Giá trị rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu

Thứ Hai, 27/09/2021 | 15:31

Bạc Liêu được thiên nhiên ưu đãi, có hệ sinh thái (HST) khá đa dạng, trong đó có HST rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển. Các HST với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp khá lớn vào nền kinh tế của tỉnh…

Đoàn viên - thanh niên ra quân trồng rừng phòng hộ ven biển Nhà Mát năm 2020 (TP. Bạc Liêu) (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19).

“Lá phổi” xanh

Có thể nói, sự đa dạng sinh học (ĐDSH) ở Bạc Liêu có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các HST với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, góp phần làm cơ sở cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và duy trì nguồn gen, tạo giống vật nuôi - cây trồng…

Trong các HST tại Bạc Liêu, HST rừng là quan trọng nhất, đặc biệt là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ven biển. HST rừng có sự đa dạng về thành phần loài cao nhất. Đồng thời, đây cũng là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật và vi sinh vật có giá trị kinh tế và khoa học. Rừng Bạc Liêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bảo tồn ĐDSH, là nơi hấp thụ khí CO2 góp phần điều hòa khí hậu, là nơi phòng hộ, bảo vệ môi trường và duy trì sự phát triển bền vững, góp phần đảm nhiệm chức năng “lá phổi” xanh.

Xuất phát từ tầm quan trọng ấy, trong những năm qua, hoạt động trồng và chăm sóc rừng được các cấp ủy đảng và chính quyền đặc biệt quan tâm. Công tác trồng cây gây rừng tiếp tục được Bạc Liêu tích cực triển khai, với bình quân hằng năm trồng được trên 2.000ha rừng gắn với nhiều chiến dịch trồng mới và ra quân làm sạch biển. Một số chính sách phát triển lâm nghiệp được ban hành kịp thời đã khuyến khích các hộ dân được giao khoán rừng mở rộng thêm diện tích trồng rừng mới.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2019, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ổn định với trên 4.540ha (chiếm khoảng 1,84% diện tích tự nhiên). Trong đó, đã hình thành nên những mô hình sản xuất bền vững tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân bám rừng và giữ rừng với mô hình tôm - rừng.

Cùng với những mô hình tôm - rừng phát triển mạnh ở khu vực ven biển Bạc Liêu, phía sau khu vực đê phòng hộ ven biển thuộc các huyện Hòa Bình và Đông Hải, mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp dưới tán rừng (tôm - cua - cá) cũng góp phần nhân rộng diện tích rừng lên hàng ngàn héc-ta.

Người dân huyện Hòa Bình khai thác con giống trong rừng ngập mặn. Ảnh: L.D

Lá chắn vững chắc

Hệ thống rừng ngập mặn (RNM) của Bạc Liêu chủ yếu phân bố ở khu vực ven biển, trải dài từ TP. Bạc Liêu đến huyện Hòa Bình và kéo dài đến huyện Đông Hải, nơi có thủy triều lên xuống hàng ngày đã tạo nên một HST rất độc đáo. Đây cũng được xem là nguồn tài nguyên rất dồi dào cho phát triển du lịch sinh thái rừng và du dịch trải nghiệm gắn với các dự án của các công trình điện gió.

Không chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu, RNM còn là nơi cung cấp các lâm sản có giá trị, nguồn cung cấp thức ăn cho các loài thủy, hải sản; đồng thời là “cái nôi” và nơi cư trú của nhiều loài chim, động vật, các loại giáp xác.

Bên cạnh HST có năng suất sinh học rất cao, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản cũng như trữ lượng con giống ven bờ vốn trở thành “nồi cơm” nuôi sống nhiều ngư dân nghèo, RNM còn được xem là bức tường xanh vững chắc, hạn chế xói lở và quá trình xâm thực bờ biển. Bởi rễ cây ngập mặn có tác dụng làm cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn, vừa ngăn chặn tác động của sóng biển, giảm tốc độ gió.

Về ĐDSH thực vật, RNM ven biển Bạc Liêu bao gồm 49 loài, trong đó có 15 loài (chiếm 31%) là cây RNM thật sự và 34 loài (chiếm 69%) là cây gia nhập RNM thuộc 27 họ. Đặc biệt có cây chùm lé là loài duy nhất ở RNM Bạc Liêu có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, RNM ven biển tỉnh Bạc Liêu còn có 67 loài cá thuộc 39 họ của 13 bộ cá khác nhau. Trong số 67 loài được xác định, đa dạng nhất là bộ cá Vược với 38 loài (chiếm 56,7%) tổng số loài; bộ cá Trích có 8 loài (chiếm 11,9% số loài); bộ cá Nheo và bộ cá Bơn mỗi bộ có 4 loài (chiếm 5,9% số loài)…

Tất cả sự ĐDSH ấy chính là nguồn tài nguyên quý báu để Bạc Liêu khai thác và làm giàu từ rừng. Đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái rừng để du khách tự trải nghiệm và khám phá những nét độc đáo mang lại từ RNM.

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại và phá rừng trong những năm qua vẫn còn diễn ra và gần như chưa có điểm dừng. Cộng với tình trạng xâm thực, xói lở đất, nước biển ngày càng lấn sâu đã làm cho diện tích rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp dần - đây thật sự là vấn đề rất đáng được quan tâm. Do vậy, rất cần sự chung tay và ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc bảo vệ rừng bằng những việc làm thiết thực như: bảo vệ, không xâm hại, không phá rừng, trồng mới rừng và khai thác đúng mức các giá trị mang lại từ rừng.

Tú Anh (Bài viết có sử dụng tài liệu của Sở TN-MT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.