Đồng bào Khmer chung vui đón Tết Nguyên đán

Thứ Tư, 09/01/2019 | 17:22

Bạc Liêu là tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ có khá đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Mỗi năm xuân về Tết đến, đồng bào Khmer trong tỉnh cũng hòa chung trong không khí rộn ràng vui tươi đón tết cổ truyền của dân tộc Kinh.

Chị Thị Sang dọn dẹp căn nhà mới để chuẩn bị đón tết.

Ông Danh Thông cắt dọn hàng rào cây xanh trước nhà.

Đường làng, ngõ xóm vùng có đông đồng bào Khmer (huyện Hồng Dân) ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: C.L

Tuy đã có tết cổ truyền riêng của dân tộc mình (Chôl-chnăm-thmây) nhưng do quá trình sống đan xen, cộng cư lâu đời với người Kinh, người Hoa nên nhiều hộ đồng bào Khmer cũng tổ chức ăn Tết Nguyên đán. Ở những địa phương có đông người Khmer sinh sống như: huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, TX. Giá Rai… vào những ngày này, bà con sửa sang, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm những vật dụng cần thiết, sắm sửa quần áo để chuẩn bị đón năm mới.

Chị Thị Sang (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) và các thành viên trong gia đình đang thu xếp, dọn dẹp căn nhà vừa mới xây xong để chuẩn bị đón tết. Chị Sang phấn khởi nói: “Tết năm nay gia đình tôi sẽ vui lắm! Tôi đã gọi điện báo cho người thân đi làm ăn xa về việc nhà đã xây xong. Ai cũng mừng và hứa tết sẽ đến chia vui với gia đình tôi!”.

Thời điểm giáp tết cũng là lúc bà con Khmer ở huyện Hồng Dân thu hoạch xong vụ tôm trên đất lúa. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của địa phương nên bà con canh tác luân canh tôm - lúa hiệu quả, thu nhập tăng lên đáng kể. Ông Danh Thông, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Tà Ky (xã Ninh Hòa) cho biết: “Năm nay, do có ký kết hợp đồng bao tiêu nên lúa bán có giá. Bà con Khmer trong ấp phấn khởi vì có tiền sắm sửa, chuẩn bị tết”.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư để nâng cao đời sống bà con đồng bào Khmer. Kinh tế ổn định, nhà cửa đàng hoàng, con em được đến trường - điều này càng làm cho sinh khí đón Tết Nguyên đán của bà con thêm rộn ràng, xôm tụ. Theo ông Danh Thông, người Khmer ăn Tết Nguyên đán cũng giống như người Kinh, cũng gói bánh tét, cúng rước ông bà, đón giao thừa. Bà con xem đây là dịp để gia đình đoàn tụ, tưởng nhớ tổ tiên. 

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Khmer, trong các ngày lễ, tết, chùa chính là điểm hành lễ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa mang tính cộng đồng. Mọi người cùng sắm sửa lễ vật, ăn mặc tươm tất đến chùa cúng ông bà, tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ông Hữu Hoàng Danh (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Vào ngày 30, mùng 1 Tết Nguyên đán, bà con Khmer đến chùa cầu phúc cho cha mẹ. Các ngày còn lại thì dành thời gian sum họp gia đình hoặc vui chơi. Một số chùa Khmer còn tổ chức múa Lâm-thôn vào những ngày đầu năm mới, hoặc tổ chức các hoạt động văn nghệ góp phần làm cho không khí tết thêm rộn ràng”.

Trong xu thế hội nhập, cùng với điều kiện kinh tế ngày một phát triển, việc đồng bào Khmer tổ chức ăn Tết Nguyên đán không chỉ phản ánh nét giao thoa văn hóa giữa các tộc người, mà còn là minh chứng sinh động cho truyền thống đại đoàn kết dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.