Huyện Hồng Dân: Chuyển biến tích cực qua 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ Sáu, 17/07/2020 | 16:44

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Qua 10 năm thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 1956), các chương trình đào tạo nghề trên địa bàn huyện Hồng Dân đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn

Với hơn 65% dân số sống bằng nghề nông, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chuyên môn kỹ thuật còn ít, đời sống dân cư gặp nhiều khó khăn..., sau khi triển khai thực hiện Đề án 1956, huyện Hồng Dân đã bắt tay xây dựng chương trình dạy nghề cụ thể gắn với giải quyết việc làm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ngoài tăng cường đào tạo mới nhiều ngành nghề, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, trong quá trình triển khai thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, sự gắn kết giữa nhà trường - doanh nghiệp và thực hiện dạy nghề theo địa chỉ...

Hoạt động dạy nghề cho LĐNT cũng được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nhất là loại hình dạy nghề “cầm tay chỉ việc vừa học, vừa làm”, từ đó giúp lao động nâng cao tay nghề và áp dụng hiệu quả trong các mô hình sản xuất, chăn nuôi như: mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi thú y, nuôi cá nước ngọt, nhân giống lúa, đan thảm lục bình, may dân dụng…

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Dân, từ năm 2010 - 2015, có 2.942 học viên được đào tạo nghề (đạt 113% kế hoạch); giai đoạn 2016 - 2020, đã đào tạo nghề cho 2.119 học viên (đạt 101% kế hoạch). Số LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt từ 75 - 80% trong tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo, góp phần chuyển đổi cơ cấu LĐNT, giải quyết việc làm tại chỗ, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 đã tạo điều kiện cho các địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất - kinh doanh và dịch vụ. Về phía người học cũng nhận thức đầy đủ hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nắm vững tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, thu nhập”, ông Bùi Minh Giám - Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hồng Dân cho biết.

Nhiều lao động nữ ở huyện Hồng Dân có thu nhập ổn định từ nghề đan giỏ nhựa. Ảnh: M.L

Có nghề, tăng thu nhập

Nhà ít ruộng đất, nghề nghiệp không ổn định, hai đứa con đang trong độ tuổi đến trường... nên kinh tế gia đình của chị Nguyễn Thị Bông (ngụ ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Lộc) vô cùng khó khăn. Thế nhưng, từ khi tham gia lớp học nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hồng Dân tổ chức, rồi được HTX đan đát lục bình Quyết Tâm giải quyết việc làm, nhờ đó 10 năm nay, chị Bông đều có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ nghề đan giỏ lục bình.

Cùng với chị Bông, qua việc tham gia các lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức, đến nay, hàng trăm phụ nữ của ấp Ninh Chài (xã Ninh Quới A) đã có thêm nguồn thu nhập ổn định từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng từ nghề tay trái. Bà Phạm Thị Nêm (63 tuổi, ngụ ấp Ninh Chài), phấn khởi: “Nghề đan giỏ nhựa rất thoải mái, không bị khống chế về thời gian, độ tuổi, do đó tranh thủ thời gian nông nhàn, tôi và nhiều chị em kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.

Có thể khẳng định rằng, qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 tại huyện Hồng Dân đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Các mô hình đào tạo nghề, nhất là nghề phi nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 80% LĐNT tại địa phương và vùng nguyên liệu tại chỗ. Hiện nay, huyện đang duy trì tốt nghề đan lục bình, đan giỏ nhựa với 1.509 lao động. Qua các mô hình này đã giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Minh Luân

Một trong những nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hồng Dân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao; phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, huyện đặt ra mục tiêu:

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 42%.

- Tập trung đào tạo nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó ưu tiên cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, các đối tượng chính sách, đào tạo nghề cho LĐNT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.