Muôn nẻo mưu sinh của người khuyết tật

Thứ Sáu, 02/12/2022 | 17:27

Với nghị lực, quyết tâm cao, nhiều người khuyết tật (NKT) đã vượt qua mặc cảm, khắc phục khó khăn, chiến thắng nỗi đau tật nguyền, tự lao động để nuôi sống bản thân, không chấp nhận là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong mưu sinh.

Vượt lên chính mình

Những NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở dạy nghề có điều kiện dễ dàng hòa nhập cộng đồng, có thể học nghề để tự nuôi sống bản thân. Riêng với NKT sống tại gia đình, mặc dù không có điều kiện học nghề nhưng họ vẫn nỗ lực lao động để nuôi sống bản thân, và phổ biến nhất là kiếm thu nhập qua việc bán vé số.

Để có thể vừa mưu sinh, vừa chăm sóc con gái mắc bệnh thiểu năng và khuyết tật đôi tay, nhiều năm qua, đều đặn mỗi ngày từ 5 giờ sáng, bà Thị Cóc đã bắt xe từ thị trấn Phú Lộc (tỉnh Sóc Trăng) xuống TP. Bạc Liêu bán vé số, đến 5 giờ chiều, sau khi thanh toán tiền với đại lý, nhận vé số mới cho ngày hôm sau, bà Cóc lại đón xe buýt, cùng con trở về nhà. Mỗi ngày, dù nắng hay mưa, cô con gái tuy đã 26 tuổi nhưng vẫn ngô nghê như trẻ nhỏ được mẹ đặt trên xe lăn, đẩy đi khắp các quán ăn, điểm chợ, những nơi tập trung đông người để chào mời mọi người mua vé số. Với số tiền kiếm được từ 150.000 - 200.000 đồng cũng giúp mẹ con bà đủ chi phí xoay xở qua ngày.

Từ một người lành lặn lại trở thành NKT sau một vụ tai nạn, cú sốc này khiến anh Nguyễn Phi Hổ tưởng chừng như không thể vượt qua. Nhưng với sự quan tâm, động viên của gia đình đã giúp anh Hổ chấp nhận với thực tế, quyết tâm vượt qua chính mình. Hơn 10 năm nay, nhiều người đã khá quen thuộc hình ảnh người đàn ông bị tật 2 chân, ngồi trên chiếc xe lăn bán vé số trên đường Trần Phú. Với số tiền kiếm được mỗi ngày gần 200.000 đồng không chỉ giúp anh nuôi sống bản thân mà còn phụ giúp vợ nuôi con ăn học. 

Bà Thị Cóc và con gái có mặt trên khắp các nẻo đường thuộc nội ô TP. Bạc Liêu để chào mời khách mua vé số. Ảnh: T.Q

Người khuyết tật cần sự sẻ chia nhiều hơn

Những năm qua, cùng với chính sách của Nhà nước, công tác chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ những NKT trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe, trợ giúp người NKT được tỉnh thực hiện kịp thời, hiệu quả, từ đó đáp ứng nguyện vọng và những nhu cầu cơ bản của NKT, giúp họ từng bước hòa nhập cộng đồng, bình đẳng trong mọi hoạt động và có nhiều đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách trợ giúp, tạo điều kiện để NKT được tiếp cận với các dịch vụ y tế; trợ cấp các trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho NKT; giới thiệu việc làm; hỗ trợ vốn sinh kế; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ chi phí cho NKT khi tham gia giao thông, giáo dục - đào tạo, các dịch vụ văn hóa, thể dục - thể thao… Để có thể hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần cho NKT được tốt hơn, toàn tỉnh đã thành lập được 6 câu lạc bộ NKT, qua đó tạo điều kiện để các thành viên NKT chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Mặc dù nhận được sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ về nhiều mặt, nhưng trên thực tế vẫn có những rào cản khiến NKT còn gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống. Không chỉ ngoài xã hội, thậm chí trong nhiều gia đình vẫn còn những định kiến, phân biệt đối xử, bản thân nhiều NKT còn chưa đủ tự tin, dũng cảm để hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, vẫn còn nhiều NKT gặp khó khăn trong vấn đề xin việc làm, học nghề, vay vốn ưu đãi để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế… Do đó họ rất cần nhận được sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước và nhất là từ phía cộng đồng. Bởi sự quan tâm đó chính là điểm tựa giúp NKT phát huy nội lực, khẳng định giá trị bản thân, hòa nhập cộng đồng, có những đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.