Hòa giải ở cơ sở:​ Mắt xích tạo nên gia đình hạnh phúc

Thứ Sáu, 16/04/2021 | 16:42

Bạo lực gia đình (BLGĐ) không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ, mà còn gây hậu quả nặng nề với từng thành viên trong gia đình, nhất là những nạn nhân của BLGĐ. Vì vậy, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải vi phạm pháp luật về BLGĐ đối với phụ nữ sẽ có những tác động tích cực vào việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Thời gian qua, ngành VH-TT-TT&DL đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, cách tổ chức sinh hoạt mô hình phòng chống BLGĐ đến các câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững”. Mới đây, để trang bị kịp thời kiến thức về nghiệp vụ quản lý cũng như kỹ năng thực hiện công tác gia đình cho Ban chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững”, Sở VH-TT-TT&DL đã tổ chức khóa tập huấn công tác gia đình cho 90 CLB “Gia đình phát triển bền vững”. Lớp tập huấn nghiệp vụ này sẽ giúp cho Ban chủ nhiệm 90 CLB trên toàn tỉnh nâng cao trình độ, năng lực và nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản trong việc quản lý, tổ chức mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại địa phương.

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cách thức xử lý đối với vi phạm BLGĐ, nhưng hòa giải ở cơ sở là một giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi BLGĐ. Bởi thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời ngăn chặn những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các cá nhân trong xã hội. Đồng thời, qua quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định pháp luật về phòng chống BLGĐ, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình... và trách nhiệm, hậu quả của hành vi BLGĐ do mình gây ra. Từ đó giải tỏa vướng mắc, ngăn ngừa tội phạm; xây dựng tình đoàn kết, tương thân tương ái trong gia đình, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng chống BLGĐ, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi BLGĐ. Từ đó, khuyến khích những nạn nhân bị BLGĐ, nhất là phụ nữ, không e ngại, che giấu khi gặp phải hành vi BLGĐ mà có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết.

Gia đình ông P. - bà H. (TP. Bạc Liêu) là một trong số ít trường hợp BLGĐ mà nạn nhân là vợ ông P. không báo chính quyền vì “xấu chàng thì hổ thiếp”. Mỗi lần có xung đột, lời qua tiếng lại, ông P. thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, hiện tại vợ chồng họ đã “cơm lành canh ngọt” nhờ vào các hòa giải viên ở khóm. Ông P. kể lại: “Các hòa giải viên phân tích cho tôi thấy cái sai của tôi ở đâu, nhận ra giá trị của một gia đình hạnh phúc là như thế nào. Từ đó giúp tôi nâng cao nhận thức, thay đổi cách sống, cùng vợ xây dựng lại hạnh phúc gia đình”. Tổ hòa giải đã chỉ ra cho ông P. thấy rằng, việc đánh vợ, chửi mắng vợ là hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời làm tổn thương vợ con. Nếu có chuyện không vừa lòng thì vợ chồng nên trao đổi với nhau, chứ không nên để trong lòng mà khi không chịu đựng được thì chửi bới, đánh đập vợ con. Ngoài ra, trong lúc bàn bạc, cần lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, không nên độc tài, độc đoán, áp đặt ý của mình. Vì trong tất cả những điều kiện, hoàn cảnh nào của gia đình, cả vợ lẫn chồng - hai bên đều cũng có trách nhiệm giải quyết, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Nhận thức được vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đối với các vụ BLGĐ, nhất là bạo lực với phụ nữ, Luật Phòng chống BLGĐ năm 2007 đã quy định một trong các nguyên tắc phòng chống BLGĐ là kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống BLGĐ, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Ngọc Vũ

Vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà sẽ góp phần gắn kết hôn nhân. Ảnh minh họa: Internet

Quy trình của một cuộc hòa giải

- Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa, thống nhất về một số quy ước, thỏa thuận về cách làm với các bên tranh chấp tại buổi hòa giải.

- Các bên trình bày nội dung vụ việc.

- Hòa giải viên tổng hợp lại các vấn đề đang tranh chấp; phổ biến, đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp; điều chỉnh về vấn đề các bên đang tranh chấp, giúp các bên hiểu rõ, liên hệ đến quyền lợi, trách nhiệm trong vụ việc, thấy rõ những điểm phù hợp, chưa phù hợp trong hành vi ứng xử của mình; đưa ra các lựa chọn đáp ứng lợi ích của các bên (các phương án giải quyết để các bên tham khảo); phân tích lợi ích của việc hòa giải thành, hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái.

- Những người được mời tham gia hòa giải có thể phân tích, bổ sung làm rõ ý kiến của hòa giải viên.

- Các bên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn; cùng bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với nhau về phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Trong quá trình các bên thảo luận, đối với những ý kiến đưa ra cách giải quyết bất hợp lý thì hòa giải viên kịp thời phân tích, thẳng thắn chỉ cho họ biết yêu cầu của họ đưa ra là không hợp lý để họ cân nhắc lại. Những nội dung thỏa thuận mà trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, thì hòa giải viên cần phải giải thích để họ thỏa thuận lại.

- Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất được phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, thì hòa giải viên tổng kết lại những vấn đề các bên đã thỏa thuận để các bên suy nghĩ, cân nhắc, cùng nhau khẳng định lại những thỏa thuận đạt được. Hòa giải viên nhắc nhở, đôn đốc các bên về việc thực hiện thỏa thuận.

Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp, hòa giải viên tiếp tục thuyết phục các bên bàn bạc, thỏa thuận tiếp. Nếu các bên vẫn không thống nhất được thì hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật đối với những nội dung này.

DUY THANH (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.