Vốn tín dụng chính sách - “Bà đỡ” của người nghèo

Thứ Tư, 20/11/2019 | 16:13

Những năm gần đây, do triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp nên hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh cả về nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn. Những đồng vốn tưởng như ít ỏi nhưng với nhiều gia đình, nhất là hộ nghèo ở nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số thì vô cùng hữu ích khi trở thành một trong những "đòn bẩy" mang tới cơ hội đổi đời, giúp họ có vốn làm ăn, lo cho con học tập...

NHCSXH Việt Nam phối hợp với Ngân NHCSXH tỉnh trao quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo xã Long Điền (huyện Đông Hải).

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, nhiều hộ dân ở TX. Giá Rai có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: T.Q

ĐỔI ĐỜI NHỜ VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

Cách đây 2 năm, hoàn cảnh gia đình chị Tống Thị Mận (43 tuổi, ngụ ấp Thị Trấn A, thị trấn. Hòa Bình, huyện Hòa Bình) vô cùng khó khăn. Chồng chị chuyên đi làm thuê, còn chị thì mua bán nhỏ. Thu nhập có được “ba cọc ba đồng” lại phải nuôi 3 đứa con trong tuổi ăn học nên thường xuyên túng thiếu. Cuộc sống gia đình chị sang trang mới khi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Chị Mận chia sẻ: “Lúc trước thiếu vốn nên tôi chỉ buôn bán lặt vặt, thu nhập mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn đồng. Năm 2018, sau khi được vay 30 triệu đồng, tôi đầu tư mua thêm tủ đông để bán nước giải khát và ăn sáng, mỗi ngày sau khi trừ chi phí còn lãi trên 300 ngàn đồng, nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày càng ổn định”.

Từng là hộ nghèo, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu vốn làm ăn, năm 2017 ông  Lâm Văn Nói (50 tuổi, ngụ ấp 13, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ NHCSXH. Nhờ đó mà ông có vốn đầu tư chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, đến cuối năm 2017 gia đình ông có thu nhập ổn định. Hai người con của ông cũng nhờ đồng vốn vay dành cho học sinh - sinh viên mà thực hiện được giấc mơ chinh phục tri thức ở giảng đường đại học. Ông Nói bộc bạch: “Với người dân nông thôn, để phát triển sản xuất thì điều khó khăn nhất là nguồn vốn ban đầu, vì nếu vay bên ngoài thì hiệu quả sản xuất không đủ trả lãi. May nhờ có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH cho vay 38 triệu đồng nên tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế gia đình. Ngoài đầu tư nuôi tôm, gà vịt, tôi còn nuôi thêm dê. Từ 4 con dê ban đầu, đến nay đàn dê nhà sinh sản gần 20 con, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định”.

Theo NHCSXH tỉnh, đến nay đơn vị đã triển khai được 14 chương trình tín dụng cho 88.500 hộ vay, như: cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh - sinh viên, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo... Để đồng vốn đến đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian, chi phí thấp nhất cho người thụ hưởng, Ngân hàng phối hợp thực hiện ủy thác với các tổ chức Hội, đoàn thể ủy nhiệm qua gần 2.000 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn phân bổ đều khắp ở hầu hết các xóm, ấp đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ ĐỒNG VỐN CHÍNH SÁCH

Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được đầu tư đến 64 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn vay một cách thuận lợi và kịp thời. Có trên 75% dư nợ tín dụng chính sách đã được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, qua 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác tín dụng chính sách tại tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã có trên 120.000 lượt hộ nghèo được vay vốn, với tổng doanh số cho vay trên 2.300 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt gần 1.300 tỷ đồng, giúp trên 57.000 lượt hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho gần 14.300 lao động; 227 lao động đi làm việc có thời hạn; trên 11.400 học sinh - sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 35.200 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; giúp xây dựng trên 6.700 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách... Tính đến ngày 31/10/2019, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 2.006 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 137 tỷ đồng, với 88.550 hộ vay còn dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng đạt 7,3%. Doanh số cho vay 10 tháng của năm 2019 là 541 tỷ đồng, với 22.178 lượt hộ vay, tăng so với cùng kỳ năm trước 159 tỷ đồng, với 3.157 lượt hộ vay.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, ngày càng có nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: mô hình nuôi heo, nuôi cá, tôm, mô hình trồng hoa màu, rau sạch; vay vốn buôn bán, sản xuất, kinh doanh… được người dân áp dụng, trả lãi, vốn đúng hạn để đồng vốn tiếp tục cho những hộ nghèo khác vay sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đầu tư vốn, đã có nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường; nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang.

Bên cạnh những kết quả tích cực đó, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội của tỉnh cũng đang gặp không ít khó khăn do người dân có nhu cầu lớn về vay vốn nhưng nhiều hộ chưa có phương án sử dụng vốn khả thi; vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhận ủy thác vốn tín dụng có thời điểm chưa được phát huy thường xuyên...

Để chính sách tín dụng thật sự phát huy hiệu quả hơn trong việc trợ giúp người nghèo phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền vững, thời gian tới NHCSXH tỉnh tiếp tục tranh thủ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tổng Giám đốc NHCSXH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách. Thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được cấp trên giao trong thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đảm bảo đúng đối tượng, có mô hình sản xuất, kinh doanh, cho vay đáp ứng đủ nhu cầu vốn… trên cơ sở được bình xét công khai từ khóm, ấp. Tiếp tục thực hiện phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại các xã, phường, thị trấn. Triển khai công tác giao dịch tại xã, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tín dụng chính sách. Phát triển và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, kinh doanh…

Có thể khẳng định, vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

MINH LUÂN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.