Sản phẩm các làng nghề: Khó đầu vào, hẹp đầu ra

Thứ Tư, 03/10/2018 | 15:20

Đối với những làng nghề tồn tại cả trăm năm ở huyện Phước Long, Hồng Dân, cái nghề truyền thống gần như trở thành máu thịt, thấm sâu vào nhiều thế hệ. Khổ nỗi, sự gắn bó ấy vẫn không đủ sức để nuôi sống gia đình do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhiều làng nghề truyền thống đang dần bị mai một vì nhiều người không còn mặn mà với việc tiếp nối nghề của gia đình.

Nghề rèn truyền thống của người dân huyện Hồng Dân.

Xã viên HTX Trúc Xanh (huyện Phước Long) đan đát các sản phẩm làm bằng tre trúc. Ảnh: C.L

Khó khăn đầu vào lẫn đầu ra

Hầu hết các làng nghề hiện nay hoạt động manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, đa số sản phẩm được làm thủ công, sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo; việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm, hỗ trợ...

Những nguyên nhân trên khiến cho nhiều người không thể sống được với nghề. Ông Nguyễn Văn Ơn, chủ lò rèn Chữ Y (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Nghề rèn không còn làm ăn khấm khá như trước. Khâu tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn bởi phải cạnh tranh với các loại sản phẩm cùng loại nhưng được sản xuất bằng máy móc hiện đại, mẫu mã đẹp”.

Cùng với đó, đầu vào nguyên liệu (như: trúc để đan đát, thép dùng để rèn, lác dùng cho dệt chiếu…) ngày càng khan hiếm. Nguyên nhân là do diện tích trồng trúc và lác ở các làng nghề đang dần bị thu hẹp do người dân cải tạo đất để trồng lúa hoặc hoa màu (cho thu nhập cao hơn). Tương tự, giá thành phôi thép sử dụng trong nghề rèn cũng ngày càng cao. Chị Trần Thị Hồng Xuyên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trúc Xanh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chuyên sản xuất các mặt hàng bằng tre, trúc, bày tỏ: “Tìm đầu ra cho sản phẩm đan đát đã khó, mà việc tìm nguyên liệu để duy trì hoạt động cho HTX đôi lúc còn khó hơn. Do nguyên liệu (cây trúc) tại địa phương không đủ cung cấp cho HTX nên nhiều lúc tôi phải sang các tỉnh bạn để tìm mua”.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 9 làng nghề được công nhận. Các làng nghề trên đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.092 hộ với gần 2.000 lao động. Từ năm 2006, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NÐ-CP về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề cũng được phê duyệt từ tháng 10/2011. Song, các chính sách về vốn tín dụng cho phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo quy định trong Nghị định 66/2006/NÐ-CP còn nhiều vướng mắc. Do đó, các tổ chức, cá nhân gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cũng theo chị Trần Thị Hồng Xuyên: “Bà con làm nghề đan đát nhỏ lẻ rất khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ. Vì vậy tôi và một số người tâm huyết với nghề truyền thống thành lập HTX để bà con có thể vay vốn đầu tư phát triển sản xuất”.

Cần tăng cường đào tạo nghề

Các làng nghề hiện nay thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu trầm trọng lao động có tay nghề cao; một bộ phận lớp trẻ tại nhiều làng nghề không còn mặn mà với nghề cha truyền con nối. Trong khi đó, việc phát triển nguồn nhân lực tại các làng nghề như đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất, kinh doanh… chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương.

Thiếu hụt nguồn nhân lực tay nghề cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm. Bởi, sản phẩm truyền thống cần độ tinh xảo, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tuy nhiên, nhiều làng nghề không đáp ứng được, dẫn đến mất dần thị trường truyền thống.

Làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm đời sống cho người lao động. Vì vậy, cần sự quan tâm hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc duy trì làng nghề. Ông Trương Văn Ngươn, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phước Long, cho biết: “Địa phương rất quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề. Đồng thời tăng cường hỗ trợ máy móc, thiết bị và vốn để thúc đẩy các làng nghề trên địa bàn huyện duy trì hoạt động, ngày càng phát triển”.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.