Một gia đình 50 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống

Thứ Hai, 10/09/2018 | 16:48

Sau một thời gian bị lồng đèn điện tử soán ngôi, chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống dường như không còn đất sống, nhiều hộ phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Thế nhưng, ở TP. Bạc Liêu hiện vẫn còn một gia đình trải qua 4 thế hệ vẫn âm thầm giữ nghề, góp công vào việc dần hồi sinh chiếc lồng đèn truyền thống. Đó là gia đình cô Nguyễn Lệ Thu với cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống tọa lạc trên đường Võ Thị Sáu (phường 3, TP. Bạc Liêu).

Cô Nguyễn Lệ Thu chuẩn bị lồng đèn giao cho khách hàng. Ảnh: T.Q

Cô Lệ Thu là truyền nhân đời thứ 3 trong gia đình có gần 50 năm gắn bó với nghề làm lồng đèn truyền thống. Cô Thu nhớ lại, thời hoàng kim của lồng đèn giấy kiếng là hơn 20 năm về trước, khi ấy cả xóm có hơn 10 hộ làm lồng đèn, trước mùa trung thu vài tháng là người già đến trẻ nhỏ của các hộ này lại tất bật, nhộn nhịp bất kể ngày đêm. Thậm chí, phải thuê thêm người phụ giúp mới có thể đáp ứng số lượng lớn cung ứng ra thị trường và làm theo đơn đặt hàng của khách. Đến thời kinh tế mở cửa, những chiếc lồng đèn bằng nhựa, lồng đèn điện tử từ thị trường nước ngoài đổ về, đặc biệt là hàng giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, làm cho những chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống giảm sức hút. Một chiếc lồng đèn giấy kiếng được làm thủ công tuy có tính độc đáo, đặc thù nhưng chi phí cao hơn so với loại lồng đèn sản xuất theo dạng công nghiệp. Mẫu mã, công nghệ lại không đa dạng như lồng đèn điện tử, lại khó vận chuyển hơn…, dẫn đến sức tiêu thụ của lồng đèn truyền thống giảm mạnh. Vì mưu sinh, nhiều gia đình làm lồng đèn truyền thống chuyển sang nghề khác, chỉ riêng gia đình cô là bám trụ với nghề đến tận hôm nay.

Theo cô Thu, thoạt nhìn thì thấy đơn giản nhưng để cho ra đời một chiếc lồng đèn giấy kiếng phải trải qua từng bước, từng khâu vô cùng tỉ mỉ và chuẩn bị trong thời gian khá dài. Ngay từ tháng 2 (âm lịch), gia đình cô phải lên Cần Thơ tìm mua tre về vót, đến tháng 4 (âm lịch) bắt đầu uốn tre và kẽm tạo sẵn khung, đến tháng 6 thì dán giấy kiếng lên khung và vẽ hình. Trong các khâu làm ra chiếc lồng đèn thì khâu vẽ là quan trọng nhất để thổi hồn vào sản phẩm.

Nếu như trước đây, lồng đèn truyền thống chỉ có vài mẫu mã như: ngôi sao, con cá, con bướm, con gà… thì hiện tại, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng “nhí”, gia đình cô Thu thiết kế thêm những mẫu lồng đèn mới phỏng theo những bộ phim hoạt hình với các nhân vật như: chú mèo máy Doreamon, pikachu, rồng phun lửa, tàu thủy… “Tuy mất nhiều thời gian do phải tạo kiểu dáng, đến việc trang trí sao cho bắt mắt…, rất vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu vì chỉ bán được có mỗi mùa Trung thu. Song, do đây là nghề truyền thống bao đời nên gia đình tôi tiếp tục truyền nghề cho con cháu chứ chưa bao giờ có ý định từ bỏ”, cô Thu trải lòng. Từ sự yêu nghề, cô Thu và các thành viên trong gia đình đã góp phần làm hồi sinh nghề làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống. Khoảng 3 năm nay, mỗi năm trung bình gia đình cô cung ứng trên 15.000 chiếc đèn lồng ra thị trường.

Một mùa Trung thu nữa lại đến, vẫn còn đó những người thợ miệt mài vót từng thanh tre, quấn từng cọng kẽm, dán từng miếng giấy kiếng rồi tỉ mỉ trang trí, sau đó đem đi phơi nắng để đèn được căng bóng hơn, đẹp hơn góp phần đem đến một cái tết đoàn viên ý nghĩa cho mọi người, mọi nhà. Những con người nặng lòng với nghề vẫn hy vọng giữ gìn được những chiếc lồng đèn truyền thống, xinh xắn đủ sắc màu, hình dáng mang trọn cái hồn quê hương dành cho con cháu Việt...

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.