Doanh nghiệp xả thải chưa qua xử lý: Vấn nạn gây ô nhiễm môi trường

Thứ Sáu, 22/03/2019 | 15:18

Thời gian qua, việc giám sát, xử lý vấn đề xả thải của các cơ quan chức năng và địa phương thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ và thường xuyên. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải ở các công ty, xí nghiệp, nhà máy chế biến thủy sản cần kinh phí rất lớn. Từ đó, không ít doanh nghiệp tìm cách xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Chị T.T.T chỉ vị trí đặt ống xả “ngầm” của Xí nghiệp Chế biến thủy sản Láng Trâm.

Con kênh dẫn nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm nặng do nước thải của Công ty TNHH MTV Nhựa Tý Liên xả thải.

Nước thải từ Công ty TNHH MTV Đình Duy (TX. Giá Rai) xả thẳng ra môi trường. Ảnh: C.L

NHỮNG KIỂU XẢ THẢI “CHUI”

Phần lớn các nhà máy, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đặt dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, ven Kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu, sông Gành Hào hoặc các con sông lớn khác. Do triều cường ở những con sông lên xuống hàng ngày nên thuận lợi cho việc xả thải “chui” của các công ty, nhà máy.

Theo quy định, một hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn đòi hỏi phải lưu giữ nước thải trong một thời gian nhất định để xử lý triệt để. Đối với các phương pháp xử lý hóa học, thời gian lưu có thể là nhiều giờ; còn với các phương pháp xử lý sinh học thì thời gian lưu cần phải nhiều ngày. Thời gian lưu càng lâu đòi hỏi bể chứa có thể tích càng lớn, diện tích mặt bằng càng rộng, nghĩa là càng tốn kém. Để “tiết kiệm”, các cơ sở sản xuất giảm thời gian lưu, hệ quả là nước thải không đạt tiêu chuẩn an toàn khi xả ra môi trường. Nếu bị phát hiện thì cơ sở chỉ vi phạm “nhẹ” là “xử lý nước chưa đạt”.

Một số doanh nghiệp lắp đặt cùng lúc hai hệ thống ống xả thải. Một hệ thống hoạt động công khai, một hệ thống hoạt động “ngầm”. Đây là cách làm của nhiều nhà máy chế biến thủy sản, mà điển hình là Xí nghiệp Chế biến thủy sản Láng Trâm (TX. Giá Rai). Nằm cách hệ thống ống xả thải công khai (có gắn biển, vị trí xả thải) khoảng hơn 30m là hệ thống ống xả ngầm - và đây mới là hệ thống xả chính của nhà máy.

Chị T.T.T (người dân ở khu vực này) bày tỏ: “Những hôm xí nghiệp hoạt động nhiều thì nước thải xả ra ào ào, mang theo mùi hôi tanh rất khó chịu. Việc làm này đã diễn ra từ rất lâu, nhưng không bị phát hiện do họ có hệ thống xả đạt chuẩn để qua mắt ngành chức năng. Còn người dân chúng tôi thì nắm rõ lắm!”.

Còn một cách xả thải chui nữa, đó là các chủ cơ sở sản xuất cho đào các con mương dẫn nước từ nhà xưởng nối liền với hệ thống kênh rồi mặc tình xả thải. Đây là cách làm của Công ty TNHH MTV Đình Duy (TX. Giá Rai) và Công ty TNHH MTV Nhựa Tý Liên (huyện Phước Long). Việc làm này rất nguy hại, bởi nước thải bẩn kèm theo hóa chất độc hại sẽ thấm dần vào lòng đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sản xuất của người dân. Anh N.V.T (người dân sống gần doanh nghiệp Tý Liên) than thở: “Nhà tôi có hơn 1ha đất canh tác mà bây giờ tôi phải làm nghề chạy xe ôm để kiếm sống. Mấy năm nay, nguồn nước do doanh nghiệp Tý Liên xả thải gây ô nhiễm đất nên tôi không thể trồng trọt được!”.

NGÀNH CHỨC NĂNG CẦN MẠNH TAY

Từ năm 2015 đến ngày 30/6/2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ môi trường đối với 236 nhà máy chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã xử phạt và trình xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 nhà máy không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường với số tiền 4,85 tỷ đồng. Các doanh nghiệp vi phạm về xả thải bị bắt quả tang trên đều hoạt động trong một thời gian dài.

Còn tại TX. Giá Rai, từ năm 2018 đến nay, Phòng TN&MT thị xã đã xử lý 5 cơ sở vi phạm trong việc xả thải cũng như không đảm bảo các yếu tố môi trường trong sản xuất. Song, đây chỉ mới là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bởi, trên thực tế, còn khá nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải chỉ để đối phó mỗi khi có thanh tra, kiểm tra. Và sau khi kiểm tra thì mọi chuyện trở lại như cũ, doanh nghiệp vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường.

Để giải quyết thực trạng trên, các cơ quan chức năng buộc các doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu hoặc phải đấu nối vào hệ thống xử lý chung; thường xuyên kiểm tra chất lượng nước thải. Đối với doanh nghiệp khi bắt đầu xây dựng cơ sở sản xuất, bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đạt yêu cầu hoặc phải đấu nối vào hệ thống xử lý chung. Nếu không thực hiện kiên quyết vấn đề này thì việc giải quyết các hệ lụy sau này rất phức tạp. Đồng thời Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm tiền thuê đất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt chuẩn.

Để doanh nghiệp thay đổi nhận thức, xem việc bảo vệ môi trường là chiến lược trọng tâm, các ngành chức năng cần tăng chế tài xử phạt đối với cơ sở vi phạm; rà soát “lỗ hổng” trong các văn bản luật để bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi, đầu tư sản xuất vào lĩnh vực thân thiện với môi trường.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.