Làm gì để giảm nghèo bền vững?

Thứ Hai, 21/01/2019 | 17:51

Có thể nói, một trong những thành tựu quan trọng trong năm 2018 của tỉnh Bạc Liêu chính là tập trung làm tốt công tác giảm nghèo. Song, cùng với những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cũng đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ tái nghèo cao.

Ngân hàng Sacombank tặng tiền tết cho hộ nghèo năm 2018.

CẦN THAY ĐỔI HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Năm 2018, với việc dồn sức cho công tác giảm nghèo nên đến cuối năm toàn tỉnh giảm 7.911 hộ nghèo (đạt 112,7% so với kế hoạch năm). Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhưng số hộ nghèo còn lại cũng khá cao, với hơn 9.300 hộ, chiếm tỷ lệ 4,3% theo tiêu chí mới và dự báo con số này sẽ tăng lên nếu như công tác giảm nghèo vẫn thực hiện như thời gian qua.

Khẳng định điều này để thấy rằng, việc thực hiện công tác giảm nghèo lâu nay đã bộc lộ những bất cập, còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả mang lại không cao, kéo theo đó là nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới là tất yếu.

Một trong những công tác dễ nhận thấy nhất, chính là việc giao trách nhiệm nhận đỡ đầu hộ nghèo cho các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể. Cụ thể năm 2018, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể đã trao vốn, phương tiện sản xuất cho 7.352 hộ nghèo, số tiền trên 26,5 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm. Trong đó, 72 ngành tỉnh nhận giúp đỡ 696 hộ, số tiền 2,9 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố nhận giúp đỡ 6.656 hộ, số tiền trên 23,6 tỷ đồng. Và hình thức nhận giúp đỡ cũng rất đơn giản như tiến hành khảo sát nhu cầu rồi trao vốn, phương tiện hoặc quy thành tiền, thế là xong trách nhiệm!?

Thực tiễn đã chứng minh, cách làm này hiệu quả mang lại không cao, bởi với hình thức hỗ trợ vài triệu đồng, hay tặng vài con heo, vài ký cá giống để hộ nghèo làm ăn thoát nghèo thì khó lắm. Thậm chí có ngành còn được giao xây nhà vệ sinh, giếng nước... cho hộ nghèo để thực hiện giảm nghèo đa chiều và xem đó là giải pháp cho giảm nghèo!?

Thật ra, điều hộ nghèo cần không đơn giản là vài triệu đồng hay vài con heo, chục con gà giống… mà cái họ cần chính là đường hướng, hay nói cách khác, giải pháp nào thiết thực nhất để thoát nghèo bền vững. Muốn vậy, cán bộ hay ngành quản lý được nhận giúp đỡ hộ nghèo phải gần gũi với họ, thấu hiểu và giúp họ tổ chức lại cuộc sống, thay vì chỉ trao tặng vài triệu đồng rồi xong, còn hộ nghèo sử dụng đồng vốn đó như thế nào gần như không quan tâm. Đó là chưa nói đến việc phân công cán bộ nhận giúp đỡ hộ nghèo mà bản thân cán bộ đó vẫn là hộ nghèo và kinh nghiệm về giảm nghèo gần như không có…

Từ thực trạng trên cho thấy, cần thay đổi hình thức hỗ trợ hộ nghèo, giảm dần cách đầu tư trực tiếp mà thay vào đó là hướng dẫn cách làm ăn và đầu tư theo mô hình. Cụ thể trong hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, cần bỏ ngay chủ nghĩa bình quân “cào bằng”, mà thay vào đó là đầu tư theo mô hình. Bởi với hình thức đầu tư bình quân khoảng 5 - 7 triệu đồng/hộ như hiện nay rất khó giảm nghèo và khó xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, chỉ cần thiên tai, dịch bệnh là hộ nghèo trắng tay. Hay như với 5 triệu đồng/hộ rất khó xây dựng các mô hình sản xuất mới khi tổng mức đầu tư bình quân không dưới 20 triệu đồng.

Thực tiễn ấy đã được chứng minh trong việc đầu tư vốn cho hộ nghèo từ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và hệ lụy của nó chính là “đẻ ra” nạn “nợ chồng nợ” đến nay vẫn chưa thể giải quyết đứt điểm, làm cho nợ xấu không ngừng tăng cao.

Do vậy, để làm tốt việc đầu tư cho mô hình, cần tổ chức đánh giá, phân loại lại hộ nghèo và đầu tư theo kiểu ưu tiên. Đó là đầu tư cho những hộ nghèo chí thú làm ăn, có mô hình sản xuất và chứng minh được hiệu quả để dồn lực bằng việc tăng mức đầu tư từ nguồn vốn vay dành cho hộ nghèo, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, địa phương… nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo đến đâu hiệu quả đến đó và kiên quyết nói không với đầu tư dàn trải, tạo tâm lý ỷ lại và xem nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể là vốn cho không và họ phải có trách nhiệm “nuôi mình”!?

Việc thay đổi hình thức đầu tư này sẽ mang lại nhiều lợi ích và phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư. Đồng thời giảm được tình trạng nợ xấu vốn trở thành bài toán chưa có lời giải lâu nay. Cũng như tạo thêm nguồn vốn được tăng cường từ Trung ương khi đồng vốn cho vay phát huy hiệu quả. Bởi nguồn vốn đầu tư cho cho hộ nghèo hiện nay là không nhỏ và gần như 100% hộ nghèo đều được tiếp cận các chương trình tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể năm 2018, có hơn 112.455 hộ nghèo được vay vốn, với tổng dư nợ đạt trên 1.869 tỷ đồng.

Gian hàng tình thương dành cho hộ nghèo ở huyện Phước Long. Ảnh: L.D

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG THOÁT NGHÈO

Phải thừa nhận rằng, có một “hòn đá tảng” làm cho công tác giảm nghèo chậm và thiếu bền vững chính là nhiều hộ nghèo không muốn thoát nghèo. Vì hộ nghèo hiện nay có quá nhiều chính sách hỗ trợ như: tặng nhà tình thương, tặng thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn giảm nghèo, vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn nước sạch - vệ sinh môi trường, vay vốn học sinh - sinh viên và nhiều chính sách hỗ trợ khác nữa. Chính sự đầu tư mang tính “bao cấp” gần như toàn diện này, đã thui chột ý chí và khát vọng giảm nghèo từ một bộ phận gia đình. Họ không muốn thoát nghèo, mà cứ muốn tiếp tục nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Do vậy, một trong những giải pháp để hạn chế vấn nạn này và khơi dậy tinh thần thi đua trong hộ nghèo để ai cũng mong muốn được thoát nghèo chính là áp dụng hình thức đầu tư theo mô hình. Nghĩa là hộ nghèo nào chí thú làm ăn, luôn nỗ lực thoát nghèo thì tập trung dồn sức cho họ. Ngược lại, những hộ nghèo ỷ lại, không muốn thoát nghèo thì hạn chế đầu tư, đến khi họ nhận ra muốn nhận được sự đầu tư không có con đường nào khác ngoài nỗ lực và quyết tâm thoát nghèo.

Và để làm tốt được việc này, công tác giáo dục, tuyên truyền và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư là nhân tố mang tính quyết định. Đó là việc tổ chức họp dân hàng tháng để tuyên dương kịp thời những hộ nghèo điển hình có cách làm hay, gắn với tổ chức trao vốn, phương tiện cho họ và xem đó như một hình thức khích lệ, thậm chí xem là tiêu chí để đầu tư. Qua đó, làm cho các hộ nghèo khác noi gương hoặc tự soi lại chính mình, từ đó khơi dậy khát vọng và mong muốn thoát nghèo. Cần lưu ý, cách làm này không phải là tách biệt hộ nghèo không muốn thoát nghèo ra khỏi cộng đồng, mà chính là giải pháp để giáo dục họ, giúp họ lấy lại niềm tin và hơn cả là khát vọng muốn được thoát nghèo.

LƯ DŨNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.