lên đến hơn 26.520 hộ (chiếm tỷ lệ hơn 6,5%). Điều đáng quan tâm, theo ghi nhận của Đoàn giám sát về công tác giảm nghèo ở 7 huyện, thị xã, thành phố của HĐND tỉnh mới đây thì có rất nhiều hộ nghèo theo tiêu chí mới đều rơi vào số hộ đã thoát nghèo ở giai đoạn 2016 - 2021. Như vậy cũng có nghĩa là tính bền vững của công tác giảm nghèo đã qua là không cao. Đồng thời, mức sống của hộ nghèo, cận nghèo khi được thoát nghèo chỉ khá hơn về mặt thu nhập một chút, nhưng việc tiếp cận các dịch vụ xã hội còn rất hạn chế. Đơn cử như tiêu chí thiếu hụt bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo hơn 77%, hộ cận nghèo hơn 70%; tiêu chí thiếu hụt việc làm cũng chiếm hơn 50%; tiêu chí chất lượng nhà ở khá cao (hộ nghèo hơn 46,6%; hộ cận nghèo hơn 34%)…

NQ 13 của Tỉnh ủy đã chỉ ra, có quá nhiều những hạn chế trong công tác giảm nghèo trước đây cần sớm rút kinh nghiệm, thậm chí có thể thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn như: không ít chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai theo hướng ai nghèo cũng được hỗ trợ nên một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục thụ hưởng sự hỗ trợ đó. Song song đó, việc triển khai các giải pháp giảm nghèo phải tính đến sự bền vững bằng cách tập trung đầu tư nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, nhất là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Khắc phục tình trạng dạy nghề tràn lan, không phù hợp với nhu cầu cá nhân, nhu cầu lao động của thị trường, địa phương. Triển khai các mô hình giảm nghèo cũng gắn với mục tiêu phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của địa phương…

Theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều với mức tiêu chuẩn khá cao ở giai đoạn mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1%, quả thực là thách thức rất lớn. Tinh thần NQ 13 đã thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao của Bạc Liêu nhằm hướng đến khát vọng không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, từ đó đặt được nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn dưới 1%, NQ 13 về giảm nghèo bền vững của Tỉnh ủy cũng đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể nhằm nâng cao các chỉ số thiếu hụt cơ bản. Cụ thể: Tỷ lệ thiếu hụt bảo hiểm y tế giảm xuống dưới 5%; việc làm giảm còn dưới 10%; tỷ lệ thiếu hụt nhà ở giảm dưới 15%; tỷ lệ thiếu hụt dịch vụ viễn thông và nhà tiêu hợp vệ sinh giảm dưới 5%. Đồng thời, phấn đấu mỗi năm vận động Quỹ An sinh xã hội và Quỹ Vì người nghèo các cấp đạt ít nhất 100 tỷ đồng; hằng năm các sở, ban, ngành, địa phương và vận động doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 3.000 hộ nghèo, cận nghèo.

Hoàng Uyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.