Xăng, dầu và giá cả thị trường tăng: Người nghèo thêm lo

Thứ Sáu, 12/04/2019 | 16:52

Gần một tháng qua, điện, xăng dầu, gas… lần lượt tăng giá, theo đó, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng đồng loạt nhích lên. Trước khi tăng giá, mỗi ngành đều cho rằng mức tăng của ngành mình không đủ tác động đến giá cả thị trường. Song, trên thực tế, giá cả thị trường đã tăng, và người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ông Hoàng Luận ngày ngày bán đậu nành để mưu sinh. Ảnh: T.Q

Sau khi giá điện, xăng dầu tăng, hàng loạt các mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá. Không chỉ ở các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, nhà phân phối, mà ngay cả những nơi bán hàng bình ổn giá cũng thay đổi giá mới đối với nhiều ngành hàng.

Theo ông Huỳnh Thanh Điền, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Bạc Liêu: “Sau khi giá điện, xăng dầu tăng, nhiều nhà phân phối đã tăng giá sản phẩm từ 5 - 10%. Việc các mặt hàng tăng giá sẽ làm cho người tiêu dùng đắn đo, mua sắm tiết kiệm hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của siêu thị”.

Giá xăng, dầu tăng tuy ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhưng họ vẫn có thể thực hiện nhiều giải pháp để giảm lỗ, sinh lãi. Chỉ có người tiêu dùng, nhất là người lao động nghèo phải tính toán mua từng lọn rau, con cá để cuộc sống hàng ngày không bị đảo lộn.

Mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng là vợ chồng ông Nguyễn Văn Bạt (ngụ xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi) chở nhau vào nội ô TP. Bạc Liêu bán vé số. Dù trời nắng hay mưa, hai vợ chồng cũng cố gắng đi bán để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Gần một tháng nay, do giá xăng, giá cơm, nước… đều tăng nên vợ chồng ông Bạt phải chi xài tiết kiệm, tìm những quán cơm rẻ để ăn.

Còn ông Hoàng Luận (50 tuổi) gần 20 năm qua ở nhà thuê và mưu sinh bằng nghề bán sữa đậu nành. Mỗi ngày ông thu nhập khoảng 200.000 đồng, chỉ tạm đủ sống. Ông Luận chia sẻ: “Mỗi lần nghe giá xăng, điện tăng là chúng tôi lại lo. Bởi, sau đó là hàng loạt mặt hàng khác (như thực phẩm, gas…) lại tăng theo. Giá cả cứ tăng khiến người nghèo thêm khổ”.

Lấy lý do là giá cả thị trường tăng, nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn TP. Bạc Liêu cũng nâng giá cho thuê phòng trọ từ 50.000 - 100.000 đồng/phòng. Anh Đồng Thanh Vô (21 tuổi, ngụ phường 5, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Tiền công bốc vác của tôi chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng nên tôi ăn uống, tiêu xài rất tiện tặn. Bây giờ xăng, dầu, điện và nhiều thứ khác tăng giá, rồi chủ nhà trọ tăng giá phòng thêm 50.000 đồng/tháng khiến cuộc sống của tôi chật vật hơn”.

Xăng, dầu tăng giá kéo hàng loạt chi phí tăng theo khiến người tiêu dùng, nhất là người nghèo càng thêm gánh nặng lo toan. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư máy móc hiện đại, giảm chi phí sản xuất để ổn định giá thành sản phẩm. Đồng thời có chính sách trợ giá đối với những mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm, để người nghèo giảm bớt gánh nặng lo toan trong cuộc sống.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.